📞

Hải tặc Somalia tái xuất: Cơn ác mộng của các hãng vận tải biển toàn cầu

Diệu Linh 11:08 | 24/03/2024
Ngày 21/3, chiếc xuồng cao tốc chở khoảng 12 hải tặc Somalia lao về phía một tàu chở hàng có tên Abdullah, thuộc sở hữu của Bangladesh ở Tây Ấn Độ Dương, các thủy thủ đoàn đã phát tín hiệu cầu cứu và gọi đến đường dây nóng khẩn cấp.
Tàu chở hàng tổng hợp PEGASUS 01 dỡ hàng tại cảng Bosaso, thuộc khu vực bán tự trị Puntland, Somalia ngày 28/1. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, lực lượng cứu trợ không thể ứng cứu kịp thời, hải tặc đã leo lên tàu, bắn cảnh cáo rồi bắt giữ thuyền trưởng và thuyền phó hai làm con tin.

Thuỷ thủ trên tàu cho hay tới nay chưa có ai bị thương hay thiệt mạng. Mặc dù các lực lượng hải quân quốc tế tin rằng họ đã kiểm soát được tình hình, nhưng một tuần sau đó, tàu Abdullah lênh đênh ngoài khơi Somalia lại trở thành nạn nhân mới nhất của làn sóng cướp biển đang tái diễn.

Các vụ tấn công đang làm gia tăng rủi ro và thiệt hại chi phí cho các công ty vận tải biển. Họ còn phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ lực lượng Houthi của Yemen ở Biển Đỏ và các vùng biển lân cận khác.

Theo đại diện của 5 công ty vận tải biển, hơn 20 vụ việc được ghi nhận kể từ tháng 11 đã đẩy giá thuê vệ sĩ an ninh vũ trang và phí bảo hiểm tăng cao, đồng thời làm dấy lên nỗi lo ngại về khả năng phải trả tiền chuộc con tin cho cướp biển.

Hãng Reuters đưa tin, nhóm băng đảng Somalia đang lợi dụng sự sao nhãng từ các cuộc tấn công của Houthi gây ra ở phía Bắc để quay trở lại hoạt động cướp biển sau gần một thập kỷ im hơi lặng tiếng. Nguyên do là vì lực lượng hải quân quốc tế hoạt động ngoài khơi Somalia đã giảm bớt các hoạt động tuần tra.

Mặc dù mức độ đe dọa không nghiêm trọng như giai đoạn 2008-2014, các quan chức khu vực và các nguồn tin vẫn lo ngại vấn đề này có thể leo thang.

Tháng trước, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud từng tuyên bố: “Nếu chúng ta không ngăn chặn hải tặc ngay từ đầu, tình hình có thể trở lại giống như trước đây”.

Ngày 15/3, Hải quân Ấn Độ từng ngăn chặn cướp biển và giải thoát cho con tàu mang tên Ruen sau khi con tàu này di chuyển trở lại vùng biển. Lực lượng này cho biết, cả 35 tên cướp biển trên tàu đã đầu hàng, 17 con tin được giải cứu an toàn.

Lực lượng hải quân chống cướp biển của Liên minh châu Âu (EU) mang tên EUNAVFOR Atlanta nhận định, hải tặc có thể đã sử dụng con tàu này làm bàn đạp để tấn công tàu Abdullah.

Phó giám đốc nhánh chống tội phạm của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) Cyrus Mody khẳng định, sự can thiệp của Hải quân Ấn Độ có thể mang lại hiệu quả răn đe quan trọng. Được biết đơn vị này đã triển khai ít nhất 12 tàu chiến ở phía Đông Biển Đỏ.

Chi phí gia tăng

Vùng biển ngoài khơi Somalia là một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hải đông đúc nhất thế giới. Mỗi năm, ước tính có khoảng 20.000 tàu chở những mặt hàng như đồ nội thất, quần áo, ngũ cốc và nhiên liệu đi từ Biển Đỏ và kênh đào Suez (tuyến đường biển ngắn nhất nối liền châu Âu và châu Á) đi qua Vịnh Aden.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải quốc tế (IMB), vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2011, cướp biển Somalia đã thực hiện 237 vụ tấn công và bắt giữ hàng trăm con tin. Cùng năm đó, nhóm theo dõi Oceans Beyond Piracy ước tính hoạt động của hải tặc gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 7 tỷ USD, bao gồm hàng trăm triệu USD tiền chuộc.

