📞

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Thật đáng buồn khi tấm bằng cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay

Nguyệt Anh 14:30 | 02/08/2022
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, giữa một xã hội chuyển mình không ngừng, các bạn trẻ đừng nên từ chối bất kỳ cơ hội nào, hãy luôn năng động để tạo ra cơ hội việc làm cho chính mình, đồng thời thấy được những rào cản cần phải vượt qua là gì…
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cảm thấy buồn khi tấm bằng cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay.

Tấm bằng cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay

Thị trường giáo dục hiện thời đang mở ra cơ hội nhưng cũng đem đến thách thức không nhỏ cho các bạn trẻ. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Khái niệm thị trường giáo dục không phải là buôn bán, trao đổi mọi thứ thuộc về giáo dục mà là xét giáo dục trên khía cạnh một ngành kinh tế dịch vụ. Từ đó có cái nhìn đúng đắn hợp xu thế trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường đáp ứng yêu cầu hội nhập hội và phát triển.

Sản phẩm giáo dục chính là con người, là một loại hàng hóa đặc biệt nên cũng khác hoàn toàn so với cách vận hành của hàng hóa thông thường. Giáo dục có những sứ mệnh đặc biệt. Không giống như các ngành kinh tế khác, sản phẩm của ngành giáo dục chính là con người và kỹ năng mà giáo dục cung cấp.

Một đất nước trên 90 triệu dân có truyền thống hiếu học sẽ là thị trường giáo dục màu mỡ cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Số đông thanh niên mơ ước được đi du học nước ngoài.

Ngày càng nhiều hệ thống giáo dục tư có vốn đầu tư nước ngoài mọc lên tại Việt Nam, không những giáo dục bậc cao mà cả giáo dục cơ bản, nền tảng từ tiểu học, trung học. Trong khi các trường đại học ngoại được chào đón nồng nhiệt thì không ít trường trong nước đang “héo mòn” vì không có nguồn đầu vào.

Vấn đề là Việt Nam không thiếu các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nhưng tại sao rất ít nhà đầu tư thành công? Bằng chứng là đa số các trường tư nhân đều gặp khó khăn trong những năm gần đây.

Mấu chốt ở đây chính là chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm chất lượng thấp sẽ khó cạnh tranh với những sản phẩm chất lượng cao.

Hiện có hàng trăm nghìn thạc sĩ và cử nhân thất nghiệp, thật buồn là tấm bằng cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay. Chất lượng đào tạo đại học chênh lệch rất nhiều giữa các trường trong phạm vi cả nước.

Ông nhận định thế nào về chất lượng nguồn nhân lực trẻ của nước ta so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á?

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia; gần tương đồng với Myanmar và Lào; thấp hơn Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Malaysia cũng như Singapore.

Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, qua đó nâng cao năng suất lao động để có thể bắt kịp với mức năng suất lao động của các quốc gia trong khu vực.

Ở nước ta, mức độ cải thiện và chênh lệch về trình độ học vấn là đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phân cấp, mất cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng miền và tất yếu sẽ kéo theo chênh lệch mức sống dân cư, về phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực.

Có thể xem đây là lỗ hổng lớn về chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trong xu hướng phát triển hiện nay, Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao và lành nghề.

Tuy nhiên, những bất cập hiện nay không chỉ cản trở tiềm năng đóng góp của lao động vào tăng năng suất mà còn đặt ra nhiệm vụ nặng trong việc nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Các trường cần phải có tính hướng nghiệp trong nội dung đào tạo. (Nguồn: Hanoimoi)

Thách thức trong cải thiện nguồn nhân lực

Theo ông, những thách thức nào cho Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động để có thể bắt kịp với mức năng suất lao động của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á?

Năng suất lao động Việt Nam dù đã được cải thiện trong giai đoạn 2016-2020, song vẫn bị tụt hậu, thấp so với nhiều nước trong khu vực, thua xa Singapore, Malaysia, Thái Lan hay cả Indonesia.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Những yếu tố làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp chưa cao.

Khoa học và công nghệ có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm thay đổi quá trình tổ chức, trình độ chuyên môn và là động lực thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, tự đào tạo, tự trau dồi kiến thức.

Các trường phải có tính hướng nghiệp trong đào tạo

Nhìn chung, một bộ phận người trẻ khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự phù hợp. Theo ông, giải quyết vấn đề này thế nào?

