📞

“Hãy lên tiếng để ngăn chặn bạo lực tình dục trẻ em”

17:00 | 13/03/2017
Đó là quan điểm của PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trước những lùm xùm liên quan đến vấn đề trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục thời gian qua.

Phần nổi của tảng băng chìm

Thưa PGS. Huỳnh Văn Sơn, thời gian gần đây, dư luận khá quan tâm đến các vụ bạo lực tình dục. Mỗi ngày trung bình Việt Nam có 3 trẻ em bị xâm hại. Nhưng theo nhiều đánh giá thì con số này vẫn chưa phản ánh được hết thực trạng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Trên thực tế, số lượng trẻ em bị xâm hại và bạo lực tình dục lớn hơn con số này. Rất nhiều nạn nhân bị bạo lực tình dục mà chưa được nhắc đến, chưa được phát hiện. Nói đúng hơn, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chưa có một cuộc khảo sát sâu rộng nào đưa ra một con số có tính chính xác cao về vấn đề này. Điều đó đặt ra vấn đề là phải nhìn thẳng vào thực tế hiện nay thay vì đưa ra một con số không mang nhiều trọng lượng về vấn nạn đang xảy ra như trên.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. (Ảnh: NVCC)

Theo ông, những nguyên nhân nào khiến cho các vụ xâm hại và bạo lực tình dục thường bị chìm trong im lặng?

Nếu bạn bị trộm vào nhà nhưng bạn sợ người ta biết khối tài sản bị mất nên bạn không dám cho một ai biết thì liệu kẻ trộm có quay lại không? Xác suất cao là họ sẽ trở lại để "hốt" thêm. Việc nạn nhân bị bạo lực tình dục cũng gần giống như vậy. Nguyên nhân lớn nhất khiến cho các vụ bạo lực tình dục bị chìm trong im lặng là nạn nhân của các vụ bạo lực đã quyết định im lặng.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, theo những con số chính thức đó thì chí ít mỗi ngày có 3 trẻ bị xâm hại.

Họ là nạn nhân nhưng họ rất sợ khi đối diện với dư luận, sợ bị người đời phán xét nhưng đúng ra họ đang là người cần được bảo vệ và chở che hằng ngày chứ không phải những người trực tiếp gây ra hành vi đó. Chính sự im lặng của nạn nhân đã dẫn đến các vụ án rơi vào quên lãng còn những tổn thương về mặt thể xác và tinh thần của nạn nhân thì vẫn còn nằm đó theo thời gian.

Nguyên nhân nữa là không phải từ chính nạn nhân mà những người thân của nạn nhân dù có biết cũng không muốn lên tiếng. Văn hóa Á Đông coi trọng nếp nhà, nếu một người trong nhà bị bạo lực tình dục thì người thân phần lớn sẽ nghĩ đến việc là truyền thống gia đình sẽ bị ảnh hưởng và không còn được như trước. Họ không nghĩ tới những gì nạn nhân đã trải qua khi bị bạo lực tình dục.

Nguyên nhân cuối cùng, phần lớn những kẻ gây ra bạo lực tình dục lại là những người thân quen của nạn nhân. Chính vị vậy nạn nhân nào đâu dám nói. Họ sợ dư luận không tin, đôi khi chính cái dư luận sẽ đẩy họ sâu hơn vào cảm giác sợ hãi và lo âu.

Cần hành động chung tay

Có một con số rất đáng chú ý đó là thủ phạm trong các vụ bạo lực tình dục trẻ em có tới gần ¾ là người quen của chính nạn nhân. Điều đáng báo động đó là phần lớn các vụ xảy ra ở những địa điểm được coi là an toàn như trường học, thậm chí là trong chính nhà nạn nhân. Phải chăng trẻ em cần được học cách tự bảo vệ mình trước những kẻ trong "bóng tối"?

Trong mỗi con người luôn có một cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người. Tiếc rằng, nhiều người đã để phần "con" lấn át phần "người" và họ đã gây ra các vụ bạo lực tình dục với trẻ em.

