Back to E-magazine
e magazine
09:02 | 21/09/2021
GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

09:02 | 21/09/2021

Sẽ còn rất nhiều trở ngại phía trước mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết để đưa nền kinh tế phục hồi trở lại nhưng điều quan trọng cần lưu ý là kéo dài giãn cách không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích cho đất nước.
Aa

GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam đã khẳng định như vậy trong buổi trò chuyện với TG&VN về vấn đề mở cửa nền kinh tế, sống chung với Covid-19.

KINH TẾ CÓ THỂ "TỤT HẬU" VÌ GIÃN CÁCH

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề chủ động sống chung với Covid-19. Việc chống dịch là cần thiết, tuy nhiên vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng mở lại các hoạt động kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2019. Giống như cúm mùa, nhiều nhà khoa học đã chứng minh, virus này sẽ không thể được loại bỏ hoàn toàn, do đó, chúng ta đành phải chấp nhận thích ứng để chung sống với nó trong tương lai.

Sau hai năm áp dụng các biện pháp mạnh mẽ phòng chống Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã và đang điều chỉnh chiến lược chống dịch.

Trong phát biểu ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, “cả chính quyền và người dân đều không dài sức để giãn cách xã hội mãi”. Điều này cho thấy, việc kéo dài giãn cách xã hội là một chính sách không còn phù hợp vào thời điểm hiện tại.

Ngày 2/9, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại, phải thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược chứ không thể sử dụng biện pháp phong tỏa.

Sau đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 diễn ra vào ngày 6/9, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh theo khuyến nghị của Bộ Y tế nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế, xã hội và tâm lý của người dân.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tôi hoàn toàn tán thành với những thay đổi này của Chính phủ. Đây là một quyết sách quan trọng và hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta không thể bỏ qua vấn đề đói nghèo - vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến sức khỏe của người dân.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong những năm trở lại đây. Trong quá trình phát triển thành một nước công nghiệp, Chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm hiện thực hóa mục tiêu nêu trên.

Đơn cử như Việt Nam cần hội nhập sâu vào nền thương mại toàn cầu, dựa trên hệ thống những nguyên tắc có trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các chính sách tự do hóa đầu tư, góp phần hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước và thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Sự xuất hiện của Covid-19 đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với những nỗ lực trên.

Đại dịch không chỉ đem đến một cuộc khủng hoảng cho ngành y tế, mà tồi tệ hơn, nó tác động mạnh mẽ đến những chính sách phát triển kinh tế. Theo tôi, mối đe dọa này còn đáng sợ và nguy hiểm hơn nhiều so với dịch bệnh.

Có thể thấy, việc tiếp tục giãn cách có thể khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên “tụt hậu”. Sẽ còn rất nhiều trở ngại ở phía trước cần Chính phủ phải giải quyết để đưa nền kinh tế trong nước phục hồi. Điều này đòi hỏi Chính phủ có những chính sách cho phép doanh nghiệp mở cửa sản xuất, tự do đi lại và tái khởi động nền kinh tế.

Khi hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe của các nhóm yếu thế trong thời gian dịch bệnh, Chính phủ cũng cần tập trung và xem xét đến yếu tố trách nhiệm cá nhân và tự bảo vệ bản thân của toàn bộ người dân.

GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

Làm thế nào để cân bằng giữa sức khỏe của người dân và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Việc cân bằng giữa chăm sóc sức khỏe của người dân và định hướng phát triển kinh tế là vấn đề cực kỳ quan trọng. Mọi sinh mạng đều trân quý và nhiệm vụ của nhà nước chính là bảo vệ an toàn cho chính công dân của mình.

Dẫu vậy, những quyết sách của Chính phủ vẫn có thể gặp phải những tác động tiêu cực không mong muốn. Chẳng hạn như quyết định đóng cửa nền kinh tế có thể ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế-xã hội và tâm lý của người dân.

Nhắc lại rằng, bên cạnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, trên thế giới vẫn còn rất nhiều dịch bệnh chưa tìm ra được phương thuốc chữa trị hiệu quả. Tuổi thọ của người nghèo thường thấp hơn so với người giàu. Chính vì thế, ưu tiên phát triển kinh tế là một nhiệm vụ mang tính sống còn.

Trong những ngày gần đây, có rất nhiều phương án được bàn luận về vấn đề đảm bảo sức khỏe người dân và “sức khỏe” nền kinh tế. Việc tăng cường những đóng góp và trách nhiệm cá nhân được kỳ vọng có thể trở thành một giải pháp thay thế hoặc mang tính bổ sung cho chính sách kéo dài giãn cách, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế đi đúng hướng thời gian tới.

