TIN LIÊN QUAN | |
GS Nguyễn Lân Dũng: 'Hãy xem thế giới đang dạy gì cho trẻ?' | |
Hội nhập phải giữ bản sắc, hợp hoàn cảnh |
Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức xác nhận có tình trạng “ngồi nhầm lớp” tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Gần đây nhất, dư luận lại thêm một lần “ngã ngửa người” trước thông tin một em học sinh (Sóc Trăng) từ lớp 6 phải xuống lớp 1 vì chưa biết đọc, biết viết.
Để cùng nhìn nhận lại thực trạng này xuất phát do đâu và cách khắc phục, TG&VN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thưa Giáo sư, ông có bất ngờ về chuyện một học sinh lớp 6 bị đưa xuống lớp 1 vì chưa biết đọc, biết viết?
Tôi bất ngờ lắm chứ vì lớp 1 dành cho trẻ em 7 tuổi và chưa đọc thông viết thạo, còn lớp 6 dành cho trẻ 12 tuổi. Chẳng lẽ suốt 6 năm qua học sinh này bỏ học hay không tiếp thu được một chút gì? Tình trạng “ngồi nhầm lớp” thường chỉ do không thực hiện chế độ lưu ban nên cùng lắm là nhầm một đến hai lớp thôi chứ?
Học sinh Việt Nam vốn có trí tuệ, không thua kém ai. Bên cạnh tình trạng hiếu học, lòng yêu nghề, mến trẻ của hầu hết các thầy cô giáo, còn có tố chất thông minh của đa số học sinh, sinh viên Việt Nam.
Như vậy, trong ngành giáo dục, theo Giáo sư thì tầm quan trọng của việc đánh giá học sinh như thế nào?
Tôi đặc biệt chú ý đến "PISA - chương trình đánh giá học sinh quốc tế" do OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) khởi xướng, hiện đã có hơn 60 nước tham gia vào cuộc khảo sát có chu kỳ 3 năm 1 lần để theo dõi tiến bộ của mình trong phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản. Chỉ số PISA của Việt Nam ngang hàng với những nước có nền giáo dục phát triển như Phần Lan, Thuỵ Sỹ… Điều đặc biệt là sinh viên Việt Nam lại đạt điểm số cao hơn các nước khác.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu khác về toán học và khoa học quốc tế TIMMS, chuyên gia Abjijeet Singh đã nhận ra rằng: Trẻ em Việt Nam thể hiện tốt hơn so với bạn bè cùng trang lứa ở những quốc gia đang phát triển khác dù mới 5 tuổi và khoảng cách này đang dần được nới rộng hơn sau mỗi năm. Ông từng đánh giá: “Một năm học tiểu học tại Việt Nam đạt hiệu quả hơn về mặt tiếp thu các kỹ năng so với cấp độ tương tự tại Peru hay Ấn Độ”.
Những kết quả ấy theo tôi là một căn cứ đáng tin cậy cho việc đánh giá thực trạng giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Đó còn là cơ sở khoa học để Bộ lựa chọn các mô hình giáo dục phù hợp, từ đó có thể tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng.
"Ngồi nhầm lớp" đến bao giờ mới hết? (Nguồn: Thanhnien) |
Theo ông, tình trạng “ngồi nhầm lớp” từ trước đến nay thường xuất phát từ đâu?
Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do chúng ta không thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên và ghi học bạ một cách nghiêm túc. Nếu học bạ toàn điểm xấu thì làm sao có thể “ngồi nhầm lớp”?
"Lúc này, không còn cách nào khác là ngành giáo dục nói chung cần phải khuyến khích các trường chủ động tạo thương hiệu. Chứ mải miết chạy theo số lượng một cách tuỳ tiện như thế này thì sẽ còn nhiều em "ngồi nhầm lớp" cứ núp mãi trong bóng tối. Với những trường có tình trạng này thì coi thương hiệu của mình là gì trước cái nhìn của xã hội?". (Giáo sư Nguyễn Lân Dũng) |
Hai là, không có chế độ lưu ban. Học không đạt yêu cầu thì phải ở lại lớp, vì mất cơ bản lớp dưới thì làm sao tiếp thu được kiến thức của lớp trên? Kết quả là chỉ làm khổ cả cho trò lẫn thầy. Thật quá vô lý với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên 95% và theo tôi như thế thì còn tổ chức thi làm gì cho vất vả, tốn kém?
