📞

GS Nguyễn Lân Dũng: 'Hãy xem thế giới đang dạy gì cho trẻ?'

21:50 | 05/09/2016
“Hãy xem thế giới người ta đang dạy những gì và vì sao trẻ em Việt Nam không được học một cách nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả như họ?” – GS. TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề dạy thêm, học thêm.
GS. Nguyễn Lân Dũng tham gia đối thoại cùng nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên kênh Truyền hình Việt Nam (VTV). (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thưa Giáo sư, đã từ lâu dư luận nói nhiều đến vấn đề học thêm, dạy thêm. Đặc biệt là sau khi TP. Hồ Chí Minh ra quy định sẽ chấm dứt dạy thêm trong trường nhưng các giáo viên vẫn được phép dạy bên ngoài, ở các trung tâm do người khác đứng ra tổ chức. Ý kiến của ông về quy định này như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần thấy rõ một tình trạng không lành mạnh phổ biến trong cả nước, đó là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Nếu không học thêm có khi các em còn bị thiếu cả những kiến thức cơ bản mà lẽ ra thầy cô phải dạy trong giờ chính khoá. Bên cạnh đó, còn có cả tình trạng thầy cô phân biệt đối xử với các em vì nhiều hoàn cảnh khó khăn mà không thể “nộp đơn” xin học thêm. Tuy nhiên, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm trên toàn TP. HCM có vẻ như lại đang vấp phải những ý kiến không đồng tình của nhiều người. 

Tôi rất hài lòng khi nghe ý kiến của đồng chí Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trong dịp tiếp xúc cử tri cuối tháng 8 vừa qua tại Đà Nẵng. Theo đó, đối với những phụ huynh, học sinh tự nguyện học thêm thì không thể cấm được, vì đó là quyền của con người. Chống dạy thêm, học thêm là chống tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, cắt xén chương trình chính khóa trên lớp để buộc học sinh phải đi học thêm, nếu không thì không lên lớp được hoặc bị điểm thấp. Nhưng nếu người ta có nguyện vọng chính đáng cho con đi học thêm để nâng cao trình độ, để có đủ hiểu biết như tiếng Anh, học thêm âm nhạc, kỹ năng sống... thì không thể cấm được. 

Quan điểm của Giáo sư về việc dạy thêm, học thêm như thế nào khi mà nhiều người cho rằng “học thêm là vấn nạn”?

Tôi nhất trí cao với ý kiến của đồng chí Đinh Thế Huynh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Việc dạy thêm học thêm tràn lan đem lại một hình ảnh xấu cho ngành Giáo dục. Ngoài ra, việc này còn làm mất thời gian tự học của các học sinh không phải vào diện yếu kém hoặc không cần bổ sung kiến thức để có thể thi vào các trường tốp cao hoặc giành học bổng du học.

Không nên ép cả lớp học thêm dưới hình thức “viết đơn tự nguyện”. Bởi ngay chỉ một việc đó đã làm mất đi yêu cầu rèn luyện đức tính trung thực của học sinh. Nếu bỏ phần quan trọng để dành giảng trong giờ dạy thêm lại càng vi phạm đạo đức sư phạm. Không chỉ vậy, với việc nhận tiền quá cao hay nhận tiền từ các gia đình nghèo khổ càng đi ngược lại với lương tâm cần phải có trong ngành Giáo dục.

Nói là do học sinh tự nguyện nhưng thực tế tôi thấy rất nhiều nơi, thầy cô giáo gợi ý để học sinh bảo bố mẹ yêu cầu được học thêm. Thậm chí có những thầy, cô giáo còn cố tình để dành một phần chương trình, thường là những phần khó để giảng trong các buổi dạy thêm. Bên cạnh đó, còn có những khoản thu quá khả năng đóng góp của nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, túng thiếu. Khi nhận đồng tiền một cách tràn lan như vậy, hình ảnh thầy cô giáo trong mắt phụ huynh và cả học sinh sẽ mất đi lòng kính trọng vốn có. Tình trạng như vậy mà phổ biến thì đúng là một “vấn nạn” cần khắc phục.