Theo ông, doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế Việt Nam làm gì để sống chung an toàn với Covid-19?

Không chỉ các doanh nghiệp, tất cả người dân và cả nền kinh tế sẽ phải sống chung với Covid-19. Trong tương lai, chúng ta sẽ không chỉ đối mặt với đại dịch này mà thôi, mà sẽ còn trải qua nhiều dịch bệnh khác.

Đối với Việt Nam, theo tôi, Chính phủ cần xây dựng một hệ thống y tế chặt chẽ hơn. Có như vậy, đại dịch Covid-19 cũng như các cuộc khủng hoảng y tế khác mới có thể ngăn chặn một cách triệt để. Đại dịch này sẽ là một bài học lớn, mang tính lịch sử dành cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới cũng cần nhìn nhận lại những kinh nghiệm trong quá khứ. Cuộc khủng hoảng về y tế liên quan đến Covid-19 là minh chứng rõ ràng về quá trình toàn cầu hóa và tầm quan trọng của hợp tác đa phương.

VẪN CÒN "PHAO CỨU SINH"

Ông kỳ vọng gì về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?

Ngày 14/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những thay đổi trong đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó, dự đoán tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được điều chỉnh giảm xuống mức còn 3,5-4%. Nếu Chính phủ sớm có những biện pháp nới lỏng, dù tham vọng nhưng tôi cho rằng, mức dự báo này là hoàn toàn khả thi.

Tôi đánh giá, mục tiêu Quốc hội là tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,5% hoàn toàn bất khả thi vào thời điểm này. Dựa trên tình hình hoạt động gián đoạn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam - vai trò là “đầu tàu” kinh tế, đóng góp 30% vào GDP cả nước, nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tổn thất hơn bao giờ hết.

Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian giãn cách chính là người lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức. Mặc dù nhóm đối tượng này không ghi nhận đóng góp trực tiếp vào tổng GDP của nền kinh tế, nhưng đây lại là nguồn phát sinh thu nhập chính của rất nhiều người dân Việt Nam.

Thực tế cho thấy, ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất kinh tế đang trở nên tê liệt trong suốt 2 tháng gần đây.

Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, nền kinh tế Việt Nam sẽ dần trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với dự kiến. GDP của Việt Nam đang ngày càng giảm, vốn FDI đang có xu hướng cắt giảm, xuống mức 11% trong 7 tháng đầu năm 2021.

Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) cũng tụt xuống dưới 50 điểm, chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - Eurocham) cũng chạm đáy trong 10 năm trở lại đây. Những chỉ số này phần nào cho thấy kịch bản xấu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày một trở nên rõ nét.

Bên cạnh đường lối bảo đảm sức khỏe của người dân, Chính phủ cũng cần xem xét thận trọng đến việc duy trì, phát triển kinh tế đất nước. Có như vậy, đói nghèo mới được đẩy lùi khỏi toàn xã hội. Kế hoạch sống chung với Covid-19, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân hiện nay được coi là biện pháp mang tính khả thi, góp phần thúc đẩy hồi phục kinh tế một cách nhanh chóng.

Theo những đánh giá chủ quan, tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển. Các điều kiện cơ bản trong nước vẫn được duy trì ổn định. Trong đó, không thể không nhắc tới mạng lưới dày đặc các FTA.

Bên cạnh đó, việc ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ khiến đại đa số người dân đều hăm hở trở lại công việc và học tập.

Điều kiện tiên quyết tận dụng thế mạnh này chính là Chính phủ cần mở cửa trở lại càng sớm càng tốt, cho phép người dân sống chung với Covid-19. Nhìn lại quá khứ, con người Việt Nam cũng đã từng chống chịu và kiên cường vượt qua nhiều gian nan, nguy hiểm hơn thế.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam khó có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức dự báo 6%. Theo dự báo mới nhất được công bố bởi ngân hàng HSBC, tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt được ở mức 5%, trong kịch bản tích cực nhất.

GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

Vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể, Việt Nam cần chú trọng điều gì?

Để thực hiện mục tiêu đạt tăng trưởng GDP trong kịch bản tích cực nhất (5%), Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ khối doanh nghiệp - một “mắt xích” quan trọng của nền kinh tế. Những quyết sách trong thời gian tới của Chính phủ cần phải tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại và khôi phục chuỗi cung ứng sản xuất.