Ba là, chúng ta thiếu hệ thống thanh tra, kiểm tra. Làm sao để học sinh “ngồi nhầm lớp” mà các cấp quản lý không biết hoặc biết mà làm ngơ? Còn những giáo viên để học sinh "ngồi nhầm lớp" mà không phản ánh lên cấp trên là chưa làm tròn trách nhiệm.
Bốn là, ngành giáo dục chưa khiến cho học sinh hiểu được học là cho tương lai của bản thân mình, đâu phải “học khoán” theo yêu cầu của bố mẹ, thầy cô.
Năm là, tình trạng này xuất phát từ việc thầy cô giáo chưa thấm nhuần mục tiêu cơ bản của giáo dục. Bởi cốt lõi để đánh giá chất lượng giáo dục là sự phát triển nhận thức, sự sáng tạo và cảm xúc của người học.
Từ thực tế đó, theo Giáo sư làm sao để có thể thoát ra khỏi tình trạng này?
Theo tôi, chúng ta cần chuyển từ phát triển giáo dục theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa, hiện đại hóa cũng như chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo.
Chúng ta không cần có quá nhiều Nghị quyết, quá nhiều Thông tư, nhưng đã đề ra điều gì thì phải tạo điều kiện để thực hiện bằng được. Nơi nào làm tốt thì cần biểu dương, khen thưởng. Nơi nào làm sai, có sự dối trá, chạy theo thành tích thì cần phê bình, khiển trách và xem lại năng lực của người đứng đầu từng đơn vị giáo dục.
“Hạnh phúc của mỗi người chúng ta là những năm tháng được học dưới mái trường phổ thông. Kiến thức của ngần ấy năm sẽ theo ta suốt cuộc đời và là nền móng để phát triển trong tương lai". (Giáo sư Nguyễn Lân Dũng) |
Vai trò của gia đình ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giáo dục hiện nay, đặc biệt là đối với những trường hợp “ngồi nhầm lớp", thưa Giáo sư?
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 28 triệu gia đình, phần lớn là gia đình hạt nhân (2 thế hệ) và một phần là gia đình truyền thống (3-4 thế hệ).
Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ sát nhất là gia đình, tiếp đến là xóm giềng, trường học và xã hội. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ và vẫn chưa dừng lại dẫu đã đến tuổi trưởng thành. Trong đó, lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama từng phát biểu: “Mỗi từ chúng tôi nói ra, mỗi hành động chúng tôi làm, chúng tôi đều biết rằng con trẻ đang nhìn vào. Chúng ta - những ông bố, bà mẹ chính là hình mẫu quan trọng nhất của chúng”.
Gia đình không chỉ động viên và tạo điều kiện cho con cái học hành tiến bộ mà còn là nơi vun đắp cho các em đạo đức và tư cách của một con người chân chính. Một gia đình hạnh phúc không thể có chuyện để cho con cái “ngồi nhầm lớp”.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Năm 2007, Bình Định đưa ra báo cáo kỷ lục về số học sinh ngồi nhầm lớp với hàng nghìn em. Hệ bán công và THPT ở tỉnh này trung bình mỗi lớp có tới 2 em "ngồi nhầm chỗ". Cũng thời điểm này, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum công bố phát hiện gần 9.000 học sinh ngồi nhầm lớp, và để khắc phục, tỉnh đã phải chi tới 19 tỷ Đồng để đào tạo lại cho những học sinh này. |
GS Nguyễn Lân Dũng: "Lấy đâu ra thầy cô đủ chuẩn để dạy ngoại ngữ?" "Khó khăn nhất không phải là học tiếng gì mà lấy đâu ra các thầy cô đủ chuẩn để dạy ngoại ngữ? Đương nhiên thế giới ... |
Bộ Giáo dục trần tình về việc thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ ... |
Dạy tiếng Nga, Trung hay Nhật và nên lấy gì làm chuẩn? Dạy tiếng Nga, Trung hay Nhật thì phải căn cứ vào tính hiệu quả, thông dụng ở Việt Nam và thế giới. |