Hiện nay, việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017. (Ảnh: Dương Tâm) |
Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành trên địa bàn thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm, đúng thẩm quyền và quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất. Thành phố đang lấy ý kiến về vấn đề này.
Căn cứ vào các quy định của Luật, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất nếu tách thửa không hình thành lối đi mới tại phường, thị trấn, thửa đất phải đảm bảo diện tích không nhỏ hơn 50m2, chiều dài trên 4m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4m trở lên.
Đối với các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu để tách thửa là 80m2, các xã vùng trung du là 100m2, các xã miền núi tối thiểu 150m2.
Trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, chiều rộng mặt cắt ngang của lối đi được yêu cầu từ 3,5m đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với trung du, miền núi.
Cũng theo dự thảo, đất phi nông nghiệp áp dụng cho các thửa đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án tại phường, thị trấn (với đất thương mại dịch vụ), thửa đất mới phải có chiều rộng giáp đường giao thông từ 10m trở lên, diện tích tối thiểu 400m2.
Riêng các loại đất phi nông nghiệp khác, thửa đất phải có chiều rộng trên 20m, diện tích tối thiểu 1.000m2.
Tại các xã khác, đất thương mại dịch vụ được tách thửa phải có diện tích không dưới 800m2 và đất phi nông nghiệp khác không dưới 2.000m2.
Hiện nay, việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017.
Theo quy định, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết việc chia tách thửa đất cần thực hiện bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh.
Các quy định về chia tách thửa đất phải cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Điều này đòi hỏi việc phân lô, tách thửa đất không chỉ tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, mà còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, việc tách thửa đất về lâu dài cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) - cho rằng những lô đất, căn nhà rộng 30-40m2 là phân khúc ưa chuộng của nhiều người dân bởi vừa tầm tiền, có thể xây nhiều tầng để nâng diện tích sử dụng.
Thời gian qua, không hiếm tình trạng các nhà đầu tư bỏ vốn mua những lô đất ở, diện tích lớn rồi tách thửa, chia nhiều lô nhỏ bán sang tay, thu lợi nhuận lớn.
Ví dụ, một căn nhà trong ngõ ở trung tâm 30m2 hiện nay có giá khoảng 4-5 tỷ đồng/căn nhưng nếu nâng diện tích tách thửa 50m2 thì giá trị khoảng 7-8 tỷ đồng. Từ đó hạn chế khả năng tiếp cận của một số người, chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng có khả năng chi trả. Từ đó, điều này tác động tới tính thanh khoản giảm xuống nên giá thành có thể sẽ giảm hơn hiện tại.
Xét trên góc độ quy hoạch, ông Toản đồng ý với dự thảo quy định tách thửa mới. Theo ông, khi dự thảo được áp dụng sẽ hạn chế được những căn nhà có diện tích quá nhỏ làm xấu hình ảnh đô thị. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng tới khả năng phòng cháy chữa cháy.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - nói một số ý kiến lo ngại giá nhà tăng nếu quy định trên được áp dụng sẽ khiến giá nhà nội thành tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, theo quy định cũ, diện tích tách thửa ở nội đô là 30m2 hiện nay những mảnh đất nào đủ điều kiện đã tách thửa hết. Do đó, dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa mới được áp dụng sẽ không tác động tới giá thành và thị trường quá nhiều.
Dù thế, theo ông Đính, việc này cũng làm khả năng tiếp cận nhà ở của một số người hạn chế hơn. Ví dụ, trước kia có rất nhiều căn nhà xây sẵn khoảng 30m2, nhiều người sẽ dễ tiếp cận hơn. Nhưng nếu dự thảo quy định mới được áp dụng với diện tích tách thửa lớn thì giá trị căn nhà sẽ tăng cao. Do đó, ông cho rằng thành phố cần có chiến lược phát triển nhà ở xã hội trước khi áp dụng quy định mới để người dân đều có thể tiếp cận nhà ở.
Theo ông, quy định này sẽ giúp Hà Nội kiểm soát chất lượng đô thị tốt hơn. Từ đó, sẽ không tạo ra những căn nhà, thửa đất có diện tích quá nhỏ, manh mún làm mất mỹ quan đô thị.