📞

GS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Cần đầu tư, quan tâm hơn nữa tới đời sống giáo viên

Nguyệt Hà 10:25 | 12/10/2022
Dù xã hội còn nhiều thách thức, nghề giáo vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng nhu cầu giáo viên từ thực tiễn có thể là một vấn đề thúc đẩy các em chọn ngành sư phạm...
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, cần có sự đầu tư hơn nữa, sự quan tâm nhiều đến giáo viên chứ không chỉ đặt áp lực công việc lên họ. (Ảnh: NVCC)

Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022, điểm chuẩn ngành sư phạm ở nhiều trường tăng mạnh, trong đó có ngành tăng "chạm trần" tới 9,5 điểm.

Theo GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ở các ngành đào tạo giáo viên có tăng ở một số ngành, một số trường. Nhưng cần xem xét trên bình diện tổng thể cũng như cần có cái nhìn bao quát để tránh chủ quan.

Việc căn cứ vào điểm chuẩn tăng mạnh ở một số ngành của một số trường không đủ để kết luận chung cho các ngành này. Bởi cần nhìn vào số chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là nhu cầu đào tạo sư phạm, cụ thể là đào tạo theo các nghị định cũng như đặt hàng.

GS. Huỳnh Văn Sơn nói: “Bản thân tôi không bất ngờ do tôi dùng phép so sánh toàn cục, ví dụ như ngành đó có bao nhiêu chỉ tiêu, điểm số thế nào so với năm liền kề cũng như so với nhiều trường. Cụ thể, nếu chỉ tiêu giảm xuống chỉ còn 1/3 hay 1/2 thì cớ sao điểm không tăng?”.

Ngoài ra, khối thi, khối tuyển và điểm số nhân đôi hay không cũng là vấn đề cần cẩn trọng khi đối sánh bởi nếu không chúng ta dễ đánh giá thiếu cơ sở. Tuy nhiên, ở một góc độ chung nhất, có một số ngành sư phạm tăng điểm là thực tế ghi nhận.

Cần đánh giá tác động và “màng lọc” khách quan

Ông có thể đưa ra những lý do cụ thể khiến điểm chuẩn sư phạm của một số trường năm nay “chạm trần”? Chính sách miễn học phí có tác động đến việc lựa chọn ngành sư phạm hay không?

Để trả lời cho câu hỏi, liệu chính sách miễn học phí và hỗ trợ tài chính có tác động đến việc lựa chọn ngành sư phạm không, tôi cho rằng, cần phải có khảo sát số liệu để chứng minh. Nhất là đánh giá tác động phải có thời gian và cần có “màng lọc” sao cho thật khách quan.

Tuy nhiên, ở góc độ khái quát, theo tôi, có thể có những giả thuyết sau tác động:

Thứ nhất, chỉ tiêu ở một số ngành có giảm so với năm trước, đây gần như là điều kiện khách quan rõ nhất. Đồng thời, nếu xét trên bình diện chung cả nước thì phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay và năm trước không khác nhau lớn.

Nhưng xét trên nhóm nhỏ đăng ký nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên thì có thể có sự khác biệt nên phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả chung. Xu thế chọn nghề ngày nay thay đổi khá nhanh, nhất là dưới sức mạnh của truyền thông, cho nên vấn đề này cũng là yếu tố cần xem xét.

Thứ hai, quy trình kỹ thuật tuyển sinh năm nay có thay đổi theo quy chế. Những năm trước, theo các phương thức riêng của trường thực hiện xét tuyển sớm nên các thí sinh phải xác nhận nhập học khi trúng tuyển. Nếu lúc này các em trúng tuyển các ngành khác nhưng lại có mong muốn vào các ngành đào tạo giáo viên thì cũng không chờ đợi được.

Năm nay, khi các em đã biết điểm thi tốt nghiệp, biết kết quả tạm thời của các phương thức xét tuyển sớm thì các em mới lựa chọn nguyện vọng, nên một số em có điểm cao và mơ ước vào sư phạm đã lựa chọn cách này. Đây là cũng là tín hiệu đáng mừng của ngành giáo dục nói chung ở một góc độ nhất định.

Thứ ba, chính sách theo Nghị định 116 đã có những tác động, được áp dụng từ năm 2021. Thí sinh bắt đầu biết những thông tin này qua truyền thông, kết hợp với yêu cầu và sự thay đổi của ngành (lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018), thí sinh có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện bản thân.

Tôi cho rằng, vẫn còn dấu ấn của truyền thông bởi đào tạo theo nghị định là một chặng dài và các cơ hội của người học cần được trải nghiệm cả hành trình đào tạo, ra trường, làm việc.

Thứ tư, nhu cầu giáo viên từ thực tiễn có thể là một vấn đề thúc đẩy các em chọn ngành sư phạm. Dù xã hội còn nhiều thách thức, nghề giáo vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng chính nhu cầu lao động và sự ảnh hưởng nhất định của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng phần nào làm cho nhu cầu chọn ngành sư phạm có những thay đổi.

