📞

Hàn Quốc: Những khoảng trống quyền lực

08:00 | 03/11/2016
Bê bối chính trị xung quanh người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye đã khiến chính trường Hàn Quốc chệch hướng và báo hiệu một sự thay đổi lớn. 

Bê bối này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 12/2017. Bà Choi Sun-sil, người gọi Tổng thống Park là “chị gái” bởi tình bạn thân thiết của 2 người trong nhiều thập kỷ, đã bị các công tố viên bắt giữ khẩn cấp hôm 1/11 bởi các cáo buộc can thiệp vào công việc nhà nước và tư hữu hóa hai quỹ phi lợi nhuận.

Người phụ nữ 60 tuổi này bị tình nghi đã biên tập các bài phát biểu quan trọng nhất của Tổng thống, trong đó có Tuyên bố Dresden đưa ra tại Đức năm 2014 đề cập đến viễn cảnh tái thống nhất với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bà Choi còn phạm phải các tội như can thiệp vào việc bổ nhiệm các bộ trưởng, đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong, tư hữu hóa 2 quỹ phi lợi nhuận và gây sức ép với một trường đại học danh tiếng để con gái bà được đối đãi đặc biệt.

Mỗi ngày trôi qua lại có thêm những cáo buộc mới về hành vi phạm pháp của bà Choi. Các tổ chức sinh viên và giáo sư ở các trường đại học cũng như các nhà hoạt động của các tổ chức dân sự đã tập hợp và tổ chức họp báo trên toàn quốc để phản đối Tổng thống Park và người bạn thân của bà bị nghi ngờ đã tìm cách gây ảnh hưởng và giật dây ở hậu trường.

Tổng thống Park Geun-hye. (Nguồn: BBC) 

Chính trường rối loạn và xáo trộn

Trong bối cảnh hàng chục nghìn người biểu tình giận dữ đổ ra khắp đường phố thủ đô Seoul và các thành phố lớn trên cả nước tối 29/11, Tổng thống Park đã cải tổ ban phụ tá của bà hôm 30/10 với việc chấp thuận đơn từ chức của các cố vấn cấp cao.

Trong số những người từ chức có 3 phụ tá thân cận nhất của bà Park. Họ từng làm việc chung với bà kể từ năm 1998 khi bà bước vào chính trường Hàn Quốc với vai trò nghị sĩ đảng Quốc đại, tiền thân của đảng Saenuri cầm quyền hiện nay. Một trong 3 phụ tá này bị tình nghi đã mang bản sao các tài liệu tuyệt mật của tổng thống cho bà Choi xem hàng ngày, bao gồm kế hoạch chuyến công du nước ngoài của bà Park và các liên lạc quân sự bí mật với Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak.

Danh sách từ chức cũng bao gồm cố vấn cấp cao của tổng thống phụ trách điều phối chính sách, người bị cáo buộc gây sức ép buộc các tập đoàn ủng hộ hàng chục triệu USD cho các quỹ mà bà Choi kiểm soát, cũng như thư ký cấp cao phụ trách vấn đề dân sự có nhiệm vụ giám sát các công tố viên, cảnh sát và cơ quan tình báo. Chánh văn phòng Nhà Xanh và thư ký báo chí của Tổng thống Park cũng xin từ chức, cùng cố vấn cấp cao về vấn đề chính trị, người có nhiệm vụ liên lạc với các đảng chính trị khác.

Khoảng trống quyền lực được tạo ra sau một loạt vụ từ chức của các cố vấn và vụ bắt giữ bà Choi. Bà Park đã bổ nhiệm 2 người mới vào vị trí cố vấn cấp cao về vấn đề dân sự và thư ký báo chí.

Biểu tình tại Seoul phản đối Tổng thống Park. (Nguồn: BBC)

Ảnh hưởng cuộc bầu cử 2017

Vụ bê bối của Tổng thống Park đã đẩy đảng Saenuri theo quan điểm bảo thủ của bà vào tình trạng rối loạn và gây xáo trộn chính trường Hàn Quốc trước năm bầu cử 2017. Theo điều tra của hãng thăm dò dư luận Realmeter, mức độ tín nhiệm của bà Park đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 17,5%.

Phe đối lập đang hành động một cách cẩn trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng liên quan đến bà Choi Sun-sil nổ ra. Họ đã cố kiềm chế để không đặt ra yêu cầu Tổng thống từ chức hay đưa ra ý tưởng về vụ luận tội. Nếu bà Park từ chức, theo luật pháp, một cuộc bầu cử sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Giới phân tích cho rằng phe đối lập chưa sẵn sàng để đối đầu với đảng cầm quyền trong cuộc “so găng” sớm như vậy. Người thắng cuộc sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thống nhiệm kỳ 5 năm. Kim Man-heum, Giám đốc Học viện Chính trị và Lãnh đạo Hàn Quốc, nói: “Nếu bà Park từ chức, điều này sẽ khiến mọi người nổi giận bởi họ đã chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử 'hoành tráng' trong năm tới”.

Tuần trước, bà Park lại đề xuất thay đổi Hiến pháp để cho phép tổng thống có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ hoặc thiết lập hệ thống quốc hội. Tổng thống Hàn Quốc hiện chỉ được đảm nhiệm nhiệm kỳ 5 năm duy nhất và bổ nhiệm một Thủ tướng chủ yếu phụ trách công việc hành chính. Việc thay đổi này bị các nhà chỉ trích cho là sẽ trao quá nhiều quyền lực cho tổng thống. Theo luật hiện hành, bà Park sẽ không thể ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 2 cho dù Hiến pháp được sửa đổi thành công. 

(theo TTXVN, Reuters)