GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, người trẻ phải không ngừng học tập và phải hướng đến là người sống tử tế. |
Trong xu thế toàn cầu hóa, không phải đến khi tìm việc ở nước ngoài thì sinh viên mới chịu áp lực cạnh tranh với những đối thủ quốc tế. Cuộc thi giữa những "công dân toàn cầu" đang diễn ra ngay chính trên "sân nhà" Việt Nam. Theo ông, các bạn trẻ cần đầu tư gì cho việc học cũng như kỹ năng, kiến thức theo chuẩn quốc tế?
Theo UNESCO, giáo dục công dân toàn cầu nhằm mục đích trao quyền cho người học tham gia và đảm nhận vai trò tích cực tại địa phương, quốc gia và trên toàn cầu, để đối mặt và giải quyết các thách thức toàn cầu và cuối cùng để trở thành người chủ động đóng góp cho hòa bình, khoan dung, bao gồm sự an toàn và bền vững thế giới.
Giáo dục công dân toàn cầu đòi hỏi nhiều cách tiếp cận khác như giáo dục nhân quyền, giáo dục hòa bình, giáo dục để phát triển bền vững và giáo dục cho sự hiểu biết quốc tế với quan điểm học tập suốt đời và nhiều hình thức học tập khác. Các bạn trẻ Việt Nam cần dựa vào các tiêu chí nói trên để phấn đấu.
Theo tôi, trước hết cần có ít nhất một ngoại ngữ thì mới có thể nghĩ đến được hai chữ “toàn cầu”. Hai là, học để hành, nghĩa là phải có đủ kiến thức để nâng cao ngay hiệu suất của mình trong học tập, nhất là sau khi bước vào đời trong thời đại kỷ nguyên số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ba là học làm người, nghĩa là con người “sống tử tế” như tiêu chí của Hội liên hiệp thanh niên quốc tế (IYF- International Youth Fellowship).
Công nghệ số tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của bạn trẻ thế nào, thưa ông?
Công nghệ số bao gồm tất cả các công cụ, thiết bị điện tử, hệ thống tự động, thiết bị công nghệ và tài nguyên tạo ra, xử lý hoặc lưu trữ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là đặc trưng của kỷ nguyên số.
Nếu bạn trẻ nào xa lạ với công nghệ thông tin, kém ngoại ngữ thì làm sao tận dụng được tài nguyên thông tin mà công nghệ số mang lại, từ đó làm sao bắt kịp những tiến bộ trong công nghiệp?
Bản thân tôi, ở tuổi 85 rồi, nhưng hầu như mọi việc làm đều gắn với những thông tin thu nhận được từ nhiều ngôn ngữ trên Internet.
Việc lựa chọn ngành nghề cân nhắc nhu cầu xã hội thôi là chưa đủ mà yếu tố cần thiết khác là dựa vào năng lực của mỗi cá nhân. Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?
Nếu xã hội có nhu cầu, ví dụ sử dụng người máy (robot) trong công nghiệp mà bạn trẻ nào trong xí nghiệp còn hoàn toàn xa lạ thì làm sao thích ứng được? Những hãng công nghệ nổi tiếng thế giới luôn không bằng lòng với thành tựu của mình. Ví dụ, Apple đã không chỉ tập trung vào máy tính cá nhân để bàn mà còn biết chuyển tầm nhìn của mình sang điện thoại di động, tivi, nhiếp ảnh…
"Trước hết, cần có ít nhất một ngoại ngữ thì mới có thể nghĩ đến được hai chữ “toàn cầu”. Hai là, học để hành, nghĩa là phải có đủ kiến thức để nâng cao ngay hiệu suất của mình trong học tập, nhất là sau khi bước vào đời trong thời đại kỷ nguyên số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ba là học làm người, nghĩa là con người “sống tử tế” như tiêu chí của Hội liên hiệp thanh niên quốc tế". |
Kỷ nguyên số tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành nghề trong xã hội, năng lực cá nhân của từng bạn trẻ nếu không theo kịp thì sẽ bị lạc hậu và có thể bị đào thải theo quy luật cạnh tranh. Hơn bao giờ hết, khẩu hiệu "học, học nữa, học mãi" trở nên vô cùng đúng đắn.
Có người đặt câu hỏi “học gì để không thua ngay trên sân nhà”? Ông nghĩ gì về câu hỏi này?
Trong xu thế toàn cầu hóa, không phải đến khi tìm việc ở nước ngoài thì sinh viên mới chịu áp lực cạnh tranh với những đối thủ quốc tế.
Cuộc thi thố giữa những "công dân toàn cầu" đang diễn ra ngay chính trên "sân nhà" Việt Nam. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nhiều trường đại học đang lo ngại sự "cạnh tranh" giữa các nguồn lao động.
