📞

Hải Phòng 'hòa mình' vào làn sóng hội nhập quốc tế

Xuân Hạnh 20:54 | 17/04/2023
Nhờ quá trình thực hiện đổi mới, vận dụng sáng tạo, năng động đường lối, chủ trương, chính sách về hội nhập quốc tế và phát triển quan hệ đối ngoại, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành quả rất quan trọng trong thu hút vốn đầu tư và mở rộng quan hệ đối ngoại, qua đó, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của địa phương.
Diện mạo thành phố Hải Phòng. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Hải Phòng là một trong những thành phố lớn nhất cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thành phố được Đảng, Nhà nước xác định là 1 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, cửa ngõ ra biển của miền Bắc và có vị trí quan trọng về mặt an ninh quốc phòng.

Hải Phòng sở hữu vị trí địa chiến lược và hội tụ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Thành phố có sân bay quốc tế Cát Bi, Cảng nước sâu Lạch Huyện lọt top 20 cảng biển đón tàu siêu trọng trên thế giới… Hạ tầng giáo dục, y tế của thành phố ngày càng hoàn thiện hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện mạnh mẽ với chỉ số cải cách hành chính (PAR) lần đầu tiên bứt phá lên vị trí đứng đầu cả nước. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nhiều doanh nghiệp FDI chọn Hải Phòng làm “bến đỗ”

Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế luôn được Hải Phòng chú trọng được củng cố, mở rộng và phát triển. Vì vậy, địa phương này đã gặt hái được nhiều “trái ngọt” trên lĩnh vực này.

Đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng có quan hệ giao thương với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ hợp tác hữu nghị/ kết nghĩa với 26 địa phương ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nga...; có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI tại Hải Phòng.

Thành phố cũng có quan hệ hợp tác với gần 50 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tham gia vào các tổ chức đa phương như CityNet, MBBW, TPO và Mayors for Peace.

Hàng năm, Hải Phòng đón tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc và tìm hiểu cơ hội hợp tác tại thành phố. Có nhiều nguyên thủ quốc gia, chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp, lãnh đạo chính quyền, địa phương nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Israel... Từ đó, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng như đầu tư, sản xuất kinh doanh, logistics, năng lượng sạch, chuyển giao công nghệ, tăng trưởng xanh…

Không chỉ thế, Hải Phòng còn được nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài lớn chọn làm điểm đến đầu tư. Đơn cử như Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đến nay đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào Hải Phòng; Brigestone, Kyocera, Normura, Nipro Pharma, Aeon Mall (Nhật Bản), VSIP (Singapore)… Trên địa bàn thành phố có 853 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 24,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến từ các nước/khối: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN…

Bên cạnh việc đóng góp vào phát triển kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài đã giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Năm 2022, có khoảng 230 nghìn người lao động làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, chiếm 45,3% tổng số lao động trong các doanh nghiệp.

Ngoại giao kinh tế cũng góp phần kết nối hình thành các đường bay quốc tế như Côn Minh-Hải Phòng.

Về các dự án vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong những năm qua, những dự án này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và thay đổi diện mạo “thành phố cảng”. Hiện thành phố đang thực hiện 4 dự án ODA với tổng vốn đầu tư là 1.698 tỷ đồng (bao gồm: 1.498 tỷ đồng vốn ODA và 200 tỷ đồng vốn đối ứng), từ Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Công tác ngoại giao văn hóa cũng được Hải Phòng triển khai đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện. Các hoạt động ngoại giao văn hóa góp phần tạo nên sự thành công của các sự kiện ngoại giao của Việt Nam với các nước, các sự kiện lớn của đất nước và Thành phố. Một số sự kiện lớn về ngoại giao văn hóa được tổ chức tại thành phố như: Ngày hội Văn hóa Nhật Bản, Triển lãm sách; Tuần lễ phim Đức, Nhật Bản.

Ngoài ra, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài góp phần trọng việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai đa dạng, phong phú. Công tác Người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân cũng luôn được địa phương này quan tâm, chăm chút.

Nhà máy của LG tại Hải Phòng. (Ảnh: Việt Linh)

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để Hải Phòng tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị là cần theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021-2025 và tình hình, kết quả thực hiện đã đạt được để rà soát, đánh giá, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, bảo đảm bám sát mục tiêu đề ra và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà thành phố đặt ra bao gồm: Tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; Theo dõi chặt chẽ, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Ngoại giao với Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng ngày 23/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động đối ngoại, thành phố Hải Phòng mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân, trọng tâm là công tác ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế tại địa phương. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong việc kết nối, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố Hải Phòng; tổ chức các hoạt động đối ngoại kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Kết nối, hỗ trợ để thành phố đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế tại thành phố Hải Phòng. Hỗ trợ thành phố trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệm vụ công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế...

Đồng thời, đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Trưởng cơ quan địa diện Việt Nam tại nước ngoài: Hỗ trợ các Đoàn công tác của thành phố Hải Phòng triển khai các hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư tại nước bạn; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường; quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của địa phương ở nước sở tại; giới thiệu và mời các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát triển khai hoạt động hợp tác với thành phố; kết nối mở đường bay với một số nước trọng tâm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để vận chuyển hành khách, phát triển du lịch...

Trong bối cảnh mới, Hải Phòng quyết tâm tận dụng và phát huy lợi thế, chủ động học hỏi, đổi mới mô hình tăng trưởng, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững vị thế tiên phong, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.