📞

GS. Nguyễn Thanh Liêm: 'Phải coi sản xuất vaccine Covid-19 là một nhiệm vụ cấp bách của quốc gia'

Yến Nguyệt 10:08 | 05/07/2021
Chia sẻ với Thế giới & Việt Nam, Nhà khoa học. GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, do tình hình khan hiếm vaccine Covid-19 nên cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước. Phải coi sản xuất vaccine là một nhiệm vụ cấp bách của quốc gia chứ không phải của riêng đơn vị nào.
GS. Nguyễn Thanh Liêm nhận định, do tình hình khan hiếm vaccine Covid-19 nên cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước.

Nước ta hiện đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của Covid-19, theo ông, có bài học nào cần rút ra để đối phó thành công, hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19?

Cho đến thời điểm này có thể nói cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 của nước ta thành công do đã áp dụng một chiến lược đúng đắn. Chiến lược này phù hợp với điều kiện của một nước đang phát triển vẫn còn nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế hiện đại thiếu thốn, số giường bệnh hạn chế...

Ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định “chống dịch như chống giặc”, vì vậy toàn bộ hệ thống chính trị, toàn bộ sức mạnh của cả nước đã nhanh chóng được huy động. Chính phủ đã huy động được sức mạnh, được lòng tin của toàn dân do chính sách minh bạch, công khai.

Người dân có ý thức cao, nghiêm chỉnh chấp hành các khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến trường kỳ. Tinh thần chống dịch phải luôn được duy trì ở mức độ cao nhất, mọi lúc, mọi nơi. Thời điểm nào chùng xuống, nơi nào lơ là, ở đó xuất hiện các ổ dịch mới.

Chúng ta đã có một chính sách cương quyết, mạnh mẽ nhưng cũng được điều chỉnh mềm dẻo tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Ban đầu chúng ta thực hiện phong tỏa, cách ly triệt để nhưng sau này chuyển sang cách ly phong tỏa trên diện hẹp để bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Sau này, khi nhận thức rõ hơn về dịch bệnh, đội ngũ công nhân - lực lượng quan trọng để duy trì sản xuất, tăng trưởnh kinh tế, nhưng là cộng đồng dân cư dễ làm cho dịch bệnh lan rộng, Chính phủ đã sớm đưa công nhân tham gia sản xuất ở các nhà máy vào diện ưu tiên tiêm vaccine. Đây là một quyết định nhanh nhạy và phù hợp.

Còn chuyện cách ly F1 tại nhà thì sao, thưa ông?

Giai đoạn đầu, khi số người F1 còn ít thì cách ly tập trung rất đúng, nhưng khi số lượng F1 đông thì cách ly tại nhà là phù hợp. Các ly tại nhà san sẻ gánh nặng cho các khu tập trung, làm giảm khả năng lây chéo với người đã có virus trong khu cách ly.

Cách ly tại nhà cũng giảm bớt căng thẳng, sang chấn tâm lý cho những người F1, nhất là với các em nhỏ. Sống trong khu cách ly không có bố mẹ, dù có được chăm sóc đến đâu thì các bé vẫn sẽ bị sang chấn tâm lý mà hậu quả lâu dài chưa lường hết được.

Theo ông, làm thế nào để có thể sống chung với dịch bệnh một cách chủ động, an toàn và cần có một lộ trình như thế nào?

Muốn "sống chung với lũ" thì cần phải hiểu rõ về "lũ" và cần chuẩn bị thật tốt. Chúng ta chỉ có thể sống chung với Covid-19 khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng có thể đạt được từ ba nguồn: các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, những người mang virus nhưng không có triệu chứng và những người được tiêm vaccine.

Theo các nhà dịch tễ, để đạt được miễn dịch cộng đồng thì tổng số này phải bằng khoảng 70% dân số. Chúng ta cần tiến hành xét nghiệm kháng thể một diện tương đối rộng để biết được tỉ lệ những người đã mang virus nhưng không có triệu chứng hoặc đã khỏi bệnh là bao nhiêu, đồng thời đẩy nhanh việc tiêm vaccine.

"Người dân có ý thức cao, nghiêm chỉnh chấp hành các khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến trường kỳ. Tinh thần chống dịch phải luôn được duy trì ở mức độ cao nhất, mọi lúc, mọi nơi. Thời điểm nào chùng xuống, nơi nào lơ là, ở đó xuất hiện các ổ dịch mới".

Do tình hình khan hiếm vaccine Covid-19 nên cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước. Vaccine sản xuất trong nước bước đầu đã cho kết quả khả quan. Phải coi sản xuất vaccine là một nhiệm vụ cấp bách của quốc gia chứ không phải của riêng đơn vị nào.

Cần huy động nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu tham gia hỗ trợ các công ty sản xuất vaccine.

Rất mừng vì Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất vaccine để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm/sản xuất. Trong khi chờ đợi vaccine thì vẫn phải kiên trì thực hiện các biện pháp 5K, cách ly, giãn cách xã hội linh hoạt để làm giảm tốc độ lây lan, làm phẳng đỉnh dịch, giúp hệ thống điều trị đủ khả năng đáp ứng.

GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, điều quan trọng nhất là phải sớm nhận định được mức độ nguy hiểm của bệnh.

Để chung sống an toàn với dịch bệnh thì thách thức là gì, cần phải làm gì?

Khó khăn lớn nhất khi sống chung với Covid-19 là khả năng ứng phó của hệ thống y tế điều trị. Sống chung với Covid-19 nghĩa là chấp nhận số ca mắc có thể tăng lên, số ca bệnh nặng tăng lên.

Hệ thống bệnh viện công ngày thường đã quá tải. Số lượng máy thở, nhất là máy thở chức năng cao có hạn. Các chuyên gia hồi sức hô hấp ở tuyến tỉnh và huyện không nhiều. Nếu số ca mắc tăng, số ca bệnh nặng tăng cần phải thở máy nhiều thì sẽ là áp lực rất lớn cho hệ thống bệnh viện. Thảm kịch này đã xảy ra ở nhiều nước.

Chúng ta cần tổng kết, phân tích tất cả bệnh nhân đã điều trị, nhất là các bệnh nhân tử vong vừa qua để rút ra các bài học bổ ích. Cách truyền thông cũng nên thay đổi, không nên cho tử vong là do bệnh nền mà cần xác định tử vong là do Covid-19 trên bệnh nhân có bệnh nền. Thực tế cũng đã có các trường hợp tử vong không có bệnh nền.

Như vậy, có thể nói trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị kinh điển đã không có tác dụng, nhất là ở các bệnh nhân có bệnh nền, các bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp cấp do cơn bão cytokine.

"Dịch lần này tồn tại dai dẳng, bất chấp điều kiện thời tiết, biến đổi liên tục nên rất khó lường. Liệu có giống như 'đạo quân âm binh' do các thầy phù thủy tạo ra nhưng lại không thu hồi được? Câu hỏi này đang là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học. Virus có thể tự biến mất nhưng cũng có thể tồn tại mãi, vì vậy cần xác định phải sống chung với Covid-19".

Cần nghiên cứu áp dụng thêm các phương pháp điều trị khác theo kinh nghiệm của một số nước như truyền huyết tương có kháng thể chống virus của người bệnh đã khỏi bệnh cho các đối tượng nguy cơ cao (bệnh nền, cao tuổi). Cần thực hiện nghiên cứu truyền tế bào gốc trung mô sớm cho các bệnh nhân có suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão cytokine...

Làm sao để phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch lan rộng?

Các biện pháp chống dịch phải được thực hiện cương quyết, kiên trì. Cần phát hiện sớm các ca bệnh. Tất cả bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế có các biểu hiện ho sốt cần phải được xét nghiệm virus. Bắt buộc tất cả các hiệu thuốc khi có người mua kháng sinh, mua thuốc ho, hạ sốt cần cung cấp thông tin cho hệ thống phòng dịch.

Chúng ta đã bỏ sót một số ca bệnh khi đến khám ở bệnh viện và gây nên một chùm ca bệnh. Cần xét nghiệm định kỳ có nhóm dân cư có nguy cơ cao như các công nhân làm việc tập trung tại các nhà máy, các lực lượng biên phòng, sân bay...

Dịch bệnh này chỉ có thể được coi là chấm dứt khi con người trên trái đất có được vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dịch bệnh có thể sẽ không bao giờ biến mất nên buộc con người phải thích ứng, phải chủ động và sống cùng nó. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

Dịch Covid-19 rất lạ, không theo quy luật. Thông thường dịch như SARS, Ebola, H5N1 chỉ lưu hành trong một thời gian rồi tự hết, virus ít khi biến đổi liên tục.

Dịch lần này tồn tại dai dẳng, bất chấp điều kiện thời tiết, biến đổi liên tục nên rất khó lường. Liệu có giống như “đạo quân âm binh” do các thầy phù thủy tạo ra nhưng lại không thu hồi được? Câu hỏi này đang là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học. Virus có thể tự biến mất nhưng cũng có thể tồn tại mãi, vì vậy cần xác định phải sống chung với Covid-19.

Tuy nhiên, dù có biến đổi thì tiêm phòng vaccine vẫn có tác dụng. Những người đã tiêm vaccine bệnh thường nhẹ hơn, khả năng tử vong thấp do có miễn dịch chéo. Vấn đề là cần tạo ra các loại vaccine an toàn hơn, hiệu quả hơn và sẵn có để có khi phải tiêm nhắc lại hàng năm.

Ngoài vaccine thì thuốc đặc trị cũng đang được tích cực nghiên cứu. Hy vọng các thuốc này sẽ xuất hiện sớm.

Những bài học nào từ làn sóng dịch bệnh, theo ông?

Điều quan trọng nhất là phải sớm nhận định được mức độ nguy hiểm của bệnh. Việt Nam thành công trong giai đoạn một vì chúng ta nhận diện sớm, đặt mức độ cảnh báo cao sớm, thậm chí sớm hơn cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Israel có lẽ cũng sớm biết vaccine là vũ khí duy nhất có thể khống chế bệnh dịch nên họ đã chủ động đặt mua vaccine "loại xịn" từ rất sớm để tiêm phòng cho toàn dân. Vì vậy, Covid-19 giờ đây không còn là vấn đề lớn đối với họ.

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS. Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec.

- Giải nhất Giải thưởng khoa học sáng tạo 1999

- Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình ghép tạng 2005

- Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới 2008

- Giải thưởng Nikkei 2018

- Là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á 2019.

(thực hiện)