📞

GS Nguyễn Lân Dũng: Đến lúc ngành giáo dục cần nghe phản biện

14:13 | 25/12/2016
"Tôi rất tiếc khi thấy ta không học mô hình giáo dục của Mỹ hay một số nước phát triển khác mà lại lấy mô hình các lớp ghép ở miền núi Colombia - một nước nhỏ và nghèo ở Nam Mỹ". 

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của UBTW MTTQVN, ĐBQH các khóa 10,11,12 đã có chia sẻ với báo TG&VN về vấn đề này.

Có nhiều người sẵn sàng đổ đống tiền để con du học, bởi chưa có cái nhìn đúng mực với việc du học. Giáo sư có đồng tình với ý kiến cho rằng “phải cho con đi du học vì học ở Việt Nam quá vất vả?”.

Học ở Việt Nam quá vất vả thì đúng rồi, nhưng đi du học sớm cũng là bất lợi cho trẻ. Trẻ em chưa trưởng thành cần gắn bó với cha mẹ, anh chị. Đặc biệt, với các em có vốn ngoại ngữ chưa vững, xa gia đình, sống trong một xã hội quá khác biệt sẽ khiến các em khá vất vả.

Tốt hơn hết là ta nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục của các nước phát triển để trẻ Việt Nam không bị quá vất vả trong quãng đời trẻ tuổi.

Một nữ nhà văn Mỹ gốc Việt từng nói: “Người Mỹ nghĩ rằng một đứa trẻ từ bé cần được dạy và cho cơ hội thực hành việc ra quyết định độc lập. Để lớn lên một chút thôi, bắt đầu vào cấp hai là trẻ đã ý thức được nó muốn trở thành gì, như thế nào thì sẽ hạnh phúc nhất. Thường trong cái hạnh phúc đó sẽ bao hàm việc đứa trẻ được làm việc theo đúng sở trường. Sinh viên Mỹ biết rõ họ muốn làm gì và họ làm chủ việc học của họ… Sinh viên Việt Nam nghĩ quá nhiều về người khác và nghĩ hộ người khác trong việc học của chính mình, cho nên hay tránh cái nọ, né cái kia, học những thứ không thực sự có ích trực tiếp gì cho mình, người khác bảo học gì thì học nấy”.

Tôi rất tiếc khi thấy ta không học mô hình giáo dục của Mỹ hay một số nước phát triển khác mà lại lấy mô hình các lớp ghép ở miền núi Colombia - một nước nhỏ và nghèo ở Nam Mỹ. Phải chăng chỉ vì nguồn tài trợ cho dự án này lớn tới 84,6 triệu USD (từ Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về Giáo dục của Liên hợp quốc)?

Chúng ta đã triển khai từ năm học 2012-2013 trên 54 tỉnh, thành phố với 2.365 trường tiểu học và trên 1.000 trường Trung học cơ sở. Có nghĩa là mấy vạn học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đang bị buộc làm “chuột thí nghiệm”. Đã đến lúc nhất thiết cần nghe phản biện của các hiệu trưởng, các thầy cô giáo, các phụ huynh và đông đảo học sinh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: NVCC)

Theo ông, con em chúng ta đang chịu áp lực của chương trình giáo dục quá nặng hay vì kỳ vọng của mẹ cha quá lớn?

Có lẽ tại cả hai. Chuyện xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa là chuyện hết sức hệ trọng. Theo tôi cần có những cuộc hội thảo quốc gia để định hướng biên soạn chương trình và sách giáo khoa, sau đó phân cho các hội chuyên ngành chọn chuyên gia (cả giáo viên phổ thông) biên soạn chương trình dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cần có một hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín để xét duyệt chương trình chuẩn. Sau đó theo quyết định của Quốc hội là có nhiều bộ sách giáo khoa để các nhóm chuyên gia đăng ký biên soạn sách giáo khoa theo từng môn học, chứ không phải có nhóm đăng ký cả bộ sách giáo khoa.

