Tại Berlin, Brandenburg hay Sachsen, tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy tại các trường như ngoại ngữ tự chọn. Thế nhưng, cộng đồng người Việtvẫn tự tổ chức dạy tiếng Việt nhằm đáp ứng nhu cầu cho con em mình với những giáo viên tình nguyện không quản ngại khó khăn để tiếng mẹ đẻ được chắp cánh nơi xứ người...
Cô Thanh Tâm bên những học trò nhỏ. |
Niềm vui là những giờ đứng lớp
Sinh sống ở Berlin, cô giáo Thanh Tâm chia sẻ cô và những đồng nghiệp đến với công việc dạy tiếng Việt chỉ với mong muốn duy trì, bảo tồn, giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các học sinh gốc Việt trên quê hương thứ hai thân yêu của mình.
Đó là một hành trình nhiều thú vị khi lớp học tiếng Việt đầu tiên của cô được thành lập chỉ với hai học sinh cùng những câu chuyện cổ tích của Nhà xuất bản Kim Đồng, những băng nhạc thiếu nhi, sách, truyện tranh được gia đình gửi sang để giúp cô duy trì lớp học.
Năm 2007, cô Thanh Tâm trở thành cô giáo Trường tiếng Việt Sao Mai và sau 11 năm đồng hành cùng các giáo viên tại ngôi trường này, cô còn dạy thêm hai lớp tiếng Việt là lớp học tiếng Việt Hoa ban thuộc Hội người Việt Berlin - Brandenburg và lớp học tiếng Việt Hương sen thuộc Kinder Klubb tại quận Kopenich. Cùng chung tay góp sức với cô tại những lớp học này là những người đồng nghiệp nhiệt tình khác luôn miệt mài, bền bỉ, đều đặn đến với các con vào dịp cuối tuần.
Cô Thanh Tâm kể, lớp học tiếng Việt Hoa ban Berlin được thành lập vào năm 2018. Cô phụ trách lớp lớn với số lượng học sinh có lúc lên tới 40, 60 bạn. Tại đây, các học sinh của cô cùng các đồng nghiệp người Việt đã học được rất nhiều bài thơ, bài hát, điệu múa, những câu chuyện kể ngày Tết và còn được chơi rất nhiều trò chơi dân gian...
Dù ngày thường bận đi làm, nhưng cuối tuần cô lại đảm nhận công việc giảng dạy và cố gắng giảng dạy ở các lớp học tại những địa điểm khác nhau. Công việc dù có vất vả nhưng bù lại cô đã có những ngày tháng tươi đẹp bên các lớp học trò thân thương. “Những kỷ niệm vui buồn chẳng thể nào quên. Những nét chữ xinh xinh, những nét vẽ hồn nhiên ấy đều đẹp tựa như những bông hoa vậy”, cô Thanh Tâm chia sẻ.
Nghề giáo - hạnh phúc không thể đong đếm
Cô Lan Hương trong giờ lên lớp. |
Khi mới sang Đức sinh sống, điều cô Lan Hương luôn trăn trở là làm sao để các con viết và nói được tiếng Việt tốt khi đi học ở trường Đức. Đây không phải mong mỏi của riêng cô, bởi những người phụ trách của một số trung tâm giúp đỡ người nước ngoài đều có ý định mở lớp tiếng Việt vào cuối tuần cho con em người Việt.
Là một trong những giáo viên đầu tiên của trường tiếng Việt Sao Mai, cô Hương nhận ra rằng không phải người Việt nào sinh sống tại Đức cũng đều có cuộc sống khá giả, phần lớn phải lao động vất vả để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, cô thấy mừng là cộng đồng người Việt ngày càng đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Những lớp học ngày một đông hơn. Các phụ huynh không chỉ tích cực đưa con tới lớp mà còn nhiệt tình hỗ trợ các giáo viên trong công tác tổ chức lớp học.
Với mong muốn việc dạy và học đạt hiệu quả cao, cô Hương luôn suy nghĩ tìm ra những phương pháp thu hút các em say mê học tiếng Việt. Cô dạy các em học và viết từ những vần thơ giản dị, trong sáng của nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhiều nhà thơ khác, kết hợp các trò chơi dân gian. Để các tiết học trở nên phong phú, cô còn dạy kết hợp với nói chuyện về tình hình thời sự trong nước hoặc chủ đề ngày Phụ nữ 8/3, biển đảo quê hương, bảo vệ cây xanh... Từ đây, các học sinh cảm thấy thú vị hơn với các giờ học, cũng như gần gũi hơn với quê hương, đất nước mình.
Gần như những đứa trẻ khi đến với lớp học của cô Hương đều không biết hoặc nói được rất ít tiếng Việt. Do các em ở độ tuổi khác nhau, cô phải chia làm ba nhóm trình độ trong một lớp học. Đây là thách thức rất lớn so với giáo viên ở các lớp học thông thường khác. Thế nhưng, khi thấy các em đến trường thường xuyên, dần dần có thể đọc, hiểu và diễn kịch được bằng tiếng Việt, cô tâm sự: “Đó là hạnh phúc không thể đong đếm. Công sức này không chỉ của bản thân tôi, mà còn là nỗ lực của các phụ huynh với ước nguyện gieo mầm tiếng Việt cho con em họ”.
Chia sẻ về những khó khăn, cô Hương chỉ chạnh lòng vì số giáo viên tiếng Việt có chuyên môn ở Đức còn rất thiếu. Nhưng cô thấy vui vì Nhà nước cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Đức rất quan tâm đến công tác dạy tiếng Việt, hỗ trợ và động viên các giáo viên kịp thời. Theo cô, những khó khăn của giáo viên tại Đức vẫn chưa thấm gì so với các thầy, cô đồng nghiệp tại những địa bàn khác như Lào, Campuchia...
Điều cô Hương quan tâm hơn là có thể đào tạo được lực lượng kế cận dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại đây. Vì vậy, dù đã ở tuổi nghỉ hưu, cô vẫn thường xuyên lên lớp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tình nguyện viên trẻ. Hiện nay, ngoài dạy chính ở trường Sao Mai, cô còn dạy tiếng Việt ở trường Sonnenuhr và trường Robinson thuộc quận Lichtenberg (Berlin). Cô và các đồng nghiệp thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa giáo trình dạy tiếng Việt cho phù hợp với các lứa tuổi và trẻ em sống ở nước ngoài.
“Tôi rất yêu nghề giáo nên đã gắn bó với công việc tình nguyện này trong suốt nhiều năm qua. Các đồng nghiệp của tôi vất vả kiếm sống nhưng mỗi khi lên lớp niềm vui lại đong đầy. Tôi luôn nhớ về những ân tình và các thầy cô giáo cũ ở quê hương. Đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn và toàn tâm toàn ý với công việc mình làm”, cô Hương tâm sự.