📞

Hành trình tìm nguồn cội của những đứa trẻ mồ côi

17:38 | 05/05/2008
Số phận run rủi khiến nhiều sinh linh thơ dại thiếu tình cảm, sự chăm nom của người thân phải đến nương náu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum. Càng khôn lớn, quê hương, họ hàng, gốc gác gia đình càng đau đáu trong các em…

Quê hương trong giấc ngủ em mơ

Ngày 18/6/2000, Bộ đội Biên phòng Kon Tum khu vực cửa khẩu Bờ Y-Ngọc Hồi phát hiện một người đàn bà dắt theo 3 đứa trẻ vào khu vực biên giới. Kiểm tra giấy tờ tùy thân thấy bà ta không có gì, trong số này một đứa trẻ nằng nặc rằng bà ấy không phải mẹ ruột của mình.

Các chiến sĩ Biên phòng sau khi xác minh nhân thân, giữ em bé này lại, trục xuất bà và 2 đứa trẻ còn lại ra khỏi khu vực biên giới. Đứa trẻ tầm 6 tuổi được đặt tên là Lê Thị Duyên làm giấy khai sinh xong giao về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Kon Tum nuôi dưỡng.

Mùa hè năm 2003, Trung tâm tổ chức cho các cháu đi tham quan Đà Lạt. Trên đường về theo quốc lộ 27 từ huyện Lăk về Buôn Ma Thuột qua Kim Châu nhìn cảnh vật bên đường bỗng dưng Duyên nói với cô bảo mẫu bên cạnh: “Cô ơi nhìn cảnh vật sao cháu thấy quen lắm, hình như quê của cháu!”.

Chuyến xe đông người không thể dừng để đứa trẻ 10 tuổi như em nhận diện quê hương còn mơ hồ trong tiềm thức. Từ đó Duyên thường tâm sự với các cô ở Trung tâm BTXH Kon Tum rằng em ước ao có ngày trở lại nơi ấy tìm dấu tích người thân. Hè năm 2006 theo nguyện vọng của bé, cán bộ nhân viên của Trung tâm đã đưa em về vùng này tìm song không ra.

Ông Phạm Châu Tuệ - Giám đốc Trung tâm cho biết, bé Duyên học giỏi, chăm ngoan, hoạt động phong trào nhà trường, của Trung tâm đều sôi nổi. Tuy nhiên, những ký ức về tuổi thơ, về người thân vẫn không phai mờ trong tâm trí bé. Càng lớn nỗi nhớ quê hương, người thân càng giày vò Duyên.

Chị Nguyễn Thị Tình - Trưởng phòng quản lý chăm sóc của Trung tâm kể với chúng tôi: Gần Tết Mậu Tý đêm nào Duyên cũng khóc, bảo đau đầu. Các cô dỗ dành, đưa khám bác sĩ không tìm ra nguyên nhân.

Dường như không khí đón Tết của bạn bè cùng lớp 8, của bà con quanh nơi cư trú, những cảnh đoàn tụ gia đình trong ba ngày Tết tác động mạnh đến em. Duyên nài nỉ nhà trường cho em trở lại con đường từ huyện Lăk về Buôn Ma Thuột để em tìm dấu vết quê hương. Cô Tình đích thân dẫn em đi tìm gia đình.

Chuyến xe đò Kon Tum- Đăk Lăk đưa 2 cô cháu đến Buôn Ma Thuột. Từ đây 2 người đón xe thồ đi dọc gần 60 km tuyến quốc lộ 27 nối Buôn Ma Thuột với Lăk qua huyện Krông Ana. Đi 1 vòng xuống, Duyên chưa nhận ra được điều gì, đến Lăk cô cháu quặt lên. Đoạn qua chợ Kim Châu bỗng em reo lên: Chỗ này trông quen lắm, dường như mẹ đã dẫn Duyên qua nơi đây.

Ngày đó em mới 6-7 tuổi, thời gian đã gần chục năm, cảnh vật thay đổi nhiều. Cô Tình dừng lại hỏi một người chạy xe ôm nơi đây, vùng nào nhiều người Sán Dìu sinh sống hãy đưa hai người tới. Bác xe ôm đưa qua nhiều buôn làng cả buổi chiều vẫn không ai nhận ra cô bé này là người thân, họ hàng của họ.

