📞

GS. Nguyễn Thanh Liêm: ‘Vaccine là vũ khí duy nhất để thanh toán dịch bệnh Covid-19 và cứu vãn nền kinh tế’

Nguyệt Anh 13:50 | 17/05/2021
Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, GS. Nguyễn Thanh Liêm nhận định, 'với Covid-19, chúng ta chỉ có một vũ khí hữu hiệu duy nhất là vaccine. Vì vậy, để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, mỗi người hãy tiêm vaccine'.
GS Nguyễn Thanh Liêm nhận định, chúng ta chỉ có thể giải quyết dịch Covid-19 bằng vaccine.

Thưa Giáo sư, vụ tai biến do tiêm vaccine Covid-19 vừa qua gây hoang mang dư luận. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?

Vừa qua, chúng ta đã có một số trường hợp có biến chứng sau tiêm vaccine Covid-19, thậm chí có trường hợp đã tử vong. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý chung của cộng đồng.

Chúng ta đã biết, ngay cả ở những nước phát triển vẫn có một bộ phận dân chúng phản đối việc tiêm vaccine (antivaccine) nên không ngạc nhiên nếu có người không muốn tiêm vaccine.

Cần phải khẳng định, từ khi vaccine ra đời, tính mạng của nhiều triệu con người không còn bị đe dọa bởi các bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trùng. Chúng ta không còn chứng kiến các hình ảnh đau thương của hàng triệu trẻ em bị tàn tật do di chứng bại liệt, viêm não.

Bất cứ loại vaccine nào cũng có các tai biến. Chúng ta đã có các tai biến nặng, thậm chí tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan hay các loại vacccin khác… Vaccine Covid-19 cũng không ngoại lệ, nhất là quy trình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 hiện ngắn hơn quy trình thông thường.

Tuy nhiên, các thống kê hiện nay cho thấy, tỉ lệ các tai biến nặng sau tiêm Vaccine Covid-19 không cao hơn các loại Vaccine khác cũng như tỉ lệ chung trong cộng đồng.

Với Covid-19, chúng ta chỉ có một vũ khí hữu hiệu duy nhất là vaccine. Vì vậy, để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, mỗi người hãy tiêm vaccine. Bản thân tôi đã tiêm đủ 2 mũi và không thấy có biểu hiện bất thường gì sau tiêm.

Ông có thể chia sẻ về những tai biến thường gặp khi tiêm vaccine ra sao?

Hai tai biến hiếm gặp nhưng nặng sau tiêm vaccine Covid-19 là sốc phản vệ và hình thành các cục máu đông, nhất là các cục máu đông trong não. Các phản ứng khác như đau chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau cơ… thường tự hết.

Ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho mọi người để tránh vấn đề bị phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine?

Hai tai biến nặng là sốc phản vệ và hình thành cục máu đông về lý thuyết đều có thể phòng hoặc xử lý sớm, tránh hậu quả nghiêm trọng.

Có thể phòng và giảm thiểu rủi ro của 2 tai biến nghiêm trọng này bằng nhiều biện pháp: Cần khai thác tiền sử dị ứng của người sắp tiêm: dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, dị ứng phấn hoa…

Cán bộ của các đơn vị tiêm vaccine phải được tập huấn kỹ cách nhận biết và xử lý sốc phản vệ. Mỗi đơn vị cần có 1 cán bộ chuyên trách chỉ tập trung theo dõi để phát hiện các biểu hiện sớm của sốc phản vệ và xử lý kịp thời. Các thuốc chống sốc như Adrenaline, Dimedrol cần được lấy sẵn vào bơm tiêm đặt ngay trên bàn tiêm để nếu cần là có thể tiêm ngay, không mất thời gian tìm và lấy thuốc. Những thuốc này rất rẻ nếu không dùng đến thì ngày hôm sau có thể thay thuốc mới.

Dịch truyền cũng cần chuẩn bị sẵn. Khi sốc phản vệ xảy ra rất khó tìm và luồn kim vào tĩnh mạch nhất là ở các tuyến cơ sở. Vì vậy, cần chuẩn bị kim chuyên dụng khi cần có thể chọc vào xương chày, xương chậu để đưa khối lượng dịch vào cơ thể.

Có nên dùng các thuốc chống dị ứng hoặc thuốc chống đông máu để dự phòng không là một câu hỏi nên được nghiên cứu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của vaccine Covid-19?

Cho đến nay, chúng ta biết, chỉ có thể giải quyết dịch Covid-19 bằng vaccine. Một số nước đã có kế hoạch mở cửa trở lại sau khi tiêm vaccine đạt được một tỉ lệ cần thiết. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho rằng, những người đã tiêm vaccine không còn cần thiết phải đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Vaccine là vũ khí duy nhất để thanh toán dịch bệnh và cứu vãn nền kinh tế, vì vậy cố gắng để làm sao vaccine có độ bao phủ rộng là nhiệm vụ cấp bách lúc này.

Vậy ông nhận định như thế nào về đợt dịch lần này?

Đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với các lần trước về cả quy mô và tốc độ lan truyền. Dịch bệnh đã lan ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các ổ dịch lớn cũng xuất hiện không chỉ ở một nơi.

Ngoài các biến thể virus đã gặp thì lần này biến thể xuất hiện tại Ấn độ đã có mặt tại Việt Nam. Đây là một biến thể có tốc độ lây rất nhanh khác với các lần trước. Con số mắc mới không chỉ là một con số mà có ngày đã lên đến 3 con số.

Nơi xuất phát ổ dịch (F0) đa số đã được xác định giúp công tác truy vết, khoanh vùng dịch được tiến hành nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thể loại trừ được hoàn toàn các ổ dịch âm thầm trong cộng đồng.

Mặc dù dịch đợt này phức tạp nhưng tôi tin vẫn trong tầm kiểm soát dựa trên các lý do sau: Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt; đa số người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo; qua các đợt dịch trước chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm; năng lực xét nghiệm đã được tăng lên đáng kể; gần 1 triệu liều vaccine đã được tiêm và hơn 1 triệu liều vaccine nữa cũng đã về tới Việt Nam...

Chúng ta hy vọng dịch sẽ sớm được kiểm soát, tuy nhiên vẫn cần chuẩn bị kịch bản cho các tình huống xấu hơn. Cần chủ động xây dựng kế hoạch bố trí bệnh viện, giường bệnh, máy thở và các trang thiết bị cần thiết cho các tình huống xấu để không bị động như đã xảy ra ở một số nước khác.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

GS. Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec.

- Giải nhất Giải thưởng khoa học sáng tạo 1999

- Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình ghép tạng 2005

- Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới 2008

- Giải thưởng Nikkei 2018

- Là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt TOP 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á 2019...

(thực hiện)