📞

Gợi mở nhiều ý tưởng hợp tác APEC năm 2017

21:05 | 08/12/2016
Ngày 8/12 đã diễn ra 7 phiên Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 - trọn một ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả, gợi mở nhiều ý tưởng tăng cường hợp tác.

Đây là một sự khởi động tốt đẹp cho các hoạt động của APEC sẽ diễn ra trong suốt năm 2017 và là dịp để Việt Nam tranh thủ ý kiến rộng rãi cũng như ý tưởng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới để xây dựng các ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2017.  

Tại hai phiên đầu của Hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về cục diện thế giới và khu vực, nhận diện những cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vai trò của Diễn đàn trong cục diện mới. Các đại biểu đều chia sẻ đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là tình hình thế giới và khu vực đang biến chuyển nhanh hơn, khó lường hơn, đặc biệt xu thế bảo hộ và hướng nội nổi lên ở một số nơi, làm tăng tính phức tạp của tình hình.

Vì vậy, đây là thời điểm APEC cần phát huy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, liên kết sâu rộng, củng cố hệ thống thương mại đa phương. Đồng thời APEC cần khẳng định vai trò đi đầu khởi xướng ý tưởng và điều phối các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực, đặc biệt là trong các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới.

Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017. (Ảnh: Quang Hòa)

Tại các phiên thảo luận tiếp theo trong khuôn khổ Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017, chia sẻ tầm nhìn của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 về việc xây dựng một “Quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”, các đại biểu khẳng định thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng và bảo đảm tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm sẽ tiếp tục là những ưu tiên hàng đầu của hợp tác APEC trước những chuyển biến sâu sắc của kinh tế thế giới và khu vực.

Trước những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, các đại biểu cho rằng APEC cần đóng vai trò định hướng cho tiến trình này thông qua các nỗ lực tăng cường liên kết khu vực, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư. Các đại biểu  nhất trí động lực cho tăng trưởng và liên kết khu vực đến từ việc tăng cường kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao tính tự cường của các cộng đồng khu vực trong ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững…

Đại biểu các nền kinh tế APEC trò chuyện bên lề Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa)

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế nhận định các thành viên APEC cần duy trì thương mại như một động lực để tạo việc làm và cải thiện đời sống người dân, song sẽ cần điều chỉnh cách tiếp cân để phù hợp hơn với tình hình mới. Ông cũng nhấn mạnh các quan ngại về công bằng và bình đẳng trên toàn cầu, mở ra cơ hội cho APEC thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa 2.0. mang tính bao trùm và dễ chấp nhận hơn. Ông đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong hợp tác APEC gần 20 năm qua và bày tỏ tin tưởng trong năm 2017 Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực đưa Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa)

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch các quan chức cao cấp (SOM) APEC 2017 đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các thành viên đã giúp gợi mở phương hướng để hợp tác APEC hiệu quả và thực chất hơn thời gian tới, đặc biệt là trên bốn vấn đề về thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác trên các vấn đề phát triển để đưa Diễn đàn thành một cơ chế đi đầu tầm toàn cầu về ứng phó với các thách thức cấp bách… Chủ tịch SOM APEC 2017 cảm ơn sư ủng hộ của các thành viên cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực đối với tiến trình hội nhập quốc tế và tham gia APEC của Việt Nam trong gần hai thập niên vừa qua.