Hà Nội yêu cầu tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, lấy học sinh là trung tâm. (Ảnh: Vũ Minh Hiền) |
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 thống nhất vào sáng ngày 5/9 (thứ Ba). Nội dung cụ thể như sau:
- Từ 7h đến 7h30: Tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp.
- Từ 7h30 đến 8h30:
+ Chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca (tổ chức theo nghi thức quy định: tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh dự lễ chào cờ đều hát Quốc ca).
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
+ Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường.
+ Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới.
+ Đánh trống khai trường.
+ Tổ chức các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...).
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý lễ khai giảng cần được tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Sau khai giảng, các trường cần duy trì nền nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng...
Đối với cấp mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút, thời gian bắt đầu đón trẻ và tổ chức do phòng GD&ĐT thống nhất, chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non để phù hợp với trẻ mầm non.
Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức sinh hoạt đầu năm học. Thời gian từ 8h45 đến 9h30 ngày 5/9.
Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thù riêng của từng cấp học, ngành học; các trường, cơ sở giáo dục chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới
Về đồng phục cho học sinh, Sở GD&ĐT đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương. Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh.
Sở cũng yêu cầu trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới không được vào trường học.
Về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Cùng đó, các trường rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; bảo đảm khuôn viên cảnh quan môi trường sư phạm; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT, sách giáo khoa cho học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh, phụ huynh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường, nhất là đối với học sinh đầu cấp học; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh.
Thực hiện nghiêm túc quy định về khung kế hoạch thời gian năm học; công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành.
Không để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm trong nhà trường
Sở GD&ĐT cũng đề nghị các trường thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn và y tế trường học.
Cụ thể, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; đảm bảo các điều kiện nhà vệ sinh trường học... để đảm bảo khung cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp trước ngày khai giảng năm học mới; đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch sốt xuất huyết.
Các trường cần triển khai các giải pháp bảo bảo an ninh, an toàn trường học; rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, hệ thống điện, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên khi tổ chức, tham gia các hoạt động giáo dục và dạy học trong trường. Các trường cũng được yêu cầu đặc biệt lưu ý các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh.
Với những trường có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô, phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe có ý thức và có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cùng với đó, các trường phải rà soát quy trình đón trẻ, quản lý trẻ từ gia đình (điểm đón trẻ) lúc đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao trẻ cho gia đình bảo đảm chặt chẽ, rõ trách nhiệm; thông báo rộng rãi quy trình này đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh để cùng phối hợp, giám sát thực hiện bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh.
Các trường cần rèn luyện cho học sinh có kỹ năng tự bảo vệ khi bị rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn thương tích.
Các trường học, cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể phải đảm bảo đủ các điều kiện an toàn thực phẩm và tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn, nhà ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm trong nhà trường.
Trước ngày khai giảng, khu vực trước cổng trường phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, thông thoáng; phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa hàng quán, đảm bảo trật tự an toàn giao thông xung quanh cổng trường.