📞

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Kỳ vọng văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng 11:19 | 24/11/2022
"Tôi hy vọng trong những năm tới, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo…".
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng kỳ vọng văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức. (Ảnh: NVCC)

Đó là quan điểm của GS. NGND Nguyễn Lân Dũng với báo Thế giới và Việt Nam khi nhìn lại một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021).

Cốt lõi trong giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ta là yêu nước

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo".

Theo tôi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải phấn đấu có văn hóa, có tri thức, có đạo đức. Một xã hội có nhiều những công dân như vậy mới là một xã hội tốt đẹp. Như đánh giá của Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì kinh tế xã hội nước ta đã có một bước phát triển rất đáng phấn khởi và tin tưởng. Đảng đã chỉ ra phương hướng cụ thể cho việc phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới.

Đó là: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tôi hoàn toàn tin tưởng nhân dân ta sẽ làm được theo những phương hướng chỉ đạo rất xác đáng này hướng tới những kỳ vọng mà Đảng đã vạch ra. Đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào yếu kém, bất cập trong lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Đặc biệt là môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.

Cốt lõi trong giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ta là yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là khát vọng vươn lên xây dựng đất nước hùng cường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, truyền thống ấy là trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

"Thể chế, chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp, có tầm nhìn, có khả năng dự báo và định hướng chiến lược sẽ góp phần 'soi đường' cho dân tộc vươn đến những mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp. Thể chế, chính sách hoàn thiện sẽ tạo môi trường pháp lý quan trọng, đảm bảo quyền, lợi ích của con người, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa phát triển".

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đi ngược lại, cản trở khát vọng đó của nhân dân ta. Thật đáng lo ngại khi 5 năm qua, trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó trên 46.000 người liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, chiếm 52,9% số bị xử lý kỷ luật.

Nhân dân vẫn chờ đợi, kỳ vọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dân muốn mỗi tổ chức, đảng viên thấm nhuần, làm theo lời Bác dạy: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tôi luôn nhớ một câu đã có từ lâu, đó là Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Nếu mỗi chi bộ Đảng đều là tấm gương cho cả đơn vị thì quần chúng nơi đó lẽ nào không phấn đấu theo và cả xã hội sẽ tốt đẹp lên.

“Văn hóa không có sự cao thấp”

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên ‘thương hiệu’ cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới".

Chúng ta có thể có mức sống vật chất chưa bằng nhiều nước khác nhưng không ai ngăn cản chúng ta có một đời sống văn hóa không thua kém ai. Đó là “thương hiệu” mà Tổng Bí thư đã nhắc đến.

Tôi hy vọng trong những năm tới, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp. Đồng thời, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Giá trị văn hóa con người Việt Nam là yếu tố tạo thành bản sắc tộc ta như Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã khẳng định là một dân tộc “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Tôi nhớ xưa kia Thầy Tử Lộ đã nói: "Người trí là người làm cho người ta biết đến mình, người nhân là người làm người ta yêu mình".

Tôi nghĩ, chính sách, thể chế được ban hành kịp thời, phù hợp, có tầm nhìn, có khả năng dự báo và định hướng chiến lược sẽ góp phần “soi đường” cho dân tộc vươn đến những mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp. Thể chế, chính sách hoàn thiện sẽ tạo môi trường pháp lý quan trọng, đảm bảo quyền, lợi ích của con người, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa phát triển.

Tôi hy vọng Hội thảo Văn hóa 2022 sắp tới sẽ làm sáng tỏ những đổi mới trong thời gian tới về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa để đạt được mong muốn của Đảng như đã được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội XIII: Gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, chú trọng khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.