Hình ảnh Quảng Ninh sau 35 năm đổi mới. (Nguồn: BQN) |
35 năm không ngừng nỗ lực
Công cuộc đổi mới tại tỉnh Quảng Ninh là quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh.
Trong suốt 35 năm qua, Quảng Ninh coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; xuất phát từ thực tiễn để đổi mới tư duy, nhận thức; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Qua đó, giúp hạn chế những sai lầm có thể gặp phải, không ngừng bổ sung, hoàn thiện những khuyết thiếu, gia tăng hàm lượng khoa học, cơ sở thực tiễn trong các quyết sách của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh. Mỗi kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh đều đánh dấu một bước tiến trong nhận thức lý luận và hành động thực tiễn.
Từ những năm đầu đổi mới, toàn Đảng bộ tập trung nghiên cứu, phân tích, nhận thức đúng đắn những ưu điểm, hạn chế, yếu kém trên mọi lĩnh vực, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan, như tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí quyết tâm đổi mới... Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là các mục tiêu về ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng...
Quảng Ninh cũng đã triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng một cách sáng tạo, trở thành điểm sáng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đột phá về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; thực hiện nhất thể hóa chức danh và hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy Đảng và chính quyền, đem lại sự cải thiện rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở và đóng góp tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, lan tỏa trong cả nước. Từ đây, nguồn lực con người được khơi thông và được khẳng định qua chính kết quả phát triển kinh tế-xã hội ngày càng toàn diện của tỉnh.
Kể từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (tháng 10/1986), Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện cho mình ý chí chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì lợi ích của cách mạng, đức tính tiền phong, gương mẫu, lòng trung thực, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nói đi đôi với làm... Đồng thời, trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, tỉnh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ - nhân tố quan trọng và là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tỉnh ủy dành nhiều tâm huyết đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ, trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới tại Quảng Ninh.
Gần đây nhất, Nghị quyết chuyên đề số 19- NQ/TU, ngày 3/3/2015 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Thực hiện Nghị quyết, Quảng Ninh đã triển khai các mô hình hiệu quả như: Chính quyền điện tử; mô hình Trung tâm hành chính công tiến tới xây dựng chính quyền số; xây dựng Đề án Khu kinh tế Vân Đồn hướng tới là Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...
Nghị quyết được đánh giá là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW càng khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, là cơ sở chính trị vững chắc để tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn.
Nhiều khu đô thị sang trọng đã "mọc" lên ở Quảng Ninh. Hình ảnh Khu đô thị Phương Đông được ví như “thành phố không ngủ”, biểu tượng giải trí về đêm mới ở Quảng Ninh.(Nguồn: BQN) |
Thu về nhiều "trái ngọt"
Song hành cùng hành trình đổi mới của đất nước, Quảng Ninh đã chứng tỏ tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn và liên tục đổi mới để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển vùng Đông Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Nhiều mô hình được tỉnh đưa vào thí điểm đã mang lại hiệu quả, góp phần làm tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, nhân rộng trong cả nước. Điển hình như mô hình vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ. Trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả (tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách: Năm 2015 là 52,6%; năm 2016 là 64,96%; năm 2017 là 66,7%; năm 2018 là 66,6%; năm 2019 đạt 61%).
Không chỉ thế, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của Tỉnh tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội được coi là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trong cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, đi đầu, sáng tạo, đột phá thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là một trong số ít các địa phương trong cả nước hiện nay có các chỉ số do các tổ chức, cơ quan uy tín trong nước và quốc tế đánh giá như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), PAR Index, SIPAS, PAPI… đều đạt thành tích cao. Trong đó, các chỉ số PCI, PAR Index liên tiếp dẫn đầu trong nhiều năm.
Kinh tế của tỉnh cũng "gặt hái" được nhiều trái ngọt. 15 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn đạt tốc độ cao, bình quân giai đoạn 1991 - 2000 đạt 10,9%, giai đoạn 2005 - 2010 đạt 13%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,3 %, năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 12,1%, vượt chỉ tiêu đề ra và cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tổng sản phẩm bình quân đầu người gấp đôi bình quân chung cả nước.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn được chăm lo đảm bảo. Với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng trong suốt 35 năm qua, Quảng Ninh đang đến gần hơn với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế.