Trung vệ Ngọc Anh thay mặt đội nhận thưởng từ VFF. |
VFF đã rất khéo khi chọn thời điểm trước thềm kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) để trao thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ vào sáng ngày 16/10. Tuy không nói ra, nhưng thầy trò HLV Mai Đức Chung tỏ ra rất hạnh phúc và còn muốn VFF sẽ khéo hơn nữa trong chiến lược phát triển bóng đá nữ trong tương lai.
Chứng kiến tinh thần thi đấu của các tuyển thủ nữ tại SEA Games, giải vô địch Đông Nam Á hay ASIAD, nhiều người hâm mộ khâm phục một, thì khi tiếp xúc với các em ngoài đời, những nụ cười tươi trong sáng của họ, tất cả còn cảm phục mười. Người ta không hề nghe được lời trách móc, ca thán nào, thay vào đó là nụ cười vui vẻ, hồn nhiên và vô tư rất dễ thương.
Ở độ tuổi xấp xỉ 30, hẳn nhiều các bạn nữ khác đã khá chín chắn rồi, nhưng với tiền đạo Minh Nguyệt và trung vệ Ngọc Anh – hai tuyển thủ gạo cội của bóng đá nữ Việt Nam, dường như các em vẫn vô tư và hồn nhiên lắm!
Tiền đạo Minh Nguyệt thay mặt đội nhận thưởng từ UBND TP Hà Nội. |
Hãy nghe tâm sự của Minh Nguyệt tại lễ nhận thưởng: “Em cảm thấy vui và hạnh phúc lắm. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển nữ Việt Nam đã lọt vào đến …tứ kết một kỳ Á vận hội!”.
Thực tế thì tuyển nữ Việt Nam đã đánh bại kình địch Thái Lan ở tứ kết để vào vòng bán kết, tức là vòng bốn đội mạnh nhất. Nhưng có lẽ vì hồi hộp và xúc động nên khi bị cánh phóng viên vây quanh, Minh Nguyệt đã quên mất là đội nhà đã vào bán kết. Rất có thể, khi lên đường sang Incheon, tất cả chỉ nghĩ tới cái đích tứ kết, bởi từ trước tới nay, tại Asian Games bóng đá nữ Việt Nam luôn phải dừng bước ngay sau vòng bảng.
Sau khi Minh Nguyệt “mắc lỗi” khi trả lời phỏng vấn, thì đến lượt trung vệ kỳ cựu Ngọc Anh cũng tiếp tục khiến giới truyền thông ngỡ ngàng. Trước câu hỏi: “Ngọc Anh nghĩ sao về số tiền thưởng mà VFF và UBND TP Hà Nội dành cho đội tuyển vì thành tích vào tới bán kết môn bóng đá nữ ASIAD 2014 và về câu chuyện bóng đá nữ lâu nay không được quan tâm bằng bóng đá nam?”, Ngọc Anh mỉm cười và nói rất khẽ: “Em thấy cũng... bình thường. Được như bây giờ so với các chị thời trước là khá lắm rồi. Em thấy lương và chế độ của bọn em cũng... khá cao đấy chứ. Khi làm được điều gì tốt thì được thưởng, điều đó là đương nhiên. Còn khi không làm được thì bằng lòng với những gì mình đang có thôi”.
Những tâm sự của Minh Nguyệt và Ngọc Anh làm chúng ta xúc động và có lẽ giúp nhiều người tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: Không hiểu tại sao ở các kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục (và cả thế giới), dù khó khăn và thiệt thòi hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam, nhưng các cô gái của chúng ta vẫn đóng góp nhiều huy chương hơn các VĐV nam và bóng đá nam thì bao năm nay cứ đì đẹt ở “vùng trũng”, còn bóng đá nữ đã định danh “ngôi hậu” từ lâu.
Và giá như bóng đá nữ cũng có được một mạnh thường quân như bầu Đức và ai cũng hiểu và cảm thông với chị em như HLV Mai Đức Chung: “Số tiền thưởng cho thành tích lọt vào bán kết ASIAD là vô cùng quý báu với các nữ tuyển thủ. Tôi biết, hoàn cảnh của các em khó khăn lắm”.
AN TÂM