📞

Hãy biến bài tập ngày Tết trở thành cơ hội rèn kỹ năng cho trẻ

Phi Khanh 14:54 | 19/01/2023
ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc điều hành Trung tâm giáo dục trải nghiệm và đào tạo kỹ năng ANGEL cho rằng, thay vì để trẻ mải miết bên bàn học trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cần có hoạt động thay thế và đồng hành cùng với trẻ, tạo không khí vui vẻ và ý nghĩa, khơi gợi sự tò mò.
ThS. Đinh Văn Thịnh cho rằng, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là cơ hội để dạy trẻ kỹ năng sống cũng như nhớ về cội nguồn. (Ảnh: NVCC)

Quan điểm của ông thế nào về câu chuyện giao bài tập ngày Tết? Làm sao để trẻ yêu Tết, hiểu thêm được các giá trị truyền thống, vừa cảm thấy hạnh phúc chứ không phải áp lực với "núi" bài tập về nhà?

Rất nhiều người đã từng có kinh nghiệm về việc nghỉ Tết nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ bài tập được giao, trong đó có tôi, ngày Tết là ngày gia đình sum họp đoàn tụ, nghỉ ngơi, tìm hiểu các giá trị truyền thống tốt đẹp.

Nếu nhà giáo dục giao bài tập quá nhiều cho học sinh trong những ngày này, đi kèm sẽ là sự ức chế, áp lực, lo lắng, làm mất không khí ngày Tết.

Đồng thời, trẻ sẽ không có thời gian nhiều để đồng hành trong những hoạt động ngày Tết như dọn dẹp nhà cửa, trang trí, cùng tham gia làm bánh chưng, nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên...

Để trẻ có thể yêu Tết hơn, chính nhà giáo dục thay vì giao bài tập quá dày đặc làm các em áp lực thì hãy giao những bài tập mang tính nhẹ nhàng hơn gắn liền với những ngày Tết. Ví dụ, về tính toán có thể khơi gợi cho các em về những con số, trong một năm vừa qua các em đã làm cho cha mẹ bao nhiêu lần vui, buồn, thành tích có được. Từ đó, các em sẽ có nhận thức nên và không nên làm gì để bố mẹ vui. Về thể chất, khuyến khích các em giữ gìn sức khỏe, tập ăn uống lành mạnh, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia…

Về văn học, có thể giao những bài tập sưu tầm những câu chúc Tết ý nghĩa. Như vậy, việc giao những bài tập thực tế gắn liền với những ngày Tết sẽ làm các em hứng thú tìm hiểu, một công đôi việc, các em có thời gian bên gia đình, vui vẻ, ấm áp trong ngày Tết.

Nhiều người cho rằng, giao bài tập để học sinh không chơi điện thoại, máy tính hoặc lo lắng trẻ sẽ “rơi rụng” kiến thức nếu không học dịp Tết. Nhưng giao bài tập thế nào để học sinh không bị ám ảnh và áp lực trong những ngày Tết, theo ông ?

Nếu việc lo lắng trẻ sẽ quên đi kiến thức trong những ngày Tết vì không xem bài, làm bài tập, thì nhà giáo dục có thể giao bài tập với mức độ nhẹ nhàng, vừa phải. Qua đó, giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản mà không sợ rơi rụng kiến thức, vừa có thời gian tham gia các hoạt động Tết truyền thống, sum họp bên gia đình. Ngày nay, việc các em sử dụng điện thoại, máy tính, không chỉ dịp Tết mà trong những ngày thường, đi học các em vẫn sử dụng như một thói quen.

Vấn đề quan trọng là phải có hoạt động thay thế và đồng hành cùng với các em, tạo không khí vui vẻ và ý nghĩa, khơi gợi sự tò mò, mà ngày Tết thì đa số các gia đình sẽ đảm bảo được việc có chương trình hoạt động ngày Tết.

Chúng ta biết rằng, ngày Tết là để sum họp bên gia đình, có những hoạt động truyền thống, nên việc sợ các em “rảnh rỗi sinh nông nổi” mà giao bài tập nhiều thì cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, giáo dục nơi nhà trường quan trọng, mà giáo dục trong gia đình nhân dịp những ngày Tết truyền thống cũng quan trọng không kém.

Toàn ngành giáo dục đang chuyển trọng tâm sang giáo dục phát triển năng lực, các thầy cô giáo cũng hiểu cần tăng cường và cân bằng việc “dạy người” so với “dạy chữ”. Vậy câu hỏi đặt ra là những bài tập được giao sẽ phục vụ cho mục tiêu nào?

Bài tập được giao trong những ngày Tết với mục đích củng cố kiến thức các môn học cho các em, kiểm tra đánh giá sau tết, thúc đẩy sự phát triển, duy trì mục tiêu học tập. Điều này cho thấy nghiêng về việc đào tạo kiến thức nhiều hơn là việc thúc đẩy các em phát triển hoạt động kết nối tình cảm, yêu thương trong gia đình thông qua các hoạt động phụ giúp cha mẹ trong ngày Tết, các giá trị truyền thống văn hoá dân tộc, ông bà tổ tiên.

Trong một tiến trình đào tạo giáo dục, chúng ta cần nhắm đến nhiệm vụ mục tiêu ưu tiên trong mỗi giai đoạn. Ngày Tết mục tiêu ưu tiên là để giáo dục văn hoá truyền thống dân tộc, giáo dục tình cảm gia đình, nhớ về nguồn cội.

Theo ông, trẻ cần học và chơi, trải nghiệm như thế nào cho phù hợp trong những ngày Tết Nguyên đán?

Trong những ngày Tết, trước hết trẻ cần lên kế hoạch và mục tiêu cho mỗi giai đoạn Tết. Giai đoạn trước tết cần sắp xếp lại bàn học, bài vở các môn học, để đón chào một năm mới, học kỳ mới, với tinh thần mới và học tập hăng hái hơn, cùng với đó là sắp xếp để dọn dẹp và trang trí nhà cửa, hoa quả, bánh mứt. Trong Giai đoạn Tết, trẻ nên tham gia trải nghiệm những lễ hội, nghi thức cầu bình an cho năm mới theo văn hoá truyền thống dân tộc, gia đình, thăm ông bà, cha mẹ, họ hàng đôi bên gia đình, thầy cô, bạn bè.

Trong những ngày Tết, cần chú ý giữ sức khoẻ và ăn uống phù hợp, tránh việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, nước tăng lực quá nhiều. Học sinh cũng cần chú ý đến việc tránh sử dụng tiền lì xì để tham gia đánh bài, bầu cua tôm cá, cá độ trong những ngày Tết.

Ngoài ra, an toàn giao thông trong những ngày Tết và giữ gìn tài sản là điều cần lưu ý và chú tâm trong những ngày Tết. Đến với giai đoạn chuẩn bị đi học lại, học sinh cần xem lại bài, tránh việc lấy lý do còn dư âm Tết để lười biếng và thiếu sự quyết tâm trong học tập và những mục tiêu cần đạt được.

Ngày Tết là ngày của gia đình sum họp, tái tạo năng lượng, cầu chúc cho nhau một năm mới bình an, mọi sự như ý. Vì vậy hãy dành thời gian bên gia đình nhiều nhất, vây quần bên nhau, tránh việc lấy thời gian nghỉ Tết như là khoảng thời gian ăn chơi hết sức và sau những cuộc ăn chơi đó là sự mất mát, đau buồn, tan vỡ… Làm sao để trẻ thẩm thấu được giá trị, ý nghĩa của gia đình, của Tết truyền thống, của nguồn cội.

Xin cảm ơn ông!