UBND tỉnh Hải Dương nhận định, lũ vẫn tiếp tục lên, các tuyến đê đã bị ngâm nước nhiều ngày nay dẫn đến hiện tượng đất bị bão hòa nước, có nguy cơ gây sạt trượt, rò rỉ đe dọa đến an toàn công trình đê điều, đặc biệt trong ngày 13/9.
Khẩn trương xử lý sự cố đê điều, hệ thống thủy lợi
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến 14 giờ ngày 12/9, chính quyền các địa phương, người dân và các lực lượng chức năng đang khẩn trương xử lý các sự cố đê điều và sự cố hệ thống thủy lợi.
Cụ thể, đối với sự cố đê điều, Hải Dương đang xử lý 1 sự cố sạt mái chân cơ đê phía đồng vị trí k2+750 – k2+806,5 tả Thái Bình ở thành phố Chí Linh; 1 sự cố chống tràn đê tả Mía, Vĩnh Lập K0+00 – K1 +632, 1 sự cố lỗ rò nước đục tại K0+495 đê hữu Gùa, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà.
Đối với hệ thống thủy lợi, Hải Dương đang khẩn trương xử lý 41 sự cố; trong đó, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiều sự cố nhất với 30 sự cố ở huyện Tứ Kỳ, 7 điểm sạt trượt bờ kênh ở huyện Thanh Miện. Lực lượng chức năng cũng đang xử lý 1 sự cố sạt mang cống Tý Mỏ ở thành phố Chí Linh; 3 sự cố chống tràn ở huyện Cẩm Giàng.
Lực lượng công an rà soát, kiềm tra toàn bộ hệ thống đê điều trên địa bàn. (Nguồn: Công an Hải Dương) |
Tính đến nay, Hải Dương đã xử lý xong 74 sự cố đê, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê trên địa bàn toàn tỉnh gồm: 8 sự cố ở thành phố Chí Linh; 6 sự cố ở huyện Tứ Kỳ; 19 sự cố ở thị xã Kinh Môn; 4 sự cố ở huyện Kim Thành; 2 sự cố ở huyện Thanh Miện; 2 sự cố ở huyện Nam Sách; 19 sự cố ở huyện Thanh Hà; 14 sự cố ở thành phố Hải Dương. Các sự cố đê đã được xử lý thành công là xử lý rãnh xói, sạt mái cơ đê, lỗ rò, hố xói, chống tràn…
Đối với hệ thống thủy lợi, đến nay, lực lượng chức năng Hải Dương đã xử lý xong 128 sự cố; trong đó, riêng hệ thống Bắc Hưng Hải đã xử lý xong chiếm tới hơn 50%, còn lại chủ yếu là sự cố về cống, chống tràn, sạt trượt, rò rỉ…
Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó chống lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng phải bảo vệ an toàn ở mức cao nhất cho hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ngọc Châu yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều toàn tuyến trên địa bàn tỉnh theo cấp báo động III, không để bị động, bất ngờ; thực hiện phát quang cây, cỏ triền đê để phát hiện sớm các điểm rò nước, mạch đùn, mạch sủi... ; đưa ra phương án xử lý ngay từ những giờ đầu để đảm bảo khắc phục hiệu quả (giảm thời gian, tiết kiệm chi phí...), giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn.
Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý, mới phát hiện, người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu tổ chức thực hiện thường trực, trực ban 24/24 giờ trên đê (phải có danh sách, số điện thoại của người trực, thực hiện phân ca trực cụ thể đối với từng người, từng điểm) để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo kịp thời tình hình.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu kiểm tra tại điểm đê xung yếu ở TP Chí Linh. (Nguồn: Báo Hải Dương) |
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương xử lý các địa điểm đê xung yếu đang hoặc chưa được xử lý, yêu cầu xử lý hoàn thành ngay trong ngày 12/9.
Theo dõi sát mực nước hệ thống Bắc Hưng Hải (đặc biệt sông Sặt qua địa bàn thành phố Hải Dương) và thủy triều, mực nước sông ngoài để có giải pháp xử lý linh hoạt, phù hợp thực tiễn (đóng mở cống, bơm tiêu nước...) giúp giảm áp lực đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao lãnh đạo các địa phương từ huyện đến xã trực tiếp chủ trì, chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện nhiệm vụ trên; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cử cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật…
*Ngay trong ngày 12/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát công điện số 14 về tập trung ứng phó với lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên các sông địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo công điện, ngay sau khi bão số 3 tan, tỉnh Hải Dương lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn kéo dài, lũ thượng nguồn dâng cao và xả lũ các hồ chứa thủy điện làm cho mức nước các sông trên địa bàn tỉnh lên rất nhanh, một số nơi đã vượt xa mực nước báo động III, gây ngập lụt ngoài bãi sông, hệ thống đê điều của tỉnh đã xuất hiện nhiều sự cố, có những sự cố rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê.
Các lực lượng ở huyện Kinh Môn gia cố vùng đê xung yếu. (Nguồn: Báo Hải Dương) |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh lũ trên hệ thống sông Thái Bình và sông Luộc còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh không chịu tác động của lũ lớn, sự cố đê điều sẽ xuất hiện nhiều có thể uy hiếp an toàn đê.
Để chủ động ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, thực hiện Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, Thường trực, lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê. Trong đó tập trung những nhiệm vụ: Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo cấp báo động, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, không để bị động, bất ngờ, từng vị trí đê, từng sự cố đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm. Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn phải lên đê để thường trực chỉ huy ứng cứu tại chỗ, triển khai phát quang cây dại để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra canh gác.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm; bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các địa điểm di dời.
