Trong giai đoạn hậu Brexit, Anh đã đưa ra chính sách “Tất cả của Châu Á” nhằm tận dụng các cơ hội hợp tác kinh tế với khu vực. Theo ông, tại sao Đông Nam Á, khu vực đang hướng tới các tiêu chuẩn đa phương cao của Liên minh châu Âu (EU) qua tổ chức ASEAN, cần quan tâm đến chính sách của Anh tại châu Á?
Thứ trưởng Ngoại giao Anh Simon McDonald: Tất nhiên, tương lai của ASEAN nằm trong tay các nước ASEAN. Nhưng, theo tôi ASEAN là tổ chức tương đối lỏng lẻo hơn EU và vấn đề của Anh với EU là tham vọng muốn biến EU thành một khối gắn chặt hơn. ASEAN và các nước thành viên đã suy nghĩ, hoạch định kế hoạch cho chính mình khác với EU. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, một khối lỏng lẻo sẽ dễ dàng hơn cho việc đồng thuận giữa các nước thành viên.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh Simon McDonald (thứ bảy, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc với Ban Thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 10/1. (Nguồn: Twitter) |
Ông dự định sẽ đề cập đến những nội dung gì ở châu Á, đặc biệt sau khi Anh có vẻ như không chấp nhận chủ nghĩa đa phương sau Brexit?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần xem xét thực lực của Anh. Anh sẽ vẫn là một nước lớn trên thế giới; là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Anh sẽ vẫn là một trong 6 nền kinh tế hàng đầu thế giới, dành 2% GDP cho quốc phòng và 0,7% GDP cho hỗ trợ phát triển (Anh là quốc gia G20 duy nhất thực hiện cả hai điều này). Vì vậy, bản thân Anh có vai trò không nhỏ trên trường quốc tế với hiểu biết sâu sắc và mối quan tâm lớn ở Đông Nam Á.
Chúng ta đều biết đang có cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á. Lập trường của Anh về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Trung Quốc và Mỹ là những nước lớn ở khu vực và các nước Đông Nam Á thì luôn mong muốn có nhiều đối tác hơn. Như vậy, các nước này không chỉ đơn thuần là lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh mà còn có nhiều lựa chọn khác nữa, bao gồm cả London, trong khi Anh luôn sẵn sàng là một đối tác hấp dẫn.
Xin ông cho biết lợi ích của Anh tại Đông Nam Á và nó có gì khác so với lợi ích cụ thể của Anh tại một số nước Đông Nam Á thuộc Khối thịnh vượng chung?
Quan hệ giữa Anh với Brunei, Malaysia và Singapore - các thành viên của Khối thịnh vượng chung - đã phần nào cho thấy sự lâu dài và sức mạnh của mối quan hệ giữa Anh với khu vực Đông Nam Á nói chung. Nhưng Anh không chỉ giới hạn quan hệ với các nước Khối thịnh vượng chung, chúng tôi đang thúc đẩy quan hệ với các nước như Indonesia và Việt Nam. ASEAN là thị trường lớn thứ ba của Anh ngoài EU. Với số dân thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Đông Nam Á đang trở thành khu vực có nhiều tiềm năng.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt và Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson đã nói về kế hoạch thành lập các căn cứ hải quân của Anh ở Đông Nam Á cũng như ở Caribbean. Điều đó có ý nghĩa gì, thưa ông?
Chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng chúng tôi muốn có vai trò ảnh hưởng trên thế giới và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác. Vì thế, chúng tôi cho rằng, sự hiện diện của Anh ở khu vực sẽ hữu ích trong đàm phán với các quốc gia tại đây. Đây không phải là một quyết định đơn phương của chúng tôi mà nó chỉ khả thi khi đáp ứng được lợi ích chung của Anh và các quốc gia trong khu vực. Sẽ là quá sớm để Anh nghĩ tới một vị trí nào đó trên thế giới sau khi rời khỏi EU.
Xin cảm ơn ông!