Ảnh minh họa |
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã cảm nhận được sức nóng với những đợt trượt dốc ở mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Hãng Generals Motors (GM) cho biết đã lên kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ an toàn cho các công nhân ở nước này và nhấn mạnh căng thẳng lên cao có thể sẽ khiến họ xem xét chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, Thái Lan và Philippines tuyên bố đã xây dựng kế hoạch di tản khẩn cấp trong trường hợp có tình huống xấu.
Nhà đầu tư lo ngại
Những tuyên bố kiểu chiến tranh là một nhân tố tác động đến thị trường chứng khoán của Hàn Quốc trong nhiều thập niên qua. Hiện thị trường chứng khoán Hàn Quốc lao dốc do các nhà đầu tư ồ ạt bán ra vì lo ngại căng thẳng với Bình Nhưỡng. Đồng won của Hàn Quốc cũng rớt giá so với USD. Trong cuộc phỏng vấn trên CNBC, CEO của GM - Dan Akerson nói: "Nếu có điều gì xảy ra ở Triều Tiên, nó sẽ ảnh hưởng toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi chứ không chỉ GM".
Một thử thách quan trọng với Hàn Quốc là liệu Triều Tiên có đóng cửa khu công nghiệp chung ở thị trấn Kaesong thuộc lãnh thổ miền Bắc hay không. Khu phức hợp là nơi các ông chủ miền Nam có thể tận dụng lao động giá rẻ của miền Bắc, trong khi là nguồn ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng và là biểu tượng lớn nhất về sự hợp tác giữa 2 miền. Đợt phong tỏa kéo dài nhất từ trước đến nay đã khiến 123 nhà máy của Hàn Quốc ở đây cạn kiệt nguyên liệu, ít nhất 4 nhà máy tạm ngừng sản xuất. Khu công nghiệp Kaesong (KCN) đã tồn tại bất chấp hàng chục lần căng thẳng liên Triều leo thang. Và từ trước đến nay, các quan chức Seoul thường đưa KCN này ra để khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Bình Nhưỡng chỉ mạnh miệng chứ không mạnh tay. Tuy vậy, nguy cơ đóng cửa KCN sẽ làm xói mòn niềm tin các nhà đầu tư.
Trong báo cáo "Global Political Insights" công bố mới đây, Citi Research cho rằng "miệng hố chiến tranh của Triều Tiên sẽ không tác động đến các nền tảng kinh tế của Hàn Quốc". Còn Lee Beom-ho - một nhà phân tích của Shinhan Investment Corp., cho biết: "Thường thị trường có khuynh hướng phớt lờ chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên, nhưng lần này những mục tiêu đe dọa của Triều Tiên đã mở rộng, như kế hoạch tấn công Hoa Kỳ và đồng minh, khiến cộng đồng quốc tế nhạy cảm hơn. Cùng lúc, có nghi ngờ về những nước có khả năng ngăn chặn Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc".
Như vậy, dù người Hàn Quốc đã quá quen thuộc với những đe dọa của miền Bắc từ hàng thập niên qua, nhưng họ tin rằng một khi căng thẳng với Triều Tiên leo thang, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ thiệt hại nặng hơn miền Bắc do mức độ toàn cầu hóa cao hơn gấp nhiều lần.
Thiệt hại trong cuộc chiến "bất đối xứng"
Theo Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc - Choo Kyung-ho: "Trước đây, các căng thẳng liên quan đến Bắc Triều Tiên tác động rất ít hoặc thị trường sẽ hồi phục khá nhanh. Nhưng những đe dọa từ Bắc Triều Tiền lần này mạnh mẽ hơn và ảnh hưởng của nó có thể sẽ không nhanh chóng biến mất".
Thế nhưng, tình hình căng thẳng hiện nay đã tạo ra cho nước này thêm một thách thức vào thời điểm không thích hợp. Năm 2011, tăng trưởng của Hàn Quốc rơi xuống chỉ còn 3,6% từ mức 6,2% năm trước và tiếp tục duy trì mức thấp này vào năm ngoái. Seoul mới đây đã hạ dự kiến tăng trưởng từ 3% xuống còn 2,3% cho năm nay.
"Triều Tiên đang sử dụng chiến thuật cực đoan hóa trong công tác tuyên truyền để làm hỏng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc" - theo Tom Coyner, một thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc. "Về mặt này, họ đang chiến thắng trong cuộc chiến tranh phi đối xứng".
Minh Anh (Theo NYT)