📞

Hậu ‘Abenomics’, kinh tế Nhật Bản sẽ ra sao?

Nga Đỗ 16:35 | 04/09/2020
TGVN. Theo các nhà quan sát thị trường, một số ứng cử viên cho vị trí tân Thủ tướng Nhật Bản đã xuất hiện. Tuy nhiên, dù vị trí này thuộc về ai, niềm tin của thị trường thời kỳ “hậu Abe” là điều không dễ duy trì.
Những bất ổn chính trị sẽ đè nặng lên thị trường cho đến khi người kế nhiệm của ông Abe được lựa chọn. (Nguồn: East Asia Forum)

Thành tựu của ông Abe

Makoto Sengoku, nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo bình luận: "Những bất ổn chính trị sẽ đè nặng lên thị trường cho đến khi người kế nhiệm của ông Abe được lựa chọn".

Nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe Shinzo đã đạt được những thành công nhất định. Khi ông Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012, chỉ số Nikkei đang được giao dịch trung bình 10.000 điểm. Đến ngày ông tuyên bố từ chức vào năm 2020, chỉ số này đã ở quanh ngưỡng 22.882,65 điểm, sau khi đã “leo” lên mức cao nhất của 27 năm vào năm 2018.

Chương trình chính sách kinh tế do ông Abe đề xướng bắt đầu từ thời điểm tổng tuyển cử Nhật Bản, còn được gọi là “Abenomics”, gồm 3 mũi nhọn, tập trung vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khóa linh hoạt và cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng.

Ban đầu, chính sách này giúp thị trường chứng khoán được đà đi lên trong khi đồng Yen suy yếu. Đây được coi là một lợi ích đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản, bởi việc đồng Yen yếu hơn sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh về giá của các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài, trong khi giá trị tài sản mang từ nước ngoài về Nhật Bản cũng được định giá cao hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích thị trường nhận định, đại dịch Covid-19 đã khiến GDP của Nhật Bản giảm kỷ lục 27,8% trong quý II/2020. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia cho rằng các thị trường tài chính đang có tâm lý thận trọng và sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu sự ra đi của ông Abe có ảnh hưởng đến các chính sách của BoJ và Thống đốc Haruhiko Kuroda, người có nhiệm kỳ đến tháng 4/2023 hay không.

Bên cạnh đó, nhiều nghi vấn cũng được đặt ra xung quanh việc liệu các chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn hiện tại có được duy trì không, trong đó bao gồm cả việc mua các quỹ trao đổi - một yếu tố chính hỗ trợ tâm lý thị trường ở Tokyo.

Nhưng Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng tại Fujitsu Ltd., đã khẳng định “khá chắc chắn” rằng chính sách tiền tệ nên được mở rộng trong thời kỳ bùng phát đại dịch, đồng thời nói thêm rằng Abenomics đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ, do đó không thể sớm bị phá vỡ một cách dễ dàng.

Chính phủ của ông Abe và BoJ đã “bắt tay” vào năm 2013 để tăng cường phối hợp chính sách và đánh bại giảm phát. Trong khi Chính phủ tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng trung ương đã tăng cường mua tài sản. Kết quả là, nợ Chính phủ của Nhật Bản đã gia tăng nhanh chóng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lên ngưỡng 251,91% vào năm 2020, mức tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

Trong khi đó, quy mô GDP thực tế, từng ở mức 498.000 tỷ Yen khi ông Abe quay trở lại, đã giảm xuống chỉ còn 485.000 tỷ Yen trong 3 tháng (tháng 4,5,6), một phần do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, có một điểm tương đối sáng là thị trường lao động đang được cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,8% trong tháng 6 từ mức 4,3% khi ông Abe nhậm chức.

"Tôi đã phóng đi 3 mũi tên (của Abenomics) để đánh bại 2 thập kỷ nền kinh tế giảm phát và chúng tôi đã hướng tới việc tạo ra một thị trường nơi những người muốn làm việc có thể tìm được việc làm. Hơn 4 triệu việc làm đã được tạo ra”, ông Abe Shinzo nói trong cuộc họp báo khi tuyên bố quyết định từ chức.

Bất chấp những kết quả trái chiều trong gần 8 năm thực hiện Abenomics, Takuya Hoshino, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định những nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy việc làm là “đúng hướng”.

“Điều đó có nghĩa là, khi việc làm được tạo ra ở những lĩnh vực đang rất cần lao động và khi người phụ nữ tìm được việc làm sau khi nuôi con nhỏ hoặc người già, chúng ta không thể mong đợi mức tăng lương mạnh mẽ”, ông nói.

Hai ưu tiên hàng đầu

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử để chọn ra nhà lãnh đạo của mình. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, cánh tay phải của ông Abe, đã nổi lên như một ứng cử viên nặng ký, cùng với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, hiện là người đứng đầu về chính sách của LDP và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba.

Về mặt kinh tế, nếu thành công trong quá trình tranh cử, các nhà kinh tế và phân tích cho rằng hai ứng viên Suga và Kishida nhiều khả năng sẽ tìm cách duy trì hiện trạng, trong khi ứng viên Ishiba có thể là một “con bài khó đoán”.

Trong cuộc phỏng vấn trên một tạp chí, Bộ trưởng Ishiba từng bày tỏ nghi ngờ về việc Nhật Bản nhấn mạnh “quá mức” vào chủ nghĩa tư bản tài chính nhằm tìm kiếm lợi ích cho các cổ đông. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ cũng như các nền kinh tế khác trong khu vực.

Chánh văn phòng Nội các Suga, người phụ trách quản lý khủng hoảng và là người đại diện cho chính quyền Abe, dự kiến sẽ thu hút được sự ủng hộ của nhiều nhà lập pháp LDP.

Tuy nhiên, ứng viên Ishiba lại xếp hạng nhất trong một cuộc thăm dò của Kyodo News vào cuối tuần qua với tư cách là người được công chúng ủng hộ nhất để trở thành Thủ tướng tiếp theo. Trong đó, những người được hỏi cũng cho biết các chính sách nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 mới và nền kinh tế là “hai ưu tiên hàng đầu mà chính phủ tiếp theo nên tập trung”.

Vì vậy, việc ông Abe tuyên bố từ chức có lẽ không phải là vấn đề lớn nếu so sánh với sự lây lan của dịch Covid-19 hiện nay, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra.

(theo Kyodo)