GS. Huỳnh Văn Sơn nhận định, trong bối cảnh dạy học trực tuyến, người thầy cần được trang bị kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Lâu nay, nhiều người cho rằng công nghệ sẽ là chìa khóa, giúp đào tạo ra một thế hệ công dân số trong tương lai. Quan điểm của ông thế nào về tác động của công nghệ đối với thế hệ trẻ nói chung?
Năng lực công nghệ thông tin là năng lực thiết yếu giúp thế hệ trẻ thích ứng và chiếm lĩnh tri thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số, đặc biệt là chuyển đổi số trong giáo dục.
Thế hệ trẻ là lực lượng đầy tiềm năng và triển vọng trong việc nghiên cứu, sử dụng và ứng dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ trong thời đại mới.
Do đó, quan điểm cho rằng công nghệ là chìa khóa, giúp đào tạo ra một thế hệ công dân số trong tương lai là phù hợp.
Việc chuyển từ học trực tiếp sang học online, tiếp xúc lâu dài với máy móc, công nghệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, khiến trẻ giảm tương tác với người thân và thế giới bên ngoài. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng trong dạy học trực tuyến?
Để nâng cao chất lượng trong dạy học trực tuyến, đầu tiên chúng ta cần nhìn nhận những khó khăn, thách thức, nhất là các “lỗ hổng” trong quá trình dạy và học trực tuyến của giáo viên và người học hiện tại. Đồng thời, tâm lý tiêu cực, ức chế cũng như sự quá tải khi học trực tuyến kéo dài là điều không thể tránh khỏi đối với cả thầy lẫn trò.
Điều quan trọng là nhìn nhận khó khăn này và thích ứng, làm quen dần với việc dạy học trực tuyến thay vì chủ quan hay phê phán một chiều. Theo tôi, hãy tin tưởng vào khả năng của người trẻ trong thích ứng và phát triển trên không gian ảo.
Với giáo viên, đây là bối cảnh đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn thay vì chỉ điều chỉnh. Mỗi thầy cô cần không ngừng nâng cao khả năng, bản lĩnh và thích ứng trong bối cảnh, nhất là cuộc CMCN 4.0.
Thứ hai, sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô trong việc thấu hiểu tâm lý và dành cho trẻ sự động viên, khích lệ cũng như thư giãn tâm lý là rất cần thiết. Không phải lúc nào chất lượng đường truyền cũng tốt, không phải lúc nào chất lượng học tập trực tuyến cũng đạt hiệu quả như mong đợi.
Hãy đừng quá kỳ vọng vào con trẻ khi các con học trực tuyến mà hãy dành thời gian chia sẻ và kiên nhẫn cùng con thực hiện những bài tập thư giãn tinh thần sau các giờ học trực tuyến, hoặc những lúc “mất kết nối mạng” và “đường truyền không ổn định”.
Cũng cần cảm thông cho những khó khăn, thách thức để cùng thầy cô làm tốt việc dạy, cùng con tích lũy tri thức sao cho hiệu quả mà an toàn. Giả định nếu hoàn toàn không dạy và học trực tuyến trong thời gian dài liệu có phải là điều số đông trẻ em mong đợi?
Không ít người cho rằng, việc học trực tuyến sẽ khiến trẻ giảm bớt sự sáng tạo cũng như kỹ năng thực hành, kỹ năng xử lý các tình huống trong cuộc sống vì bị giới hạn, tách biệt khỏi các hoạt động ngoài thực tế. Điều này có đáng lo ngại?
Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào công bố về việc học trực tuyến sẽ khiến trẻ giảm bớt sự sáng tạo cũng như kỹ năng thực hành, xử lý tình huống. Điều quan trọng là cần nhìn nhận thực tế, chính môi trường học tập trực tuyến, các không gian tương tác ảo và các nền tảng trực tuyến đã giúp quá trình học tập, thực hành kỹ năng cũng như sự sáng tạo ở trẻ được phát huy tối đa.
Đây chính là mặt tích cực của công nghệ mang đến cho con người, khi người trẻ biết tận dụng nó, các em sẽ phát triển và chuyển đổi không ngừng trong thời đại số.
Từ đó có thể nhận định, vấn đề chúng ta đang gặp phải là... tư duy. Người lớn lo ngại về việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ quá nhiều, cũng như chúng ta thường bị “ám” vào việc học là phải thực hành thực tế, thực hành trực tiếp và phải đi ra ngoài.
Theo tôi, hãy mở rộng tư duy và quan điểm của người lớn về sự thực hành đúng nghĩa. Môi trường thực hành cho trẻ sau những giờ học trực tuyến tốt nhất không đâu khác ngoài chính ngôi nhà của mình, cũng như cuộc sống của chính các em.
Theo ông, việc xây dựng hệ thống công nghệ cần đáp ứng những tiêu chí nào để dạy học online một cách hiệu quả?
Việc xây dựng hệ thống công nghệ đáp ứng dạy học trực tuyến một cách hiệu quả cần được tiến hành kỹ lưỡng và phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản sau:
Một là, lựa chọn nền tảng học trực tuyến ổn định, an toàn và có sức chứa phù hợp với số lượng người học.
Hai là, việc chuẩn bị các kịch bản sư phạm trực tuyến cho các lớp học trực tuyến cần được quan tâm, đầu tư có trọng điểm và chất lượng.
Ba là, cần phải có sự chuẩn bị dồi dào về nguồn học liệu số, đảm bảo kho tài nguyên mạng rộng lớn về lĩnh vực học tập để tận dụng tối đa việc trải nghiệm học tập trong các không gian ảo.
Bốn là, đội ngũ giáo viên cần được tập huấn đầy đủ về phương pháp dạy học trực tuyến, cũng như cần có sự quan tâm, đầu tư hơn về chế độ chính sách cho giáo viên khi dạy trực tuyến để tạo động lực tích cực trong công việc.
Năm là, chuẩn bị cho người học, nhất là học sinh ở từng cấp học, lớp học với những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để thích ứng và làm chủ môi trường trực tuyến, môi trường internet để học tập, định hướng phát triển.
Giáo viên cũng cần được quan tâm đời sống vật chất và tinh thần để an tâm, dành tâm huyết với nghề. (Ảnh: Minh Hiền) |
Trong thời đại công nghệ, việc dạy và học trực tuyến sẽ không còn là giải pháp tình thế. Do đó, người thầy phải “chuyển mình” ra sao để có thể thích ứng, làm tròn vai của mình khi “đứng lớp” online?
Trước hết, người thầy cần thay đổi tư duy và tiếp thu những thành tựu cách mạng công nghệ. Tư duy của người thầy là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong giáo dục.
Khi người thầy nhận ra cơ hội, cũng như đánh giá được thách thức mà bản thân cần phải vượt qua để “chớp lấy” cơ hội này, người thầy sẽ là “đầu tàu” trong giáo dục, thúc đẩy sự phát triển của học sinh trong các lớp học trực tuyến.
Thứ hai, người thầy cần có sự chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để có thể dạy học trực tuyến hiệu quả.
Thứ ba, người thầy cần được trang bị kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong bối cảnh học trực tuyến. Qua đó, vừa thúc đẩy động cơ học tập tích cực, vừa giúp học sinh giải tỏa tâm lý căng thẳng khi phải đối diện với màn hình quá lâu.
Cuối cùng, người thầy cần được quan tâm đời sống vật chất và tinh thần để có thể an tâm, an toàn, dành tâm huyết với nghề và phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số.
Vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là nhà quản lý giáo dục, theo GS, làm sao để xây dựng được một nền giáo dục phục vụ con người, đặt con trẻ làm trung tâm, tạo ra những con người có chất lượng cao, thúc đẩy phát triển đất nước?’
Mục tiêu xây dựng một nền giáo dục phục vụ con người, đặt con trẻ làm trung tâm cũng như tạo ra những con người có chất lượng cao, thúc đẩy phát triển đất nước đã và đang là mục tiêu trọng điểm trong phát triển con người của giáo dục Việt Nam nói chung.
Tôi chỉ đề cập đến khía cạnh cần phải có sự thay đổi về tư duy của các lực lượng giáo dục trong hành trình giáo dục trẻ. Sự thay đổi này phải bám chặt vào việc tạo mọi cơ hội, điều kiện để trẻ phát triển năng lực, phẩm chất trong cuộc sống.
Hãy trao quyền tự chủ và tự phát triển cho trẻ ngay những việc nhỏ nhất như quét nhà, gấp quần áo, học tập… để rèn sự tự lập và tư duy độc lập cho trẻ từ trong gia đình. Trẻ chỉ phát triển tốt nhất khi được là chính mình.
Chúng ta có thể trao các con cơ hội để phát triển chứ không thể quy định chất lượng hay "rót" những kỳ vọng vào cuộc đời và nhân cách trẻ theo ý của người lớn.
Xin cảm ơn GS!