TIN LIÊN QUAN | |
Cơ hội kết nối giao thương Việt Nam - Hàn Quốc | |
VKFTA: Muốn chinh phục, phải am hiểu thị trường |
Những cái tên làm nên "phép màu"
Nhắc tới dấu ấn về đầu tư của Hàn Quốc, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Samsung – “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử - viễn thông. Sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, năm 2017, Samsung đã nâng tổng vốn đầu tư lên trên 17,4 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 54 tỷ USD. Cái tên Samsung cũng là dẫn chứng sinh động nhất cho mối quan hệ hợp tác kinh tế thành công Việt Nam – Hàn Quốc, là một yếu tố góp phần nên “phép màu Việt Nam – Hàn Quốc”.
Ngoài cái tên Samsung, thời gian trở lại đây, cùng với mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đang ngày càng tốt đẹp, rất nhiều cái tên mới của Hàn Quốc cũng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, đến từ rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề đa dạng. Đó là “người anh em” CJ – ông chủ hệ thống rạp chiếu phim CGV trải rộng từ Bắc đến Nam, KEB Hana (lĩnh vực ngân hàng), Tập đoàn Lotte (lĩnh vực bán lẻ), Taekwang (lĩnh vực sản xuất giày thể thao, năng lượng, công nghiệp hóa chất), Doosan Vina (lĩnh vực công nghiệp nặng)…
Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên. (Nguồn: Samsung Vietnam) |
Không chỉ dừng lại ở đầu tư trực tiếp như trước đây, nhiều tập đoàn, công ty Hàn Quốc đã lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo con đường góp vốn, mua cổ phẩn. Đơn cử như Công ty Quản lý tài sản Mirae Asset Global Investments, thành viên của Tập đoàn tài chính Mirae Asset Financial Group dự định mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Tín Phát, sau đó bán 30% cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thành lập một liên doanh tại Việt Nam. Hay trường hợp của Samsung Securities cùng Caldera Pacific, một quỹ đầu tư tư nhân của Hồng Kông sẽ trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai khi nắm 40% vốn tại Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, trong đó Samsung Securities nắm 10% vốn.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc vào năm ngoái, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2015. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã tăng 46,3% so với năm trước, lên 47,7 tỷ USD, nhập khẩu từ nước này đã tăng 20,8% lên 16,1 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 2/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Hàn Quốc là 58,8 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Rất nhiều công ty lớn của Hàn Quốc trong danh sách Fortune 500 như Samsung, LG, GS, Posco, Huyndai, SK…đều đã có mặt tại Việt Nam.
Đi sâu, trải rộng trên nhiều địa phương
Ngoài các cứ điểm sản xuất của Samsung như Thái Nguyên, Bắc Ninh và những đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… có thể thấy dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đang trải rộng trên nhiều địa phương như Bình Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Hải Phòng…
Theo ông Hong Sun – Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), các doanh nghiệp Hàn Quốc giờ đây không chỉ quan tâm đầu tư vào các thành phố lớn, nơi có đường sá thuận lợi như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… mà bắt đầu có xu thế quan tâm đầu tư vào các tỉnh, thậm chí là các tỉnh vùng núi như Yên Bái, Tuyên Quang…
Là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được nhiều doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn, Hà Nội cũng là một trong những địa điểm được doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện và minh bạch.
Hà Nội là một trong những đô thị được nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc lựa chọn. (Nguồn: Zing) |
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức chiều ngày 23/3 nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Moon Jae – in tới Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Hà Nội cho thấy, có 43% doanh nghiệp Hàn Quốc có ý định tăng quy mô kinh doanh tại Hà Nội. Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai (sau Nhật Bản) về đầu tư vào Hà Nội với 1.175 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,033 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đến Hà Nội là không nhỏ và có xu hướng tăng lên trong tương lai.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định Hà Nội xác định “Hàn Quốc là đối tác trọng điểm”. Thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp để bảo đảm tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng trên tinh thần hoạt động hiệu quả, ổn định, lâu dài, hai bên cùng có lợi.
“Hà Nội luôn chú trọng cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện. Đặc biệt chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và thực thi những cam kết quốc tế để doanh nghiệp Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận thị trường, cũng như các dự án đầu tư tiềm năng tại Hà Nội”, ông Quyền cho biết.
Hàn Quốc dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam Tính đến hết năm 2016, đầu tư của các công ty nước này vào Việt Nam đã vượt mốc 50 tỷ USD, đưa Hàn Quốc ... |
"Mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc hiếm có trong quan hệ quốc tế" Chiều 25/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung ... |
Khánh thành Trung tâm hỗ trợ FTA Việt Nam – Hàn Quốc Trung tâm được kỳ vọng là nơi hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng linh hoạt FTA Việt Nam – Hàn Quốc để tạo đà tăng ... |