Hà Nội cấm xe khách, xe tải trên 0,5 tấn qua cầu Chương Dương từ 8h30 hôm nay (10/9)
Sở Giao thông vận tải Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) vừa có thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu. Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở GTVT Hà Nội thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương từ 8h30 ngày 10/9.
Theo đó, cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.
Sở đề nghị Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an TP. Hà Nội bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên tuyến đường, nút giao.
Đồng thời, theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kết luận chỉ đạo các nhiệm vụ. (Ảnh: Quang Thái) |
Hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3
Chiều 9/9, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận chỉ đạo về công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với UBND TP. Hà Nội triển khai ngay việc hỗ trợ khẩn cấp đối các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3.
Trong đó, TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ 9 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng do bão số 3 mỗi tỉnh, thành phố 5 tỷ đồng, bao gồm TP. Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh 3 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ là 51 tỷ đồng.
Ban Thường vụ Thành ủy giao Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khẩn trương ra lời kêu gọi quyên góp và tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển hỗ trợ kịp thời để các tỉnh, thành phố sử dụng hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng thống nhất quan điểm không nhận hỗ trợ của T.Ư và các địa phương khác để ưu tiên cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn. Thành phố sẽ tập trung bằng các nguồn nội lực để hỗ trợ người dân trên địa bàn, trong đó có hỗ trợ an sinh và một chương trình riêng để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất.
Toàn TP. Hà Nội đã có 2.698 trường hoạt động bình trường trở lại, còn 114 trưởng tạm dừng hoạt động do chưa bảo đảm các điều kiện an toàn... Ngành GD&ĐT đang phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết để đưa các trường trở lại hoạt động trong 1-2 ngày tới. Trong khi đó, ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo rà soát hệ thống cầu trên địa bàn thành phố, xác định cầu yếu để có phương án gia cố, phân luồng bảo đảm an toàn trong lưu thông.
Hiện nay, mực nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố còn ở mức cao; mực nước các sông Tích, sông Bùi, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang đều ở trên mức báo động II. Trong thời gian tới, tình hình thời tiết, mưa lũ được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất còn lớn...
Lực lượng chức năng cùng người dân Thủ đô dọn dẹp cây xanh sau gãy đổ sau bão Yagi. (Ảnh: Kim Ngân) |
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài lưu ý các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố; trong đó, phải quán triệt tinh thần là cây nào trồng lại được là phải trồng lại kịp thời, cây nào yếu phải chuyển về vườn ươm chăm sóc.
Đối với việc rà soát cầu yếu trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố ngay sau cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy trước mắt chỉ đạo bảo đảm lưu thông an toàn qua các cầu, các cầu yếu không bảo đảm an toàn phải dừng lưu thông; đồng thời khẩn trương triển khai Đề án gia cố, sửa chữa các cầu yếu để thực hiện sớm trong thời gian tới. Đối với những cây cầu mất an toàn cao, phải thực hiện ngay việc sửa chữa, gia cố theo quy trình khẩn cấp theo quy định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm tinh thần chủ động một cách thực chất theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đặt ra trên địa bàn, nhất là việc bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ tài sản, giải tỏa cây xanh, vệ sinh môi trường... Mặt trận Tổ quốc huy động các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia tích cực cùng các địa phương.