Tổng cục Du lịch dự báo, trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nếu có thể bắt đầu đón khách quốc tế từ quý III thì sẽ thu hút từ 6-8 triệu lượt khách; trường hợp đón khách quốc tế vào quý IV, Việt Nam có thể đón được 4-4,5 triệu lượt. (Nguồn: QĐND) |
Ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố các vùng an toàn để từng bước mở lại các đường bay quốc tế tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19.
Cơ hội ‘vàng’ đã đến?
Dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao khi hàng loạt cơ sở lưu trú, nhà hàng phải đóng cửa, công ty lữ hành thua lỗ, các điểm du lịch vắng khách.
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái còn lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5% so với năm ngoái. Tổng thu du lịch đạt 150 nghìn tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Vậy với tình hình khả quan trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện tại, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục đón khách quốc tế trở lại?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo, ngày 12/6, Tổng cục Du lịch đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện các bộ Y tế, Công an, Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng… về các giải pháp để mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Hầu hết các đại biểu đều nhất trí đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 an toàn là điều kiện tiên quyết khi xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế trở lại.
Theo dự thảo kế hoạch của Tổng cục, các phương án đón khách du lịch quốc tế được xây dựng đối với các quốc gia không có ca nhiễm mới trong cộng đồng ít nhất 30 ngày và đã cho phép công dân xuất cảnh. Bước đầu tập trung đối tượng khách quốc tế theo hình thức chương trình du lịch trọn gói bằng đường hàng không, lưu trú tối thiểu 5 ngày tại Việt Nam; phải có giấy chứng nhận sức khỏe và khai báo y tế khi nhập cảnh; tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch trong quá trình du lịch tại Việt Nam.
Tổng cục cũng đưa ra kịch bản hồi phục của du lịch Việt Nam gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung kích cầu du lịch nội địa. Giai đoạn 2 thí điểm tổ chức đón khách quốc tế từ một số quốc gia có kiểm soát dịch tốt, hiệu quả và hai bên có những bản ký kết công nhận kết quả việc kiểm soát dịch. Giai đoạn 3 mở cửa theo khu vực và cuối cùng giai đoạn 4 là bình thường trở lại, mở cửa hoàn toàn.
Tổng cục Du lịch dự báo, trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nếu có thể bắt đầu đón khách quốc tế từ quý III thì sẽ thu hút từ 6-8 triệu lượt khách; trường hợp đón khách quốc tế vào quý IV, Việt Nam có thể đón được 4-4,5 triệu lượt.
Mới đây Vietnam Airlines, Bamboo Airways đã chuẩn bị sẵn sàng để bay thương mại đến các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Dự kiến từ 1/7, Vietnam Airlines có thể nối lại các chuyến bay quốc tế đến các thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc). Cũng từ đầu tháng 7, Bamboo Airways dự kiến khai thác các đường bay đến Seoul (Hàn Quốc), Czech, Đức và Australia. |
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch quốc tế với thông điệp "Việt Nam an toàn" trên các kênh trực tuyến, cũng như các chương trình xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, ưu tiên các thị trường gần và có khách chi trả cao.
Nếu việc mở lại các đường bay với thế giới sớm thành hiện thực thì đây được cho là cơ hội để ngành du lịch khôi phục lại thị trường khách quốc tế vốn đang “đứng hình”.
Làm gì để ‘hé’ cửa đón khách?
Trong hơn 4 tháng qua, với những thành công đáng ngưỡng mộ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã ca ngợi điểm đến Việt Nam an toàn. Thậm chí, một số quốc gia còn khuyến khích công dân nếu đi du lịch có thể chọn Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề chính là mức độ mở cửa như thế nào, khi Việt Nam an toàn nhưng dịch bệnh ở các nước vẫn diễn biến phức tạp? Trước khi kêu gọi du khách nước ngoài đến thì câu chuyện của Việt Nam chính là làm thế nào để tạo môi trường an toàn cho người dân trong nước?
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 15/6, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề cập diễn biến của dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới kiến nghị cần lập lộ trình để mở cửa trở lại với các nước đã đủ điều kiện, đồng thời công bố hết dịch ở trong nước.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần tính lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là văn hóa, chính trị và kinh tế.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, cần lộ trình mở cửa sớm bởi vì, khách hàng quốc tế thường cần thời gian tìm hiểu về điểm đến, nhất là sau đại dịch, nếu dịch an toàn rồi mới làm truyền thông thì sẽ bị chậm và lỡ thời cơ.
Travel + Leisure, tạp chí về du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng hàng đầu của Mỹ đã bình chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu sau dịch Covid-19 nhờ lợi thế về cảnh quan, giá cả và những bờ biển dài tuyệt đẹp và khí hậu nắng ấm. |
Đồng quan điểm về mở cửa theo lộ trình từng bước, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, cần có một quy trình và một bộ thủ tục để mở cửa thị trường. Bộ thủ tục này có thể là các thỏa thuận song phương với từng nước và các công việc triển khai thực hiện. Các thoản thuận song phương cần đi trước một bước hoặc ít nhất là ngang bằng về thời điểm với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Mặt khác, các chuyên gia TAB cũng đề cập việc xem xét chào các gói nghỉ dưỡng trọn gói, biệt lập và an toàn, đáp ứng yêu cầu của các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng.
Hiện đã có một số quốc gia sẵn sàng thiết lập lại đường bay quốc tế lẫn mở cửa du lịch, chủ động làm việc với cơ quan du lịch Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines. |
Ở khía cạnh quốc tế, Việt Nam là nước được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về khả năng kiểm soát dịch bệnh, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn thu hút du khách quốc tế. Travel + Leisure, tạp chí hàng đầu của Mỹ về du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng đã bình chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu sau dịch Covid-19 nhờ lợi thế về cảnh quan, giá cả và những bờ biển dài tuyệt đẹp và khí hậu nắng ấm. Làn sóng du khách quốc tế sẽ nhanh chóng phát triển khi dịch ngày một được kiểm soát tốt hơn.
Báo Skift của Mỹ thì nhận định Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nổi lên vì ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi. Việt Nam có thể sẽ dẫn đầu các nước trong khu vực trong việc khôi phục du lịch hậu dịch Covid-19.
Trước đó, tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19”, đại diện TAB cho rằng, các du khách quốc tế có thể quay trở lại Việt Nam chỉ với điều kiện chúng ta tiếp đón họ an toàn. Điều này cũng giúp người dân loại bỏ rủi ro lây nhiễm qua cộng đồng. Có như thế, hy vọng "cánh cửa mới hé mở" cho du khách quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới.