GS. NGND Nguyễn Lân Dũng kỳ vọng đại biểu Quốc hội thực sự có tài, có tâm và có bản lĩnh chính trị và không quên lời hứa trước cử tri. |
Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, cả nước thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, một Nghị quyết với rất nhiều điều mới mẻ và đáng hy vọng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Muốn đạt được mục tiêu đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải thảo luận các chủ trương, biện pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, nâng cao mức thu nhập của các tầng lớp nhân dân. Từ đó để tất cả đều có thể vượt qua mức thu nhập trung bình, để nền công nghiệp nước nhà có thể phát triển theo hướng hiện đại trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Chính vì vậy, tôi kỳ vọng tất cả 500 ĐBQH được nhân dân bầu ra đều là những người có tâm và có tầm. Không có đại biểu nào vắng mặt trong các kỳ họp, không có đại biểu nào chỉ ngồi nghe mà không có những ý kiến xác đáng đóng góp trên nghị trường, không có đại biểu nào lãng quên những lời hứa trước cử tri là luôn phản ánh kịp thời những nguyện vọng chính đáng của cử tri…
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là ĐBQH và chúng ta đang chuyển từ Quốc hội hoạt động hình thức sang Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền, muốn vậy phải tăng cường năng lực cho đại biểu.
Trước hết là năng lực pháp lý, thứ hai là các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH. Trong đó, đáng chú ý nhất là vấn đề năng lực lập pháp, quyền trình dự án luật, quyền sáng chế pháp luật của đại biểu. Măt khác, ông Vân đề nghị cần nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH. Ông nói, dù 100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng không bảo đảm thực chất, thực quyền.
Chúng ta biết rằng, Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Để Quốc hội có thể làm được ba nhiệm vụ quan trọng nói trên thì tất cả các đại biểu được bầu đều phải có trình độ, có năng lực, tránh tình trạng một ĐBQH phải gánh quá nhiều chức năng đại diện. Một số đại biểu nữ trước đây đã phải “gánh” tới 4 tính đại diện (nữ, trẻ, dân tộc ít người, ngoài Đảng). Điều này làm hạn chế năng lực thực tế của những đại biểu này.
Theo tôi, để có Quốc hội chuyên nghiệp, một mặt cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách có nghiệp vụ cao, nhưng không đến mức quá nhiều vì sẽ làm giảm tính đại diện của đại biểu.
Có người hỏi tôi, làm sao để người dân có cơ sở đánh giá về năng lực, trình độ người đại diện cho mình, để lựa chọn đại biểu xứng đáng? Tôi nghĩ, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, các kỳ họp Quốc hội đều được hiện thị đầy đủ trên vô tuyến và được phản ánh chân thực trên báo chí. Người dân muốn quan tâm đến hoạt động Quốc hội cần thu xếp thời gian để có thể theo dõi từng diễn biến trên nghị trường. Mặt khác, trước và sau mỗi kỳ họp, từng đại biểu phải về tiếp xúc cử tri ở những nơi đã bầu cho mình.
Qua theo dõi, cử tri đều có điều kiện để đánh giá từng đại biểu do mình bầu ra và có quyền chất vấn trong các kỳ tiếp xúc cử tri. Đại biểu nào không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân sẽ bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định (Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội).
Tôi nhận thấy hầu hết các ĐBQH trong Khóa XIV đều là những đại biểu tốt, nhiệt tình công tác và giữ vững đạo đức, tư cách của người đại biểu nhân dân. Tuy nhiên, cử tri không hài lòng về tỷ lệ vắng mặt của một số đại biểu khi biểu quyết những vấn đề hệ trọng. Mục 5, điều 22 trong Luật Tổ chức Quốc hội ghi rõ ĐBQH phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. Nếu quá bận công tác ở địa phương hoặc sức khỏe không đảm bảo thì không nên làm ĐBQH.
Cử tri cũng chưa hài lòng khi thấy đại biểu do mình bầu ra không tham gia thảo luận hoặc phát biểu thiếu chất lượng tại nghị trường. Điều đó giúp nhân dân trong lần bầu cử ĐBQH khóa XV cần cân nhắc lựa chọn trong hơn 800 ứng cử viên trong lần bầu cử này để có được 500 đại biểu thực sự có tài, có tâm và có bản lĩnh chính trị. Để làm được điều này cử tri cần xem xét kỹ các trích ngang lý lịch, lắng nghe chương trình hành động và những lời hứa trước cử tri của các ứng viên.
Đặc biệt, một số ĐBQH khóa XIV được các tổ chức hiệp thương đưa vào diện tái cử cần phải là những đại biểu có tâm, có tài, có bản lĩnh chính trị. Điều này cử tri có thể thấy rõ khi theo dõi các đại biểu này trong nhiệm kỳ suốt 5 năm vừa qua. Nếu thấy đủ tín nhiệm thì nên bầu cho họ, vì đó là những người đã có một quá trình 5 năm trở lên làm ĐBQH và đã được nhân dân chứng kiến về nhiệt tình, trách nhiệm, năng lực và khả năng hoạt động của họ.