📞

Hà Nội xưa được tái hiện trong bộ sách 'Thăng Long Kinh Kì-Kẻ Chợ'

Minh Thu 16:05 | 17/04/2021
'Thăng Long Kinh Kì-Kẻ Chợ' đã tái hiện thành công bức tranh sống động về văn hóa, phong tục, lịch sử, con người của Hà Nội xưa.
Hà Nội xưa được tái hiện qua bộ sách 'Thăng Long Kinh Kì-Kẻ Chợ'. (Ảnh: Kim Đồng)

Ngày 16/4 tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, sự kiện giới thiệu bộ sách “Thăng Long Kinh Kì-Kẻ Chợ” của Nhà xuất bản Kim Đồng đã mở màn cho các hoạt động kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4.

Bộ sách của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Tín-Nguyễn Huy Thắng gồm 2 cuốn chia làm 2 giai đoạn: “Thời Lê-Trịnh” và “Thời Tây Sơn và nhà Nguyễn.”

Với hơn 300 trang sách, độc giả sẽ men theo dòng chảy lịch sử, ngược về hai thời đoạn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, ghi nhận nhiều sự thay đổi sâu sắc, trong dấu tích văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội của Thủ đô.

Thăng Long-Hà Nội vốn là đề tài quen thuộc, được khai thác qua nhiều tác phẩm và ở nhiều thể loại khác nhau. Với bộ sách này, nhóm tác giả không chỉ dừng lại ở những nội dung biên soạn, tổng hợp các nguồn tư liệu về Thăng Long-Hà Nội xưa mà còn quan sát, tìm kiếm nhiều khía cạnh để soi chiếu “chất Kinh Kì” và “chất Kẻ Chợ” song hành, hội tụ ở đất và người Hà Nội.

Ngoài các bài viết như những lát cắt về con người, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cuốn sách còn có phần Niên biểu, tóm lược các mốc thời gian quan trọng, gắn với các sự kiện nổi bật của Thăng Long-Hà Nội, giúp bạn đọc dễ theo dõi và tra cứu.

Bắt đầu từ thời Lê trung hưng, Thăng Long bước vào triều đại đặc biệt, vừa có vua, vừa có chúa. Không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, Thăng Long giờ đây còn là trung tâm kinh tế của đất nước, nơi tập trung 30 ngành sản xuất thủ công và là đầu mối thương nghiệp của cả nước, kể cả các nước phương Tây lớn như Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…

Các khu phố buôn bán, khu vực hành chính, kể cả vương phủ cùng đan xen nhau, trong nhiều trường hợp còn hòa quyện vào nhau, như khu phủ Chúa gần các làng nghề, phường thợ…

Ở phần này, tác giả giới thiệu: “Thời Lê trung hưng, Đông Kinh còn gọi là Kẻ Chợ. Ban đầu tên gọi này chỉ dành để chỉ khu vực buôn bán, sản xuất, gắn với đời sống dân sinh. Dần dần, người ta gọi chung cả kinh đô (Hoàng thành và phủ Chúa) là Kẻ Chợ hoặc Thăng Long-Kẻ Chợ để phân biệt với Thăng Long của các triều đại Lý, Trần.”

Ở cuốn “Thời Lê Trịnh,” bên cạnh những trang tái hiện lịch sử hỗn loạn, người đọc cũng đón nhận những ghi chép tươi mới, đầy chất thơ và phong vị về một vùng đất hào hoa, hội tụ nhiều nét đẹp, trong cả dân gian lẫn nghệ thuật thời trung đại. Từ kiến trúc phủ Chúa, danh thắng quanh Hà Nội, đến lịch sử các ngành nghề thủ công của 36 phố phường, tất thảy tạo nên bức tranh đa màu, đa diện.

(theo TTXVN)