📞

Hàng loạt quy định mới về tuyển dụng công chức, viên chức

15:21 | 07/02/2019
Từ năm 2019, việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức sẽ có đổi mới cả về nội dung, hình thức và quy trình nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. 

Đây là những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực từ ngày 15/1/2019).

Nghị định này đã kịp thời thể chế hóa một số giải pháp được đề ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; đồng thời đã nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, làm rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm mặt bằng chung về trình độ, năng lực của công chức giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch, thi thăng hạng…

Tổ chức thi tuyển 2 vòng

Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Nghị định bổ sung quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.

Quy định này để bảo đảm phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục đại học về việc không quy định phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng chứng chỉ, cơ sở đào tạo.

Đáng chú ý, Nghị định sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Theo đó, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng, vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng thi trên máy; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thời báo Tài chính)

Đồng thời, quy định cụ thể thời hạn để tiến hành các bước trong tổ chức tuyển dụng theo hướng rút gọn thời gian, đơn giản thủ tục hành chính.

Việc thi nâng ngạch công chức cũng tổ chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục, thực hiện theo 2 vòng tương tự như thi tuyển công chức.

Phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền; Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương chỉ chủ trì tổ chức thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp.

Đơn giản quy trình tuyển dụng đặc cách

Chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức.

Trường hợp tuyển dụng đặc cách sẽ theo hướng quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và phân cấp thẩm quyền cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện (không phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương như trước đây).

Quy định cụ thể về việc không phải thực hiện quy trình tuyển dụng đối với trường hợp đã là cán bộ, công chức sau đó được điều động, luân chuyển sang các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, nay cơ quan có thẩm quyền có nhu cầu điều động, tiếp nhận trở lại.

Trong trường hợp trúng tuyển, thời gian tập sự sẽ phù hợp với trình độ đào tạo của viên chức để bảo đảm sự thống nhất giữa các lĩnh vực sự nghiệp.

Thời gian tập sự là 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học (riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 9 tháng), 9 tháng đối với trình độ đào tạo cao đẳng và 6 tháng đối với trình độ đào tạo trung cấp.

Gỡ vướng quy định thôi việc đối với viên chức

Nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức trong thời gian qua, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định không thực hiện chế độ thôi việc đối với trường hợp viên chức trong 2 trường hợp sau:

- Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.

- Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cũng phân cấp nội dung quản lý về vị trí việc làm đối với công chức, viên chức cho phù hợp quy định của Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Nghị quyết 21/NQ-CP theo hướng giao các bộ, ngành, địa phương quyết định danh mục và số lượng vị trí việc làm đối với công chức, viên chức.

Thực hiện phân cấp cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh) ban hành các quyết định cá biệt về bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức, viên chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương sau khi có ý kiến thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện của Bộ Nội vụ (đối với các cơ quan Nhà nước) hoặc Ban Tổ chức Trung ương (đối với các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội).

Nghị định bổ sung quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét, quyết định việc ký tiếp hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức sau khi thực hiện xong hợp đồng làm việc lần đầu để thực hiện chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW về việc ký hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức mới được tuyển dụng (trừ trường hợp được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Ngoài ra, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định 68/2000/NĐ-CP cho phù hợp tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp).

Theo đó, Nghị định quy định không áp dụng chế độ công chức đối với lái xe Bộ trưởng hoặc tương đương, không được ký hợp đồng lao động để làm các công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

(theo VGP News)