Rất nhiều bạn trẻ các nước đã đến Việt Nam làm việc. Nhiều sinh viên ASEAN sau khi ra trường cũng đã chọn Việt Nam là nơi khởi đầu sự nghiệp. Vì vậy, không chỉ khi ra nước ngoài sinh viên mới phải đương đầu với các "đối thủ" quốc tế mà giờ còn phải cạnh tranh với họ ngay ở "sân nhà".
Kỷ nguyên số tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành nghề trong xã hội, năng lực cá nhân của từng bạn trẻ. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ông, làm sao để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao? Những nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến những yếu tố nào để đổi mới giáo dục thành công, thưa ông?
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, có tay nghề với năng lực tốt, được đào tạo vừa cơ bản, vừa chuyên sâu để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong thời gian tới, để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển thu nhập trung bình cao vào năm 2045, cần xác định rõ nhận thức xuyên suốt về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để từ đó đề ra những giải pháp sát thực với thực tế, hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra.
"Kỷ nguyên số tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành nghề trong xã hội, năng lực cá nhân của từng bạn trẻ nếu không theo kịp thì sẽ bị lạc hậu và có thể bị đào thải theo quy luật cạnh tranh". |
Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã xác định vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo. Thầy cô giáo luôn là yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục.
Tôi nhớ lại hồi chúng tôi học bậc phổ thông ở Khu học xá Nam Ninh (1951-1954). Lúc đó làm gì có chương trình mới, cũng chẳng có sách giáo khoa, nhưng tại sao chúng tôi học rất tốt và sau này về nước đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó là vì ngay từ bậc phổ thông chúng tôi đã may mắn được học các thầy giáo tài hoa và yêu nghề như các thầy Hoàng Như Mai, Trần Văn Khang, Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo…
Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ, bên cạnh công việc lâu dài là phấn đấu có được một chương trình hợp lý, tiến bộ, đủ sức hội nhập quốc tế và tiến tới có được những sách giáo khoa với lượng thông tin không thua kém gì so với các nước phát triển mà lại phù hợp với Việt Nam, thì việc quan trọng nhất và có thể làm ngay là việc bồi dưỡng giáo viên. Đừng tổ chức các đợt bồi dưỡng ngắn hạn vừa tốn công tốn sức, vừa rất ít hiệu quả.
Tôi có một kiến nghị, đã trình bày với GS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đó là đề nghị các hội khoa học chuyên ngành cử ra các giáo sư tâm huyết, viết ra các cuốn sách đúng với chương trình giáo dục phổ thông, nhưng sâu hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn, trao vào tận tay các giáo viên phô thông.
Ông có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?
Cách đây không lâu, ngày 21/9/2022 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta đã có cuộc làm việc, ký kết hợp tác với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) và làm việc với Tập đoàn Intel.
Đoàn Việt Nam mong muốn ETS có thể chia sẻ nhiều hơn trong việc phát triển khoa học kiểm tra, đánh giá. Việt Nam sẽ cử người sang Hoa Kỳ để tham dự các khóa huấn luyện, cũng như ETS có thể cử các chuyên gia sang Việt Nam để giúp đỡ. Việt Nam đang trong quá trình phát triển các trung tâm khảo thí độc lập nên rất cần hỗ trợ một cách toàn diện.
Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng đề xuất ETS hỗ trợ Việt Nam việc dạy và học tiếng Anh ở bậc học phổ thông cũng như giáo dục thường xuyên ở các khâu năng lực giáo viên và kiểm tra, đánh giá.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ khẳng định: Sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục thông qua các bài kiểm tra, đánh giá, đo lường. Với tinh thần đối tác và phục vụ, chúng tôi rất vinh dự được hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc xây dựng bài giảng.
Chủ tịch ETS cho biết, ETS có hơn 1.000 nhà nghiên cứu và tập trung vào những kỹ năng khác nhau của một bài thi. Bộ phận nghiên cứu, phát triển sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm học tập được từ nhiều nước khác nhau. Dù vậy, có những điều chúng tôi vẫn phải học hỏi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc đánh giá, khảo sát. Chúng tôi nhận rõ tính nghiêm túc của các kỳ thi khảo sát ở Việt Nam cũng như tính quan trọng của các kỳ thi mà học sinh, phụ huynh đều rất quan tâm.
Hãy bắt đầu và phát huy những sự hợp tác quốc tế tương tự như vậy, chắc chắn nền giáo dục của chúng ta sẽ sớm có những kết quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như mong muốn nguồn nhân lực trẻ trong tương lai sẽ đạt chuẩn quốc tế.
Xin cảm ơn GS. NGND!