Cũng cần nói rõ, quyền lựa chọn sách giáo khoa nào phải giống như các nước, là tuỳ từng giáo viên, từng học sinh. Tất cả đều đã theo đúng cùng một chương trình chuẩn, chỉ với các cách trình bày khác nhau mà thôi. Không có chuyện trao quyền lựa chọn cho Sở hay trường để dẫn tới vô vàn chuyện tiêu cực.

Một vấn đề rất lớn đang gây phân tâm trong xã hội, đó là quan niệm thế nào là tích hợp? Không ai phản đối tích hợp, nhưng tích hợp thế nào cho hợp lý thì lại là chuyện khác. Ví dụ Pháp không dạy sinh học mà dạy khoa học về sự sống và về trái đất. Họ không dạy thực vật, động vật, người, vi sinh vật... mà dạy từng chức năng sống từ virus đến người, liên quan đến môi trường sống, đến vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Tích hợp chính là sự kết hợp giữa lý thuyết với cuộc sống, với sức khoẻ, với thiên nhiên, với tiến bộ khoa học & công nghệ, với biến đổi khí hậu, với trách nhiệm công dân...

Giáo sư đánh giá thế nào về một học sinh giỏi?

Học sinh giỏi là một học sinh phát triển toàn diện, hiếu học, hiếu thảo, có khả năng tiếp thu kiến thức do thầy cô truyền đạt, có năng lực tự phát triển tri thức thông qua sách vở, báo chí trong và ngoài nước (do đó các em cần sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp THPT).

Học sinh giỏi có thể trở thành sinh viên, rồi thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng cũng rất có thể trở thành một công nhân có tay nghề cao, có khả năng thăng tiến trong nghề nghiệp không thua kém gì người thăng tiến theo con đường đại học và sau ại học.

Về điều này, cần biết hiện tại chúng ta có tới trên 320.000 thanh niên tốt nghiệp đại học và cao đẳng không tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Học sinh giỏi là học sinh chọn đúng được chuyên ngành mình ưa thích. Các em đủ khả năng tự tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thông qua việc tìm kiếm trên internet những thông tin từ các bằng phát minh đã hết thời gian bảo hộ. Từ đó các em có thể khởi nghiệp thành công với sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng và với sự cộng tác của bè bạn. 

So với các nước trên thế giới, có phải trẻ em ở Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về học tập, thành tích hơn không thưa Giáo sư?

Tôi nghĩ chả cần phải ra nước ngoài, chỉ cần quan sát học sinh đang học tại các trường quốc tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì rõ. Đành rằng đấy là những trường đòi hỏi học phí cao, không dành cho học sinh của mọi gia đình. Nhưng sao bọn trẻ học trong các trường này nhàn hạ thế, hào hứng thế, trong khi kiến thức lại rất toàn diện và ít nhất cũng thông thạo một ngoại ngữ từ đầu cấp hai, thành thạo hai ngoại ngữ ở cuối cấp ba. 

Một số trường ở Việt Nam tuy bị ràng buộc bởi việc phải sử dụng chung chương trình, sách giáo khoa, theo kế hoạch và chỉ đạo chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, nhưng nhờ có những sáng kiến riêng, có đội ngũ giáo viên giỏi nên họ đã tạo nên những thương hiệu nổi tiếng.

Có thể kể đến các trường chuyên, lớp chuyên trực thuộc một số trường đại học, trường phổ thông liên cấp Olympia, trường phổ thông Hà Nội - Amsterdam, trường Lương Thế Vinh, trường Marie Curie, trường Đoàn Thị Điểm...

Đơn cử như trường phổ thông liên cấp Olympia ở Hà Nội. Đấy là trường thường được gọi là “Trường Việt Nam chất lượng Hoa Kỳ”. Đúng là học phí có cao so với mặt bằng chung, tuy vẫn dạy theo chương trình của cả nước nhưng học sinh được phát triển toàn diện văn, thể, mỹ, đức. Các em giỏi tiếng Anh và thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng với điểm số cao, đặc biệt là sau đó phần lớn học sinh đủ điều kiện nhận học bổng du học.

Sao ta không rút kinh nghiệm từ ngay các trường này mà phải sang tận Colombia để du nhập mô hình “trường học mới” về nước ta?

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(thực hiện)