Các nhà quản lý rủi ro hàng hải và công ty bảo hiểm cho biết, tỷ lệ tấn công hiện tại giảm đáng kể do mục tiêu chính của cướp biển là các tàu nhỏ hơn ở vùng biển ít được tuần tra. Theo dữ liệu của EUNAVFOR, kể từ tháng 11, hải tặc đã thành công chiếm giữ ít nhất 2 tàu chở hàng và 12 tàu đánh cá.

Cuộc tấn công của cướp biển khiến các công ty bảo hiểm phải mở rộng hoạt động áp dụng phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh bổ sung cho tàu thuyền. Phí bảo hiểm này ngày càng đắt đỏ đối với các chuyến đi qua Vịnh Aden và Biển Đỏ, làm tăng thêm hàng trăm nghìn USD cho chi phí của một chuyến đi biển thông thường kéo dài bảy ngày, theo các quan chức ngành bảo hiểm.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với lực lượng an ninh vũ trang tư nhân cũng đang đẩy giá cả lên cao. Các nguồn tin an ninh hàng hải cho biết, trong tháng 2, chi phí để thuê một đội trong ba ngày đã tăng khoảng từ đến 15.000 USD so với 4.000 USD hồi tháng trước đó.

Mặc dù các lực lượng an ninh vũ trang tư nhân không có tác động đáng kể với tên lửa Houthi và máy bay không người lái vũ trang nhưng đã chứng minh được hiệu quả răn đe đối với hoạt động cướp biển.

Tuy chưa có báo cáo nào về tiền chuộc, nhưng kẻ cung cấp tài chính cho cướp biển tự xưng Isse cho biết, từng có một cuộc đàm phán về khoản tiền hàng triệu USD để thả tự do cho tàu Ruen. Người phát ngôn của NAVIBULGAR, công ty Bulgaria quản lý tàu Ruen, cho biết họ không thể đưa ra bình luận về các cuộc đàm phán tiền chuộc nhưng bày tỏ lòng biết ơn đối với Hải quân Ấn Độ vì đã giải thoát các thủy thủ của mình.

Người phát ngôn của SR Shipping, chủ sở hữu tàu Abdullah, cho biết hải tặc đã liên lạc thông qua một bên trung gian nhưng vẫn chưa yêu cầu tiền chuộc từ phía công ty.

Thiếu hụt nguồn lực bảo vệ bờ biển

Các chuyên gia an ninh cho biết, không có bằng chứng cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa lực lượng Houthi và cướp biển Somalia, mặc dù kẻ cung cấp tài chính cho cướp biển Isse nói rằng hải tặc đã lấy ý tưởng từ các cuộc tấn công của nhóm này.

Để đối phó với các cuộc tấn công hơn một thập kỷ trước, công ty vận tải biển đã tăng cường các biện pháp an ninh trên tàu. Ngoài ra, lực lượng hải quân quốc tế tham gia vào các hoạt động do NATO, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ dẫn đầu.

Có tới 20 tàu chiến từ 14 quốc gia khác nhau sẽ tuần tra vào bất kỳ thời điểm tại các tuyến vận chuyển hàng hải ở Vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Nhờ những biện pháp này, các vụ tấn công của cướp biển hầu như bị loại trừ hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo ông John Steed, cựu Giám đốc đơn vị chống cướp biển thuộc Văn phòng Chính trị của Liên hợp quốc tại Somalia, khi mối đe dọa giảm bớt, các nước tham gia vào hoạt động an ninh biển đã cắt giảm số lượng tàu chiến.

EUNAVFOR, Bộ Ngoại giao Mỹ và hải quân Anh từng cam kết hỗ trợ Somalia giải quyết vấn nạn cướp biển. Tuy nhiên, các bên này không phản hồi về việc liệu những hoạt động tuần tra có gây ra áp lực, cũng như họ có cam kết bổ sung thêm nguồn lực hay không.

Ông Steed cho biết một vấn đề khác là nghị quyết của Liên hợp quốc cho phép các tàu nước ngoài tuần tra trong vùng biển Somalia đã hết hiệu lực vào năm 2022.

Theo Tổng thống Mohamud, chìa khóa để giảm thiểu mối đe dọa là tăng cường năng lực thực thi pháp luật của Somalia trên biển và trên đất liền chứ "không phải cử nhiều tàu quốc tế đến đây".

Theo dữ liệu của chính phủ Somalia, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này có 720 thành viên được đào tạo, và chỉ có 1 trong 4 tàu hoạt động hiệu quả. Thủ đô Mogadishu, Puntland và khu vực ly khai Somaliland cũng có lực lượng cảnh sát biển nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế.

(theo Reuters)