Trời sâm sẩm tối, 2 cô cháu tìm đến UBND xã Ea Hu nhờ tá túc qua đêm và hỏi thêm tình hình. Trưởng công an xã Ea Hu sau khi nghe trình bày bảo: Còn một làng 100% người Sán Dìu di cư tự do vào đây 20 năm nay, song ở rất sâu trong rừng, cách UBND xã hơn 10 km, đường nhiều đoạn rất xấu.

Cô Tình và bé Duyên lại lên đường, đến nơi đã gần 9 giờ đêm. Hỏi về trường hợp mẹ con cháu bé này, không ai nhớ rõ. Đến khi có một cụ già gần 90 tuổi nhìn kỹ bé Duyên ông đã nhận ra cô bé này, bởi hơn 15 năm trước ông đỡ đẻ cho cháu!

Mẹ của Duyên là Trần Thị Mơ (sinh 1964) đã có chồng ở quê Sơn Động - Hà Bắc năm 1989 bỏ chồng dắt theo 1 đứa con vào đây lấy chồng khác là Trương Văn Nhàu và sinh ra Duyên. Song năm 1992 bà lại chia tay người chồng mới, dắt 2 con trở về quê Lệ Viễn, Sơn Động.

Năm 1994 bà trở lại Ea Hu mục đích đoàn tụ với chồng song anh Nhàu đã sang Đức Cơ-Gia Lai làm ăn và có vợ khác. Bà Mơ-mẹ ruột của Duyên không nhà cửa, ruộng rẫy, người thân, dắt các con sống lang thang nay đây mai đó, xin ăn.

Trong thời gian này, Mơ đẻ thêm 2 bé nữa và sử dụng chúng làm phương tiện ăn xin. Đứa con gái đầu đã lớn bà bán nó cho 1 gia đình người Ê Đê trong vùng. Nghe tin biên giới bán được trẻ em với giá cao nên bà lần tìm lên Bờ Y. Lo sợ mẹ bán tiếp mình nên khi gặp các chiến sĩ bộ đội Biên phòng Duyên đã không nhận đó là mẹ mình để được cứu thoát. Còn số phận mẹ ruột và 2 đứa em Duyên đến nay thế nào người dân trong vùng không ai rõ.

Tại ngôi làng này còn người bác ruột và bác họ của Duyên. Trước khi đến đây em nói với cô Tình: Cháu gặp được người thân dù thế nào cháu cũng ở với họ. Khi gặp được bác ruột rồi lòng em lại phân vân.

Bác bảo: Gia cảnh bác cũng hết sức khó khăn, con đông. Bố cháu đang sống ở Đức Cơ cũng có tới 4 người con, điều kiện kinh tế hết sức khó. Trung tâm đang nuôi dưỡng cháu rất tốt vậy cháu nên trở lại đó.

Giấc mơ tìm ra người họ hàng, quê hương bản quán của Duyên đã được toại nguyện. Trở về với Trung tâm BTXH Kon Tum, Duyên được cha ruột tìm đến thăm vài lần. Từ những kết nối của ông, dì ruột cháu ở Sơn Động, Hà Bắc nhận em về nuôi. Ngày 21/3/2008 khi chúng tôi có mặt ở Trung tâm BTXH Kon Tum em đã rời nơi này hơn 2 tuần, hồ sơ chuyển trường cho em cô Lan - Phó Giám đốc Trung tâm mới ký xong ngày hôm qua.

Người ruột thịt đó có mà bảo không!

Những trẻ mồ côi nuôi dưỡng ở Trung tâm BTXH Kon Tum đến đây từ nhiều nơi và nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có em được cứu thoát khi đang chuẩn bị chôn theo mẹ bởi tập tục một số đồng bào thiểu số Tây Nguyên. Số khác bị bỏ rơi ở bệnh viện hoặc người thân chết sớm không nơi nương tựa, lang thang cơ nhỡ…

Được nuôi nấng chăm nom cho ăn học không ít trường hợp đã trưởng thành có công ăn việc làm ổn định ngoài xã hội như Cao Đức Sơn-giáo viên ở huyện Đăk Hà, Krin Sa Kim-sĩ quan Công an huyện Ngọc Hồi, Y Duyên cán bộ phụ nữ xã Đăk Dục - Ngọc Hồi… Theo quy định của Nhà nước, Trung tâm chỉ nuôi dưỡng các em dưới 18 tuổi.

