Nhờ các ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại, bức tranh thương mại của Việt Nam sang EU tăng trưởng lạc quan. (Nguồn: Báo Đấu thầu) |
Tác động rất tích cực
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVFTA được thực thi trong bối cảnh thị trường thế giới không hoàn toàn thuận lợi. Cả Việt Nam và EU đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine...
Nhưng nhờ các ưu đãi thuế quan mà hiệp định lịch sử này mang lại, bức tranh thương mại của Việt Nam sang EU tăng trưởng lạc quan.
Năm 2021, dù đối mặt với những khó khăn của đại dịch Covid-19, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2%. Đáng chú ý, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,8 tỷ USD.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như gạo (100%), giày dép (98,02%), thủy sản (76,9%), nhựa và sản phẩm nhựa (70,63%); 6 tháng năm 2022 cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 23,77 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,8% xuất khẩu cả nước.
Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng dệt may đạt 12,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng giày dép đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19%; hàng thuỷ sản đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% nhập khẩu cả nước. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, xuất khẩu dệt may sang EU trong 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực, tạo ra thị trường rộng mở, có tính toàn diện, đồng thời thúc đẩy ngành dệt may nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh tự động hoá, quản trị số… để đáp ứng quy tắc xuất xứ “hai công đoạn” hết sức chặt chẽ của hiệp định.
Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh: "Sau hai năm EVFTA thức thi, hiệp định đã tác động đến tầm nhìn trong chiến lược phát triển vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Hiệp định đòi hỏi từ vải tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mạnh vào phần công thiếu hụt.
Song song với đó, EVFTA tác động đến một số dòng sản phẩm cao cấp với giá trị gia tăng cao tương đối cao hơn so với mục tiêu, hàng loạt những nhãn hàng lớn đã sản xuất các sản phẩm cho thị trường EU.
Ngoài ra, dù tỷ trọng tăng trưởng tuy chưa cao nhưng tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp khi dòng thuế được một số sản phẩm đã bắt đầu về 0. Đó là tác động rất tích cực và tôi tin tưởng hiệp định này sẽ là một mục tiêu cho dài hạn của ngành dệt may trong thời gian tới".
Sản phẩm tôm, dù được hưởng lợi thế từ EVFTA với thuế 0%, nhưng so với tôm của Ecuado, Ấn Độ… thì Việt Nam vẫn còn cao hơn. (Nguồn: VTV) |
Chung tay giúp doanh nghiệp khai thác tốt EVFTA
Theo Bộ Công Thương, EVFTA là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn rất cao mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Bên cạnh đó, EU và Việt Nam là những thị trường mang tính bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp.
Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều đối thủ về giá - mặc dù nhiều mặt hàng của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đó là vấn đề cần phải sớm tháo gỡ.
Ông Ngô Chung Khanh lấy ví dụ: "Sản phẩm tôm, dù được hưởng lợi thế từ EVFTA với thuế 0%, nhưng so với tôm của Ecuador, Ấn Độ…thì Việt Nam vẫn còn cao hơn. Lý do là chi phí logistics cao, cộng lại vào giá thành, dẫn đến việc dù được hưởng lợi thế từ FTA nhưng về giá vẫn cao hơn. Điều đó khiến chúng ta chưa thể mở rộng ngay thị phần, mặc dù dư địa là rất lớn".
Còn theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc quan trọng nhất là cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể khai thác được tốt nhất những quy định đã có trong Hiệp định.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình doanh nghiệp có thể tự mình lớn lên, để tìm hiểu thông tin tốt hơn, có thể tham gia thị trường EU và đặc biệt là có thể vượt qua thách thức, những rào cản về kỹ thuật, với những xu hướng tiêu dùng mới ở thị trường EU.
Ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh: "Khi Hiệp định này được ký kết thì Thủ tướng Chính phủ có ví là Hiệp định này mở ra một đường cao tốc để kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và EU. Rõ ràng là đường cao tốc thì phương tiện vận hành trên đó phải khác với đường bình thường.
Vậy nhiệm vụ của Chính phủ là phải hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp có thể xây dựng được những phương tiện đi lại phù hợp với đường cao tốc đó chứ không phải là những phương tiện mà trước đây chúng ta sử dụng ở đường làng, ngõ xóm.
Đây là điều mà rất cần có sự tham gia của tất cả các cơ quan ở nhiều lĩnh vực khác nhau để giúp doanh nghiệp có đủ sức mạnh để tiếp cận đường cao tốc và khai thác tốt con đường cao tốc đó".