Trong hai ngày qua, rất nhiều buổi tọa đàm về hợp tác và sản xuất phim được tổ chức tại HANIFF 2016. Các diễn viên, nhà làm phim, nhà quản lý... đến đây đều có chung một mục đích tìm kiếm cơ hội cho nền điện ảnh, mà gần nhất là những cái bắt tay để khởi đầu cho những hứa hẹn...
Điện ảnh Ấn Độ và kinh nghiệm cho Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên điện ảnh Ấn Độ lại được chọn làm tiêu điểm giới thiệu tại HANIFF 2016 với buổi tọa đàm “Điện ảnh Ấn Độ - hợp tác và phát triển” được tổ chức vào ngày 3/11. Tại đây, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đã bày tỏ niềm vui khi các bộ phim Ấn Độ nhận được tình cảm yêu mến của khán giả Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, hai nước có rất nhiều tiềm năng trong việc trao đổi và sản xuất phim nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện các mặt.
Chia sẻ về lịch sử phát triển đặc điểm của ngành công nghiệp điện ảnh và thành công của phim Ấn Độ tại thị trường nội địa và hợp tác quốc tế, đạo diễn gạo cội của điện ảnh Ấn Độ Adoor Gopalakrishnan cho biết, nếu chỉ dùng từ "nền điện ảnh Ấn Độ" là không chuẩn xác bởi ở Ấn Độ có nhiều nền công nghiệp điện ảnh cùng song song phát triển. Điện ảnh Ấn Độ cũng không chỉ có Bollywood, mà việc sản xuất phim được mở rộng, phát triển ở khắp các bang với 22 ngôn ngữ khác nhau (bao gồm cả tiếng Anh, tiếng Hindi và các phương ngữ).
Cũng theo đạo diễn Adoor Gopalakrishnan, ở Ấn Độ hàng năm có tới 10 liên hoan phim quốc tế do Chính phủ, nhà sản xuất hoặc các nhà đầu tư tự đứng ra tổ chức. "Chúng ta đều có thể nhìn thấy những hiệu quả tuyệt vời từ những liên hoan phim này. Tôi nghĩ, Việt Nam nên tổ chức HANIFF hàng năm chứ không phải hai năm một lần như hiện tại. Dù mới đến dự HANIFF lần đầu tiên, nhưng tôi tin 5-10 năm tới, các nhà làm phim quốc tế sẽ tìm đến các bạn đông hơn nữa cũng như sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn.".
Các đại biểu Ấn Độ và Việt Nam gặp gỡ tại Tọa đàm. (Ảnh: H.T) |
Ông Philip Cheah – nhà phê bình điện ảnh Singapore thì thể hiện sự khâm phục trước sự phát triển vượt bậc về điện ảnh của Ấn Độ với một bản sắc rất riêng biệt. Theo ông Cheah, là đất nước có nền điện ảnh non trẻ, được du nhập từ phương Tây khoảng 100 năm trước, song hiện nay, Ấn Độ trở thành quốc gia sản xuất phim lớn nhất thế giới với trung bình 1.000 bộ phim/năm.
Đặc biệt, tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận về triển vọng phát triển hợp tác, phát hành phim giữa Việt Nam và Ấn Độ. Bà Aruna Vasudev - nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Ấn Độ khẳng định, 30 năm trước đây, điện ảnh Ấn Độ và Việt Nam có sự hiểu biết rất khiêm tốn về nhau, cụ thể như việc chiếu phim của nhau cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đã dần thay đổi, người dân hai nước đã đến gần nhau thông qua các bộ phim. Không chỉ bằng những Liên hoan phim, giao lưu nghệ thuật hay các sự kiện chính trị - ngoại giao, truyền hình cũng đã trở thành kênh quảng bá phim rất hiệu quả mà hai nước cần phải tiếp tục phát huy.
Theo diễn viên, nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh, việc hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ khả quan hơn nữa nếu hai bên có kịch bản phù hợp, tìm hiểu rõ luật pháp và thị hiếu của nhau.