Nghề giáo luôn được Nhà nước, cộng đồng và xã hội quan tâm. (Ảnh: Ngọc Lan)

Khuyến khích và giữ chân người giỏi vào sư phạm

Cần có chính sách bền vững để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm thế nào, theo ông?

Vấn đề khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm không phải chỉ có các ngành đào tạo giáo viên, mà bất kỳ ngành nghề nào cũng phải đối mặt. Nhất là từng cá nhân, tổ chức đều phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và có trách nhiệm bởi đây là bài toán căn cơ về quản trị nguồn nhân lực.

Với sinh viên, việc trúng tuyển vào các ngành sư phạm là một điều đáng mừng nhưng các em không chỉ có học tập để hoàn thành chương trình đào tạo, mà cần dành thời gian để tìm hiểu thêm về nghề nghiệp, vị trí việc làm, cơ hội khởi nghiệp để có thể thành công hơn sau này.

Nhằm đáp ứng vấn đề đó, ngoài việc phát triển chương trình đào tạo, nhà trường hiện cũng đang có nhiều khóa tập huấn, chương trình bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, tăng cơ hội tìm hiểu cho người học, tổ chức các hoạt động phù hợp đáp ứng nhu cầu và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Đảm bảo chính sách và chế độ cho người làm trong ngành giáo dục là điều mà ngành đã nhìn thấy và nhận ra từ nhiều năm nay. Chúng ta cũng đã có những chính sách để dần dần thay đổi, đảm bảo được sự ổn định của ngành. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư hơn nữa, sự quan tâm nhiều đến giáo viên chứ không chỉ là đặt áp lực của công việc lên họ.

Điều cần thiết là phải “kéo dài” hay nhất quán giữa chính sách đào tạo và sử dụng lao động. Cụ thể, phải có những động thái tiếp tục sau khi đào tạo để có thể vừa hút người thi mới, vừa đảm bảo người ra trường gắn bó và hài lòng trong công việc.

Nói cách khác, việc đánh giá lại các nghị định về đào tạo giáo viên, các chính sách dành cho nhà giáo cần được ngành thực hiện cập nhật, liên tục. Có thể khẳng định, ngành đang có những nghiên cứu về chính sách dành cho nhà giáo đối sánh với nhiều quốc gia.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, có phải nghề giáo đang “hot” trở lại?

Việc đánh giá tác động này cần phải có những số liệu cụ thể mới có thể kết luận được cho nên không thể kết luận là "hot" hay có những so sánh cao - thấp ở đây, nhất là từ góc độ nghiên cứu, quản lý.

Tuy vậy, đó là tín hiệu đáng mừng cho ngành, vì các em học sinh, đặc biệt là những học sinh giỏi, ưu tú đã coi trọng ngành hơn, đã quan tâm hơn thì tương lai chúng ta có thể sẽ có nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi mang lại hiệu quả cao của ngành.

Đây cũng chính là kết quả có được nhờ vào sự giáo dục và làm gương của thầy cô giáo, nhờ sự đồng thuận của cha mẹ, nhờ vào sự tự nhận thức và hướng nghiệp có cơ sở của các em, nhất là những vấn đề mà truyền thông, giáo dục cộng đồng mang lại.

Ở góc độ nhất định, tôi có thể khẳng định, nghề giáo luôn được Nhà nước, cộng đồng và xã hội quan tâm. Do đó, đây một nghề có sức hút đặc biệt. Có thể ở từng giai đoạn, màu sắc thế này, thế khác nhưng nhu cầu của con người về nghề giáo sẽ tạo nên những dấu ấn bền vững về tính khả dụng của nghề.

Điểm chuẩn đầu vào cao là một trong những yếu tố khiến chất lượng đầu ra tốt hơn. Điểm chuẩn sư phạm cao là tín hiệu tốt cho ngành giáo dục khi chọn được những thí sinh có chất lượng?

Đúng vậy, bởi chương trình đào tạo được thiết kế để phù hợp với chuẩn đầu ra của người theo học ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, khi người học có cơ hội học tập tự chủ theo năng lực thì họ hoàn toàn có thể tăng cường thêm như học tập kỹ năng, phát triển năng lực ngoại ngữ, tin học để tìm cơ hội việc làm rộng hơn, học song ngành, học lên ở những bậc cao hơn.

Hay việc sàng lọc “đầu vào” tốt sẽ là một trong những yếu tố khiến “đầu ra” tốt hơn cũng là vấn đề có thể nghĩ như một hệ quả.

Từ góc độ đào tạo, tôi cho rằng, không thể nhìn một chiều hay một hướng mà cần nhất vẫn là sự tự rèn luyện của người học, cơ hội thực hành - rèn nghề nhất. Đó là sự tương tác giữa người huấn luyện hay giảng viên, giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non và giáo sinh mới tạo ra một kết quả như kỳ vọng.

Xin cảm ơn ông!