Nhà lãnh đạo lâm thời của đảng trên, ông In Myung-jin nói: “Đảng Hàn Quốc Tự do đã tạo ra chính phủ của bà Park Geun-hye. Đây đã là đảng cầm quyền và là đối tác trong các công việc nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là đảng cầm quyền, cũng như không bảo vệ được phẩm giá và niềm tự hào của Hàn Quốc vốn được người dân xây đắp”. Ông In Myung-jin nói thêm rằng đảng của ông chia sẻ trách nhiệm về những hậu quả của việc này.
Về phần phe đối lập, Đảng Dân chủ cho rằng sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết phế truất bà Park, cần phải ngừng ngay lập tức các chính sách an ninh và ngoại giao gây tranh cãi do bà Park thúc đẩy, đồng thời các bên cần chung sức khôi phục giá trị hiến pháp và đưa các công việc nhà nước trở lại bình thường.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cúi chào trong một bài diễn văn trước quốc hội, tại Nhà Xanh, ngày 29/11/2016. (Nguồn: Reuters) |
Nghị sỹ Park Jie-won lãnh đạo đảng Nhân dân đối lập đã hoan nghênh quyết định của tòa án, cho rằng đây là kết quả của cuộc cách mạng dân sự của người dân Hàn Quốc.
Đảng Bareun cũng ca ngợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp là bước khởi đầu của một phần mới trong lịch sử Hàn Quốc, đồng thời cho thấy đảng này đã đúng khi quyết định tách khỏi đảng Hàn Quốc Tự do sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến bà Park.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách liên Triều vì sự thống nhất hòa bình, bất chấp việc Tòa án Hiến pháp quyết định tán thành luận tội Tổng thống Park. Một quan chức của bộ trên khẳng định dù bà Park đã bị phế truất theo phán quyết của tòa, nhưng bộ này vẫn dự định tiếp tục kiên định theo đuổi các chính sách đối với Triều Tiên và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, theo quan chức này, Chính phủ Hàn Quốc có thể xem xét lại chính sách liên Triều của bà Park và thảo luận cách điều chỉnh.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin trong bối cảnh Tòa án Hiến pháp ra phán quyết phế truất Tổng thống Park, quân đội Hàn Quốc đã chỉ thị các binh sĩ ở trong tình trạng báo động cao đề phòng Triều Tiên có hành vi khiêu khích. Một quan chức quân đội cho biết Bộ Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã chỉ thị toàn thể quân nhân nâng cao cảnh giác và tăng cường giám sát các động thái của Triều Tiên. Giới quan sát nhận định hiện quân đội Triều Tiên chưa có phản ứng bất thường nào đối với tình hình chính trị tại Hàn Quốc.
Yonhap cũng dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc Yim Jong-yong nhận định việc Tổng thống Park bị phế truất sẽ không tác động đến sự ổn định của các thị trường tài chính, đồng thời cho biết ủy ban này đã thực hiện đủ các biện pháp chuẩn bị để đối phó với việc này.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết lãnh đạo của ngân hàng này sẽ họp khẩn vào chiều 10/3 thảo luận về phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Theo Yonhap, tất cả 8 thẩm phán thuộc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã bỏ phiếu nhất trí thông qua việc Quốc hội luận tội và phế truất Tổng thống Park. Sau khi tòa trên công bố phán quyết, Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực do những hành vi của bà Park là nghiêm trọng, trong khi lợi ích của việc bảo vệ Hiến pháp bằng cách phế truất bà là cực kỳ lớn.
Tin cho biết trong số những nội dung luận tội của Quốc hội đối với bà Park, Tòa án Hiến pháp tán thành cáo buộc rằng việc bà để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil can thiệp vào công việc của nhà nước là hành động phi pháp. Tuy nhiên, tòa bác bỏ những cáo buộc khác về việc bà lạm dụng quyền để bổ nhiệm các quan chức của chính phủ do thiếu bằng chứng. Về cáo buộc bà Park sao nhãng trách nhiệm trong vụ chìm phà năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng, chánh án Lee nói cáo buộc này không đủ để tòa thảo luận.
Phản ứng về động thái trên tại Hàn Quốc, Mỹ bày tỏ mong đợi mối quan hệ hiệu quả với tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc nhấn mạnh: "Mỹ tiếp tục là đồng minh, người bạn và đối tác vững chắc của Hàn Quốc... việc người dân Hàn Quốc đưa ra quyết định thông qua tiến trình dân chủ là một vấn đề nội bộ và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ". Hiện Mỹ hiện có 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp với tác Hàn Quốc
Trả lời báo giới ngay sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc công bố phán quyết trên, ông Kishida cho rằng Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác với chính phủ mới của Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực. Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh: “Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng, chia sẻ những lợi ích chiến lược với nước chúng tôi. Về vấn đề Triều Tiên, sự hợp tác và phối hợp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có vai trò quan trọng đối với ổn định và hòa bình trong khu vực”.