35 năm là khoảng thời gian rất ngắn ngủi so với lịch sử của mỗi nước, nhưng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển theo biểu đồ “thăng” dần lên. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao trong đó đáng chú ý nhất là chuyến thăm Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (7/2007) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Luiz Inácio Lula Da Silva (7/2008). Kết quả các chuyến thăm này đã nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, đặc biệt là trong bản Tuyên bố chung nhân dịp kết thúc chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã cam kết thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula Da Silva thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2008. (Nguồn: TTXVN) |
Trong thời kỳ tôi làm Đại sứ Việt Nam tại Brazil (2006-2010), có hai kỷ niệm ngoại giao mà tôi không thể nào quên, thể hiện sâu sắc tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Brazil đối với Việt Nam.
Buổi buffet Quốc yến thân mật
Hồi tháng 7/2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Brazil. Trong lúc trao đổi với Bộ Ngoại giao Brazil về chương trình, Chính phủ Brazil quyết định đón Tổng Bi thư ta theo lễ tân như đón cấp nguyên thủ quốc gia.
Tuy nhiên, theo thông lệ, Brazil tổ chức Quốc yến vào buổi trưa và dưới hình thức buffet. Điều này hoàn toàn xa lạ với lễ tân của ta cũng như nhiều nước. Tôi đã phải trình bày, giải thích rõ việc này cho lãnh đạo ta và may mắn thay, phía ta đồng ý theo thông lệ của bạn.
Tôi nhớ mãi tại buổi Quốc yến đó, Tổng thống Lula đã dẫn Tổng Bí thư ta đến bàn đặt các món ăn dân tộc của các địa phương Brazil và mời Tổng Bí thư lấy từng món một cho vào đĩa, sau đó cùng ra ngồi vào bàn danh dự.
Chính hình thức ăn buffet làm cho lãnh đạo cấp cao hai nước gần gũi nhau hơn, thân thiết với nhau hơn như anh em trong một nhà. Kết quả lớn nhất của chuyến thăm này là hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi.
Khi ở Brazil, tôi cũng tham dự nhiểu buổi ăn buffet tại nhà các quan chức hay người dân Brazil và nhận thấy không khí rất thân mật, nồng ấm, thắm tình hữu nghị.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula Da Silva và Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh tại buổi chiêu đãi Quốc yến, tháng 7/2007. (Ảnh: TGCC) |
Điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh” ở Rio de Janeiro
Trong thời gian sống và làm việc tại Brazil, tôi cũng có nhiều dịp gặp gỡ người dân Brazil từ giới học giả đến người dân lao động. Cảm nhận chung của tôi là người dân Brazil rất thân thiện, dễ gần.
Một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào mùa Hè năm 2009, tôi có dịp đi công tác tại Rio de Janeiro, một điểm du lịch nổi tiếng của quốc gia Mỹ Latinh với Tượng cứu thế và các bãi biển đẹp. Người ta nói rằng nếu ai đi du lịch Brazil mà chưa thăm Rio de Janeiro, thì coi như chưa đến Brazil.
Vào một buổi chiều đẹp trời sau khi gặp gỡ với các doanh nghiệp Rio de Janeiro, một doanh nghiệp đã dẫn tôi tham quan biển Copacabana, một trong những bãi biển đẹp nhất của Brazil nói chung và của Rio de Janeiro nói riêng. Bãi biển có bờ cát vàng trải dài tới 4,8 km, nước biển trong xanh, lúc nào cũng đông người.
Tnh cờ, chúng tôi gặp nhóm khoảng 20 người dân, trong đó có người là bạn của nhà doanh nghiêp đang tổ chức tiệc. Họ mời chúng tôi tham gia. Khi nhà doanh nghiệp giới thiệu tôi là Đại sứ Việt Nam đến Rio de Janeiro công tác, mọi người tỏ ra vui mừng và nói chuyện vui vẻ.
Trong lúc nói chuyện, có một người (sau này tôi được biết là giáo sư dạy lịch sử) đã chia sẻ rằng, vào khoảng năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn là một thanh niên trẻ làm đầu bếp trên một tàu biển của Pháp, đã đặt chân lên mảnh đất Rio de Janeiro khi tàu cập bến tại đây.
Người dân Brazi vốn thích ca hát và nhảy múa. Tại cuộc giao lưu trên, mọi người đề nghị tôi hát tiếng Việt vì chưa được nghe bao giờ. Đáp lại, tôi hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tất nhiên, trước khi hát tôi đã dịch nội dung bài hát và đề nghị mọi người cùng đồng ca điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh”.
Khi tôi hát đến điệp khúc này, mọi người cùng vỗ tay hát vang “Việt Nam – Hồ Chí Minh” ba lần, thậm chí còn có người gõ trống, gảy guitar, thổi kèn (người Brazil có thói quen đi cắm trại, tắm biển hay tiệc tùng thường mang theo một số nhạc cụ để ca hát, nhảy múa). Cuộc gặp gỡ tình cờ và thú vị với những người bạn Brazil tại Rio de Janeiro lần đó, với tôi, là một kỷ niệm không thể nào quên...