Con số ¾ khiến chúng ta không khỏi cảm thấy bàng hoàng và xót xa. Con số này cũng là hồi chuông báo động về việc đạo đức đang xuống cấp trầm trọng. Chính trong những môi trường tưởng như an toàn nhất lại chứa đựng những nguy cơ rủi ro cao nhất, làm sao không cảm thấy lo lắng được.

Đã đến lúc tất cả mọi đứa trẻ cần được học những bài học về phòng chống xâm hại để tự bảo vệ mình trước tất cả mọi mối đe doa có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu cứ mãi thờ ơ, cứ mãi hô hào, cứ mãi đưa ra những con số này, con số khác mà không có bất kỳ hành động nào để bảo vệ các em là một sự tàn nhẫn.

Cũng đã đến lúc, các nạn nhân cần được lên tiếng, những người có hành vi bạo lực tình dục trẻ em cần phải được đưa ra trước pháp luật để mang tính răn đe. Để những sự việc đau lòng không còn xảy ra như khoảng thời gian vừa qua. Đó là những việc làm cấp thiết nhất mà cả xã hội có thể làm được để chống lại những kẻ của “bóng tối”.

Trẻ con nào đủ sự tỉnh táo để nhận diện được hết những nguy cơ và nguy hiểm xảy đến với mình. Với những đứa trẻ đôi khi chỉ cần một cục kẹo, vài cái bánh là cứ nghĩ người ta thương mình. Đã đến thời điểm cả từ phía gia đình, nhà trường và xã hội cần được nâng cao nhận thức về vấn đề này để trong tương lại không còn những sự việc đau lòng xảy đến.

Vậy ông nghĩ gì trước thực tế nhiều gia đình khi có con bị lạm dụng tình dục thường chọn sự im lặng vì ái ngại việc bị xã hội soi mói, đàm tiếu?

Phải nhận ra rằng: Khi chúng ta im lặng với cái xấu, cái tệ hại thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang ngấm ngầm đồng ý cho nó xảy ra hằng ngày. Điều này sẽ vô cùng tệ hại. Sự im lặng trong trường hợp này đang giết chết tuổi thơ của nhiều đứa trẻ, gây ra bất hạnh cho không biết bao nhiêu gia đình. Còn những kẻ gây ra tội ác thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 

Những gia đình có nạn nhân trong các vụ việc này cần nhận ra rằng, dư luận xã hội sẽ qua đi, sự soi mói cũng chỉ là nhất thời. Nếu mình nói lên sự thật, tố cáo những điều xấu thì sẽ được bảo vệ, để không còn tiếp tay cho cái ác và nhiều gia đình không phải chịu tổn thương giống gia đình mình. Chúng ta hãy lên tiếng, hãy hành động để ngăn chặn những vụ bạo lực tình dục đang hằng ngày xảy ra.

Ngoài sự chung tay của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội thì giáo dục nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ trước hành vi bạo lực tình dục cho các bậc phụ huynh phải được chú trọng hơn?

Điều này hoàn toàn hợp lý. Một khi các bậc phụ huynh được tuyên truyền, trang bị kiến thức về vấn đề này thì họ sẽ chủ động hơn và biết phải làm những gì khi điều đó xảy đến với con em mình. Có khi họ biết điều đó là không nên tiếp diễn nhưng không ai chỉ đường dẫn lối cho họ phải hành xử như thế nào cho đúng nên họ sợ và không dám làm. 

Nếu làm được bước giáo dục nhận thức về bạo lực tình dục trong từng gia đình thì chúng ta cũng có thêm niềm tin để trẻ thơ có một môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển. Để chúng ta không quặn thắt mỗi khi những vụ bạo lực tình dục xảy ra, đã đến thời điểm cần những đề án, hành động chung tay để bảo vệ phụ nữ và trẻ em thoát khỏi bạo lực tình dục. Tôi tin rằng gia đình sẽ là cái nôi đầu tiên có thể làm được về vấn đề này!

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)