Các trường đại học, các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề cần phải có tính hướng nghiệp trong nội dung đào tạo. Trước đây, tôi giảng dạy về Vi sinh vật học, tôi luôn suy nghĩ sau khi ra trường sinh viên của tôi có thể làm những công việc gì?

Vì vậy, ngoài kiến thức cơ bản, tôi đều quan tâm đưa vào chương trình các lĩnh vực chuyên đề liên quan đến y học, dược học, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm… Tôi rất vui khi thấy hằng năm sinh viên của tôi đều được tiếp nhận rất nhanh. Nhiều em sau đó rất thành đạt.

Những năm gần đây, nhiều công ty không còn quá chú trọng đến việc tuyển những người có bằng cấp mà thay vào đó họ sẽ đánh giá ứng viên thông qua quá trình phỏng vấn.

Các nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng chọn những ứng viên phù hợp với tiêu chí của công ty đặt ra và chấp nhận đào tạo lại một cách bài bản. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên thường hay ảo tưởng về tấm bằng và năng lực của bản thân.

Ví dụ, đối với sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ, ở trên lớp, các bạn học môn ngoại ngữ rất giỏi, điểm rất cao và bạn nghĩ như thế là đã đủ để ra ngoài nói chuyện với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ yêu cầu các bạn trẻ về chuyên môn mà còn cần có nhiều kỹ năng mềm. Chúng ta cần hiểu rõ việc giỏi ngoại ngữ chỉ là công cụ để các bạn đi xin việc.

Các bạn trẻ đừng nên từ chối bất kỳ cơ hội nào, hãy luôn năng động để tạo ra cơ hội cho chính mình. Đặc biệt, đối với sinh viên mới ra trường, sự năng động là điều rất cần thiết. Nó sẽ giúp các bạn tìm kiếm thêm cơ hội việc làm và biết hạn chế của bản thân đang cần phải vượt qua là gì.

Khi có cơ hội, các bạn hãy sắp xếp thời gian để đến doanh nghiệp đi tham quan, học hỏi, tích lũy để có thêm kinh nghiệm.

Tôi cho rằng, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương có ý nghĩa hết sức thiết thực. Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là các bạn thanh niên, sinh viên năm cuối khi được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động.

Các bạn sẽ được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân. Đồng thời, được tham gia tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách pháp luật và cung cấp thông tin thị trường lao động.

Vậy làm sao để gắn kết sản phẩm đào tạo của các trường với nhu cầu tuyển dụng của thị trường?

Điểm yếu của lao động qua đào tạo nghề hiện nay là thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc cơ bản như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tính kỷ luật…

Để đào tạo lao động không thể chỉ trông cậy vào nỗ lực của các cơ sở giáo dục mà rất cần sự vào cuộc tham gia của doanh nghiệp, thậm chí có thể coi đây là một mắt xích quan trọng.

Việc doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục giúp mở ra cơ hội cho sinh viên. Để từ đây các em có cơ hội được tiếp cận công nghệ với chính những kiến thức được học.

Trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và Nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai, tiến tới xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, cộng sinh với nhau, cùng phát triển bền vững.

Việc thực tập tại các doanh nghiệp quan trọng không khác gì sinh viên trường Y thường xuyên thực tập tại các bệnh viện.

Ở một góc nhìn khác, thực tế là bệnh thành tích, sính bằng cấp vẫn còn nặng nề?

Bằng cấp là những chứng chỉ cần phải có đối với nhà tuyển dụng. Người lao động cần có trình độ văn hóa tương đương với bằng cấp của mình. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng còn cần biết kỹ năng lao động của người được tuyển dụng.

Giữa một xã hội chuyển mình không ngừng, hãy đảm bảo rằng lịch trình công tác và kinh nghiệm trả lời phỏng vấn của bạn không khiến bạn trông kém cỏi so với các ứng viên khác.

Có thể ở công sở, bạn là một người khiêm tốn và không khoe khoang. Nhưng trên thị trường việc làm, bạn cần thể hiện mình là người kinh nghiệm và hiệu quả, đáng để các nhà tuyển dụng khao khát, lựa chọn.

Sau đại dịch, bạn trẻ cần mặc định rằng rất nhiều thứ đã thay đổi, nên việc nghiên cứu cẩn thận về xu hướng thị trường, kiên nhẫn và sáng tạo để làm nổi bật bản thân mới khiến cơ hội việc làm của bạn trở nên khả quan.

Xin trân trọng cảm ơn GS. NGND!