Với đạo diễn Ấn Độ Bijukumar Damodaran, trước mắt Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác sản xuất những bộ phim nghệ thuật để có thể mang đi dự thi ở khu vực và quốc tế. Sau đó, hai nước có thể tiếp cận thị trường để tiến hành hợp tác sản xuất ra những bộ phim phục vụ nhu cầu khán giả của hai bên. "Tôi nghĩ Việt Nam là thị trường rất tiềm năng với Ấn Độ nếu như chúng ta có hiệp ước cụ thể về hợp tác sản xuất phim, giống như chúng tôi đã có hiệp ước về trao đổi, hợp tác điện ảnh với Canada”, ông Bijukumar Damodaran nói.
Thời kỳ của điện ảnh ASEAN, tại sao không?
Không chỉ bàn về những cái bắt tay song phương như hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Ấn Độ, tại Tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN” tổ chức chiều ngày 2/11, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN là xu thế tất yếu. Các nền điện ảnh khu vực ASEAN cần nắm chặt tay nhau để bắt kịp với thời đại, cũng như có đủ khả năng cạnh tranh tại các giải thưởng lớn của thế giới.
Tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan nhấn mạnh, ASEAN đã hình thành cộng đồng thống nhất, do đó điện ảnh ASEAN cần được nâng lên thành nền điện ảnh của khu vực. Còn theo ông Vongthep Arthakaivalvatee - Phó Tổng Thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, những năm gần đây, điện ảnh một số nước ASEAN đã từng bước tạo dấu ấn trên trường quốc tế, đạt được những thành công nhất định tại các sự kiện lớn như các Liên hoan phim Cannes, Berlin, Venice... đem lại niềm tự hào chung cho cả khu vực.
Ông Vongthep Arthakaivalvatee - Phó Tổng thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: H.T) |
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cung cấp những thông tin khái quát và chi tiết về nền điện ảnh của mỗi quốc gia ASEAN thông qua các chính sách về điện ảnh, thực trạng sản xuất phim, khó khăn, thách thức và kinh nghiệm để thúc đẩy hợp tác sản xuất phim giữa các nước thành viên ASEAN.
Ông Đỗ Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam chia sẻ, hàng năm có khoảng hơn 200 phim nước ngoài được chiếu tại các rạp, cụm rạp trong nước, chiếm tới hơn 2/3 thị phần phim chiếu rạp của Việt Nam. Tuy nhiên, phim của các nước ASEAN, phim hợp tác sản xuất giữa các nước trong khu vực hầu như vắng bóng tại các rạp chiếu ở Việt Nam.
Nói về kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác và sản xuất phim, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh và phổ biến văn hóa Campuchia Pok Borak cho biết, ở Campuchia hiện có Quỹ nghệ thuật Khmer để hỗ trợ các nhà làm phim trong nước. Chính phủ cũng xây dựng chiến lược khuyến khích hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, đặc biệt các nhà làm phim đến từ khu vực ASEAN.
Bà Wei Xuan Sim - Ủy ban Điện ảnh Singapore thì cho rằng, việc sản xuất, phát hành phim trong khu vực cần có sự hỗ trợ và đồng lòng của chính phủ các nước. Bà chia sẻ, ở Singapore, văn phòng hỗ trợ sản xuất phim của một quỹ truyền thông toàn cầu đã thành lập với các hoạt động hỗ trợ kết nối, đánh giá dự án, tài chính và tìm kiếm nguồn trợ giúp từ bên ngoài.
Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN Briccio Santos vui mừng vì qua Tọa đàm này đã nhìn thấy bức tranh nhiều sắc màu của điện ảnh các nước ASEAN. Ông Briccio Santos đưa ra ý tưởng về một quỹ chung của ASEAN để hỗ trợ việc làm phim.
“Các nước phương Tây đều có nhiều nguồn tài chính để nhà làm phim tiếp cận, trong khi nhà làm phim của Đông Nam Á vẫn còn hạn chế về mặt này. Chúng ta có nhiều cơ hội, tiềm năng, điều kiện để hợp tác theo nhiều hướng. Đặc biệt, trong năm 2017, chúng ta sẽ chào đón Giải thưởng phim ASEAN và sẽ tiến tới xây dựng một Liên hoan phim quốc tế của chung khu vực ASEAN”, ông nói.