Trong 7 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng có hơn 11.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nhiều lao động bị mất việc và xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Có lẽ, sẽ phải mất nhiều thời gian nữa, khối doanh nghiệp mới có thể khôi phục hoàn toàn như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của chính sách mở cửa nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Đối với khu vực kinh tế hộ gia đình, tôi có nhiều đánh giá tích cực về khả năng hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ của nhóm đối tượng này, ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ giãn cách xã hội.

Lợi thế của nhóm kinh tế này là khả năng linh hoạt và vốn điều lệ thấp, cho phép các hộ kinh doanh nhanh chóng trở lại bình thường. Thực tế cho thấy, trong 3 làn sóng Covid-19 trước đây, các cửa hàng kinh doanh gia đình và hàng quán ăn uống tại Việt Nam có khả năng thích ứng rất nhanh với tình hình thay đổi của nền kinh tế.

Một “chiếc phao cứu sinh” của nền kinh tế Việt Nam chính là đẩy mạnh hoạt động giao thương, tận dụng lợi thế từ các FTA. Điều này được áp dụng đối với toàn bộ sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam.

Cụ thể, trong đợt dịch vừa qua, hai mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu sang châu Âu và gặt hái được nhiều thành quả tích cực là vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và chanh leo Sơn La. Đây là những tín hiệu đáng mừng và hết sức lạc quan, góp phần đưa nền kinh tế trở lại đà hồi phục.

Chúng tôi - Viện FNF cũng đang hỗ trợ các đối tác trong nỗ lực góp phần giúp Việt Nam tái định vị vị thế khi cuộc khủng hoảng Covid-19 qua đi.

GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

NHÌN TỪ CHÂU ÂU

GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

Kể từ tháng 5/2021, nhiều quốc gia tại châu Âu đã rục rịch mở cửa trở lại. Theo ông, “chìa khóa” nào giúp các nước mạnh dạn với kế hoạch này?

Theo tôi, “chìa khóa” giúp châu Âu mạnh dạn mở cửa đất nước đó là họ đã hiểu hơn rất nhiều về virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, có tới hơn 99% người mắc Covid-19 đều được chữa khỏi, đáng chú ý là đối tượng trẻ em - gần như chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Trong khi đó, có nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, năm 2020, tại Đức cũng không ghi nhận tỷ lệ tử vong ở mức báo động. Tại Thụy Điển, một quốc gia chưa từng áp dụng chính sách phong tỏa, cũng không ghi số ca tử vong tăng đột biến.

Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Âu đang áp dụng những chính sách khác nhau để đối phó với Covid-19. Một vài quốc gia vẫn áp dụng triệt để các biện pháp hạn chế như bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài và tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nhưng một số quốc gia khác như Đan Mạnh vẫn quyết định mở cửa và cho phép mọi hoạt động xã hội diễn ra bình thường.

GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

Nhưng dường như, tất cả các quốc gia này đều nhận thấy, các biện pháp phòng dịch quá khắt khe mang tác động tiêu cực đến sức khỏe và kinh tế.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, có tới 60% trẻ em Đức bị chuẩn đoán mắc bệnh béo phì; 10% mắc các vấn đề rối loạn ăn uống (ăn không kiểm soát, biếng ăn); 8% mắc căn bệnh trầm cảm và 2% bị bệnh tiểu đường.

Trong mọi trường hợp, hậu quả bắt nguồn từ đại dịch và các biện pháp đối phó cần phải xem xét và đánh giá cẩn thận. Đã đến lúc, chính phủ các quốc gia cần tin tưởng và trao cho người dân trách nhiệm cá nhân.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ các quốc gia châu Âu, thưa ông?

Thật khó để nói Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm gì từ các nước châu Âu bởi mỗi quốc gia đều có những cách mở cửa khác nhau. Ngược lại, theo tôi, các quốc gia châu Âu có thể học hỏi từ Việt Nam.

Từ năm 2020 đến tháng 4/2021, Việt Nam là một hình mẫu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Chính phủ Việt Nam có những phản ứng hết sức nhanh nhẹn, mạnh mẽ và thận trọng hơn so với các nước châu Âu.

Về thu nhập, dù nguồn thu từ khu vực dịch vụ và du lịch đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng Việt Nam vẫn có thể duy trì cuộc sống ổn định với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2020. Trong khi tại nhiều quốc gia châu Âu, nhiều nước vẫn áp dụng chính sách phong tỏa kéo dài và mọi hoạt động kinh tế đều phải tạm ngưng để chống dịch.

Tôi nghĩ, điều duy nhất Việt Nam cần lưu ý lúc này là kéo dài giãn cách không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

GS.TS. Andreas Stoffers: Không dài sức để giãn cách mãi, phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn

Đọc thêm

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sáng 23/1, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.