Tiếp tục rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo “phương châm bốn tại chỗ”; kể cả phương án hộ đê toàn tuyến, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị tại các trọng điểm để sẵn sàng triển khai hộ đê, xử lý các sự cố.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó xử lý sự cố công trình gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến mưa lũ, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác ứng phó với lũ, hộ đê theo cấp báo động để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Hướng dẫn công tác kỹ thuật, xử lý ứng cứu sự cố đê điều, thủy lợi; tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh trong việc xuất, phát vật tư, phương tiện chuyên dùng phòng, chống lụt bão để xử lý, ứng cứu sự cố đê điều, thủy lợi.
Lực lượng chức năng xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện kịp thời xử lý sự cố đê điều tại địa phương. (Nguồn: TTXVN) |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán dân đến nơi an toàn; triển khai các phương án hộ đê theo kế hoạch, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý, ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Công an tỉnh chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện sơ tán dân, cứu nạn, ứng phó với lũ lớn.
Sở Giao thông và Vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến mưa lũ; thông tin kịp thời, chính xác tới các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị có liên quan và nhân dân trong tỉnh biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại...
Lực lượng công an huy động 100% quân số
Ngày 10/9, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã phát lệnh trực 100% quân số, huy động tối đa mọi nguồn nhân lực, vật lực tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với từng cấp độ của mưa lũ theo phương châm “3 trước” (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ), lực lượng Công an cấp xã đang tiến hành tuyên truyền, vận động và khẩn trương sơ tán người dân tại các điểm xung yếu và các xã có đê đến nơi an toàn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an toàn tỉnh đang phối hợp với Công an cấp xã tăng cường tuần tra, canh gác nắm tình hình diễn biến của các đê kè, các trọng điểm xung yếu về đê điều, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, đặc biệt là các cống qua đê, kịp thời phát hiện và xử lý mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu; cảnh báo người dân để chủ động phòng, tránh, di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản ngoài bãi sông, trên sông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an toàn tỉnh đang phối hợp với Công an cấp xã tăng cường tuần tra, canh gác nắm tình hình diễn biến của các đê kè. (Nguồn: Báo Hải Dương) |
Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu, cống trên địa bàn; triển khai chốt chặn, hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua các điểm xung yếu, các khu vực tràn, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở, hoặc nguy cơ sạt lở; kiên quyết không để người và phương tiện lưu thông khi không đảm bảo an toàn.
Bố trí lực lượng quản lý chặt chẽ các bến bãi ở bãi sông; cấm tất cả các phương tiện không có nhiệm vụ liên quan đi trên đê trong thời báo động lũ. Kiểm tra, thực hiện ngay việc di chuyển tài sản, dỡ bỏ các vật cản lũ ở các bãi sông theo quy định; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để huy động được ngay khi cần.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tiến hành xác minh, xử lý kịp thời các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận liên quan đến tình hình mưa, lũ, đê điều trên mạng xã hội để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Hải Dương phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3 Sáng 13/9, tại Trung tâm Văn hoá xứ Đông (TP Hải Dương), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi). Tại buổi phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ Trung ương và các đại biểu đã ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do bão số 3.
Theo Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn, trong những ngày qua, cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh đã đổ bộ, sau đó là hoàn lưu bão gây mưa, lũ, sạt lở đất làm thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh, thành phố miền Bắc nước ta, trong đó có Hải Dương. Tại Hải Dương, bão đã làm nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Hàng nghìn ha lúa, cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng, cây xanh bị gãy, đổ gây thiệt hại nặng nề cho Nhà nước và nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương phát động và kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc với tinh thần “tương thân, tương ái”, biến khó khăn thành sức mạnh, bằng những việc làm cụ thể, cùng chung tay sẻ chia, hỗ trợ, động viên cả vật chất và tinh thần giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống. Đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên Mặt trận tập trung tuyên truyền đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân tích cực tham gia ủng hộ. Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Vận động cứu trợ tỉnh sẽ tiếp nhận mọi sự ủng hộ và chuyển đến hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 trong thời gian sớm nhất. |
Sau bão số 3, tình trạng gián đoạn mạng viễn thông xảy ra ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Theo báo cáo của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone ngày 8/9, trong tổng số 800 trạm BTS của Viettel tại Hải Dương, bão số 3 đã khiến 200 trạm bị gián đoạn do mất điện, đứt cáp truyền dẫn, 2 trạm khác bị gãy cột, 187/1.024 tuyến cáp bị hỏng. Với VNPT, 247/488 trạm BTS bị gián đoạn, trong đó 242 trạm bị mất liên lạc do mất điện, đứt cáp truyền dẫn, 5 trạm bị gãy cột, 384/2.010 tuyến cáp bị hỏng. MobiFone ghi nhận thiệt hại đối với 215/512 trạm BTS bị gián đoạn. Theo báo cáo nhanh của 3 nhà mạng, trong sáng 12/9, toàn tỉnh khắc phục được thêm 88 vị trí trạm BTS bị sự cố (trong đó MobiFone 80 vị trí, Vinaphone 3 vị trí, Viettel 2 vị trí). Toàn tỉnh còn 169 vị trí trạm BTS trên tổng số 1.800 vị trí (VNPT 488 vị trí, MobiFone 512 vị trí, Viettel 800 vị trí) còn gián đoạn do mất điện, chiếm hơn 9% trong tổng số trạm BTS. Có thêm 77 tuyến cáp quang bị hư hỏng được khôi phục (VNPT 38 tuyến, MobiFone 25 tuyến, Viettel 14 tuyến), còn lại là 55 tuyến chưa khắc phục xong, chiếm tỷ lệ gần 2% trong tổng số hơn 3.145 tuyến cáp quang chính trên toàn tỉnh. |