Khi các em khôn lớn, những em có năng lực thường học hết THPT rồi đi học các trường chuyên nghiệp, tìm công ăn việc làm. Một số em bỏ học giữa chừng rồi người thân đón về cộng đồng làm ăn sinh sống như bao người bình thường. Bởi quá 18 tuổi chế độ nuôi dưỡng cho các em không còn nữa.

Khó nhất với cơ sở bảo trợ xã hội này là những trường hợp không người thân thích, tư chất bị khiếm khuyết không kiếm được nghề để sinh sống. Giữ các em ở lại không xong, để các em ra ngoài xã hội thì sợ các em phạm tội. Vì thế khi các em tầm 15-16 tuổi, Trung tâm khuyến khích tìm người thân, họ tộc để làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc sống sau này.

Mùa hè những em còn người thân thường xin Trung tâm về thăm bà con họ hàng. Thương lắm những trường hợp không còn chỗ dựa, chẳng biết về đâu, trong đó có Nguyễn Thị Hồng Thắm (sinh 1992) và em trai là Cao Văn Phúc (1994).

Thắm cho biết mẹ là Huỳnh Thị Thu Hồng-quê Quảng Nam lên thôn 1- Tân Lập, Kon Rẫy, Kon Tum lập nghiệp từ lâu. Cảnh ngộ đẩy đưa thế nào mà Hồng sinh con ra không được ba chúng thừa nhận, chị lại chết sớm khiến hai đứa trẻ bơ vơ.

Ngày xuôi tay nhắm mắt chị Hồng gửi con lại cho người bạn gái. Cháu Phúc được một người ở Kon Tum nhận làm con nuôi, còn Thắm gửi vào Trung tâm BTXH. Một thời gian sau, Phúc cũng được đưa vào đây do gia đình nhận con nuôi không cáng đáng được.

Tôi hỏi Thắm về người cha của mình, lúc đầu em từ chối rằng không biết cha. Ông bà ngoại đã mất, dì cậu hình như vẫn còn đó song không ai nhận chị em Thắm là ruột thịt. Chỉ có người bạn gái của mẹ, cô giáo Văn Thị Thu Hà và mẹ cô, bà Kiên - Thắm gọi là ngoại nuôi thi thoảng đến thăm và đón các em về.

Dần dà gợi chuyện rồi cô bé cũng thổ lộ: Nhiều người ở Tân Lập chỉ rằng Thắm có một người cha ở bên kia sông, cùng thôn. Cha con nhiều lúc giáp mặt nhưng ông bố bạc tình không thừa nhận giọt máu của mình. Phúc - đứa em cùng mẹ khác cha với Thắm cũng chịu số phận tương tự, cha có đó mà vô thừa nhận.

Thắm vừa học xong lớp 9 nghỉ học chữ theo học nghề. Ước mơ của em là sau khi học xong nghề may ở trường dạy nghề được xin vào xí nghiệp may Kon Tum làm, vừa nuôi sống mình vừa phụ giúp em trai ăn học. Mơ ước lương thiện giản dị ấy đối với những đứa trẻ mồ côi cũng gian nan lắm.

Rời Trung tâm BTXH Kon Tum tôi day dứt khôn nguôi với tâm tư bao đứa trẻ. Ta đôi lúc mải mê với công việc quên bẵng vai trò, trách nhiệm của mình. Hoặc giả vì sĩ diện, vì sự an toàn yên ổn bản thân mà thoái thác, chối bỏ phận sự.

Những đứa trẻ như Duyên, như Thắm, như Phúc những ngày ở Trung tâm này điều kiện vật chất tối thiểu đã có, song sâu thẳm trong tâm hồn kia luôn thiết tha có một tiếng gọi của người thân.

Theo Tiền Phong