Đành rằng theo Luật lao động thì mọi người lao động đều làm thêm ngoài giờ để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình bằng những công việc hợp pháp. Tuy nhiên, với vị trí vẻ vang của các thầy cô giáo thì việc dạy thêm phải đúng đối tượng và đúng yêu cầu đích thực của hai nhóm học sinh khác nhau (hoặc là quá kém, hoặc là quá giỏi). Tôi nghĩ, giáo viên phải tìm cách làm thêm những công việc gì mà không làm ảnh hưởng đến hình ảnh cao đẹp của những “kỹ sư tâm hồn”. Với kiến thức cao hơn hẳn những người lao động bình thường, tôi nghĩ giáo viên hoàn toàn có thể làm thêm những công việc khác để có thêm thu nhập.

Cũng có ý kiến cho rằng “nếu sống được bằng lương thì giáo viên dạy thêm để làm gì?” hay “sao bác sĩ được mở phòng mạch mà giáo viên không được dạy thêm?”. Giáo sư có đồng tình với những quan điểm này không?

Đặt vấn đề tăng lương cho giáo viên là chuyện chẳng dễ dàng gì. Hiện nay, theo thống kê còn đang dư thừa tới 41.000 giáo viên Tiểu học, 12.200 giáo viên THCS và 16.900 giáo viên THPT. Cán bộ các ngành khác đâu có lương khá hơn ngành Giáo dục và ai có thể nói công việc của họ kém khó khăn hơn, kém quan trọng hơn nghề dạy học?

Không ai muốn giàu có mà lại chọn nghề làm thầy cô giáo. Nếu có giáo viên nào thu được rất nhiều tiền hàng tháng nhờ dạy thêm thì không thể có được sự tôn kính trong xã hội. Tôi đã nêu ý kiến của các nhà lãnh đạo về một số đối tượng cần được dạy thêm. Tuy nhiên, để đạt kết quả chỉ có thể dạy thêm theo từng nhóm 5-6 cháu mà thôi. Dạy như vậy vì lương tâm thầy giáo chứ không thể mong làm giàu như kiểu dạy thêm tràn lan hiện nay. Thầy cô cần làm thêm để đủ sống như với đặc trưng của nghề nghiệp của mình, cần tính toán làm thêm chuyện gì để không làm giảm đi tính chất thiêng liêng mà xã hội dành cho nghề này.

Học thêm, dạy thêm là nhu cầu của xã hội. Vậy, theo Giáo sư, liệu có thể cấm hoàn toàn được hoạt động này hay không khi mà chương trình phổ thông quá nặng đối với các em học sinh?

Rõ ràng là tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đang chịu hậu quả của chương trình và sách giáo khoa, những thứ mà toàn ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung đang yêu cầu nhất thiết phải đổi mới. Tại sao bắt các em phải nhớ và phải thi những chi tiết mà trong thời đại tin học rất phát triển này có thể có ngay chỉ sau một cái “nhấp chuột”? Tại sao bắt mọi học sinh phải học đạo hàm, vi phân, tích phân, lượng giác… khi chỉ có một bộ phận nhỏ cần dùng tới sau khi vào đời? Tại sao lại phải học từng cấu tạo của hết con này đến con khác, ngành này, lớp nọ, họ này, chi kia… để rồi chả nhớ được gì hết?...

Trong khi ở Pháp, người ta không dạy Sinh học với động vật, thực vật, vi sinh vật học, cơ thể người mà lại dạy môn “Khoa học về sự sống và về Trái đất”. Họ cho các em học về sự sống có nghĩa là học về sinh trưởng, tiêu hoá, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, thần kinh, sinh sản… từ vi khuẩn đến người. Nhìn lại, tại sao chúng ta lại hỏi thi về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, nghĩa là ngày nào tấn công đồn nào, diệt được bao nhiêu địch, thu bao nhiêu súng…

Đã đến lúc chúng ta nên xem thế giới - người ta đang dạy những gì và trẻ em nước mình vì sao không được học một cách nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả như họ? Đội ngũ giáo viên các nước - dù với đồng lương rất hạn chế nhưng phần lớn vẫn giữ được phẩm chất yêu nghề và mến trẻ.

Vì thế, cả xã hội đều đang trông chờ vào một cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện.

Xin cảm ơn Giáo sư!

(thực hiện)