Một cảnh trong vở kịch "Hamlet". (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam) |
Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Năm Shakespeare toàn cầu 2016 theo lời mời của Hội biểu diễn nghệ thuật Singapore. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam đưa một vở diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng lưu diễn nước ngoài theo hình thức xã hội hóa.
Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình vào ngày 18/3, ông Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định, việc đưa “Hamlet” công diễn ở nước ngoài sẽ là một cuộc thử sức, tạo sức hút với xã hội để xã hội cùng đồng hành đưa vở diễn đến với khán giả không chỉ trong nước mà quốc tế.
“Bước đầu, chúng tôi sẽ đưa Hamlet đến Singapore từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Về vấn đề ngôn ngữ, Nhà hát sẽ lấy bản gốc tiếng Anh của kịch bản để chạy phụ đề cho lời thoại”, ông Vinh thông tin.
Được biết, chương trình lưu diễn lần này nằm trong chiến lược định hướng phát triển lâu dài của Nhà hát Kịch Việt Nam trên hành trình đi tìm lại giá trị của chính mình, nhằm kéo khán giả trở lại với sân khấu kịch bằng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Đồng thời là sự khởi đầu cho một hành trình mới trên lộ trình xã hội hóa nghệ thuật, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác và tạo dấu ấn trong lòng công chúng khán giả trong và ngoài nước.
Ngoài đêm biểu diễn chính thức tại Nhà hát Victoria – nhà hát cổ điển và lâu đời nhất của đảo quốc sư tử, Nhà hát Kịch Việt Nam còn phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức Chương trình biểu diễn và giao lưu nghệ thuật với sinh viên Việt Nam tại Singapore. Tham gia có nhiều nghệ sỹ tên tuổi trong làng kịch nghệ Việt Nam như NSND Lê Khanh, NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quốc Khánh, NS Phú Đôn, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền…
“Hamlet” là một trong những kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của nhà viết kịch William Shakespeare và là vở bi kịch của hành trình đi tìm sự thật - một sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người.
Vở “Hamlet” phiên bản mới do đạo diễn Anh Tú dàn dựng chính thức ra mắt khán giả Việt Nam vào đầu tháng 11/2015. Vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao bởi vẫn truyền tải được tinh thần thời đại của Shakespeare nhưng vẫn mang dấu ấn của Việt Nam, cách nghĩ, cách nói của người Việt Nam thế kỷ thứ 21. Trong vở diễn, đạo diễn đã lồng ghép năm trò diễn nổi tiếng của làng Xuân Phả (tỉnh Thanh Hóa) để làm tăng tính bi – hài mà không làm phá vỡ cấu trúc của sân khấu chính kịch. Đây cũng là tác phẩm mở màn cho nỗ lực phục dựng hàng loạt vở kinh điển của Nhà hát kịch Việt Nam trong thời gian tới.