Các cầu thủ nhập tịch như Samson (số 39) sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để có cơ hội ra sân. |
Nâng tầm bóng “nội”
Theo quyết định mới được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ ba khóa VII của VFF thì mỗi đội dự V-League mùa giải 2015 sẽ chỉ được sử dụng tối đa hai "ngoại binh" và một cầu thủ nhập tịch trên sân. Quyết định này đang được dư luận đồng tình vì buộc các CLB phải tập trung chú trọng vào việc phát triển cầu thủ nội...
Trước nay, các CLB vẫn có xu hướng nhập tịch cho cầu thủ để có thể bổ sung sức mạnh cho đội bóng một cách nhanh nhất. Có những thời điểm, một số CLB như Sài Gòn Xuân Thành, Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa… đưa hơn năm cầu thủ gốc nước ngoài vào sân cùng một lúc. Chính B. Bình Dương vô địch mùa giải vừa qua cũng sử dụng nhiều "ngoại binh" và cầu thủ nhập tịch chất lượng cao.
Từ mùa giải tới, mỗi đội sẽ có ít nhất tám cầu thủ "thuần Việt" góp mặt trong đội hình xuất phát. Việc hạn chế “ngoại binh” chắc chắn sẽ giúp cho các cầu thủ nội có cơ hội được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
Hơn nữa, các CLB cũng sẽ không phải mất đi nguồn kinh phí đáng kể để lót tay và trả lương cho các "ông tây". Số tiền ấy sẽ được sử dụng để đầu tư, nâng cao chất lượng cho những lứa "măng non" của đội bóng.
Trong một thời gian dài, xu hướng sính ngoại, nhập tịch ồ ạt ở V-League đã làm ảnh hưởng lớn đến màn trình diễn của đội tuyển quốc gia. Quyết định vừa được VFF đưa ra đã ngăn chặn việc "xây nhà từ nóc" tiếp tục diễn ra, qua đó củng cố công tác đào tạo trẻ. Sau thành công của đội tuyển U19 Việt Nam vừa qua, quyết định ấy lại càng nhận được sự ủng hộ của số đông người hâm mộ.
V-League còn hấp dẫn?
Trong quá khứ, ông Henrique Calisto - cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam rất ủng hộ việc các CLB ở V-League tăng cường sử dụng "ngoại binh" chất lượng. Năm 2009, khi CLB Xi măng Hải Phòng mang về cựu danh thủ Denilson, vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã chia sẻ: "Muốn kéo khán giả đến sân, phải có những ngôi sao. Bởi thế, tôi ủng hộ việc các đội bóng giàu tham vọng mang về V-League những cầu thủ đẳng cấp cao để thi đấu. Điều đó chỉ giúp cho giải đấu tăng thêm tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng mỗi trận đấu... Đừng sợ đội tuyển quốc gia sẽ yếu đi... Chỉ có cạnh tranh mới khiến chúng ta trở nên giỏi hơn".
Những năm trước, V-League là giải đấu hàng đầu Đông Nam Á. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của các "ngoại binh" như Huỳnh Kesley, Gaston Melo, Phan Văn Santos, Hoàng Vũ Samson, Christiano... Ngay cả những giải bóng đá hàng đầu thế giới như Premier League hay La Liga, các CLB lớn thường xuyên tung ra sân đội hình với số đông cầu thủ ngoại. Sự cạnh tranh vị trí trong đội hình của các cầu thủ nội và ngoại chính là một yếu tố khiến giải đấu trở nên hấp dẫn.
Theo bảng xếp hạng FIFA, Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 159, kém Việt Nam 24 bậc. Tuy nhiên, ở mùa giải năm nay, giải India Super League (ISL) thu hút sự chú ý đặc biệt của người hâm mộ trên toàn thế giới. Các đội bóng đã đem về những cựu danh thủ như Alessandro Del Piero, David James, Luis García, Robert Pires, David Trezeguet... Sự xuất hiện của những lão tướng ấy kéo hàng trăm ngàn người hâm mộ đến sân mỗi tuần.
Nhìn sang Nhật Bản, dù là giải đấu hấp dẫn nhất nhì châu Á nhưng J-League vẫn luôn tích cực chào đón "ngoại binh" từ khắp nơi. Không chỉ đóng góp vào chuyên môn, các ngôi sao còn góp phần đưa hình ảnh của giải đấu nói chung và CLB nói riêng ra với thế giới. Diego Forlan đầu quân cho Cerezo Osaka hay Lê Công Vinh đến thi đấu cho Consadole Sapporo là những trường hợp như vậy.
Việc hạn chế "ngoại binh" và cầu thủ nhập tịch có khiến đội tuyển quốc gia trở nên mạnh hơn hay không? Đó là câu hỏi còn cần thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, sự giảm sút về chất lượng của V-League chính là điều mà khá nhiều người đang quan ngại. Chất lượng của giải đấu đi xuống, khán giả đến sân ít hơn sẽ khiến nhà tài trợ chẳng còn hứng thú đầu tư. Và cứ thế, sẽ có thêm đội bóng phải ngậm ngùi chia tay giải đấu vì không đủ kinh phí như CLB CS. Đồng Tháp.
Thành Uy