Khi nào các Ngân hàng trung ương hạ lãi suất? (Nguồn: Dreams Time) |
Theo tác giả, chính sách tiền tệ hiện nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng và có thể còn thay đổi, nhưng các thị trường tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội hạ lãi suất, cho tới tháng 6 tới và Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) thậm chí còn chậm hơn.
Trong trường hợp đó, rất có thể BoE và 20 quốc gia thuộc Khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ sớm trở thành "người tiên phong" đảo ngược chính sách tiền tệ.
Hiện mọi dự báo đều đang nghiêng về hướng các ngân hàng này sẽ hành động cùng lúc với Fed vào tháng Sáu tới, nhưng không loại trừ khả năng các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ muốn đẩy nhanh tiến độ và hạ lãi suất sớm hơn .
BoE và ECB đã tuyên bố sẽ dựa trên dữ liệu thực tế để điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng khi nhìn vào các dữ liệu hiện nay, có thể thấy rằng cả hai nền kinh tế đều đang trải qua lạm phát tăng chậm lại và tăng trưởng kinh tế ì ạch hoặc thậm chí là đứng yên.
Tại châu Âu, kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,5% trong quý IV/2023. Tăng trưởng tại Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan đã bù đắp cho phần tăng trưởng giữ nguyên của Pháp và suy thoái kỹ thuật của Đức.
Ngành công nghiệp của khu vực này đang nỗ lực tự vực dậy, nhưng người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. Mặc dù vậy, đã có những gam màu sáng trong các dự báo tăng trưởng và phục hồi kinh tế của khu vực này vào năm 2024.
Trong một ghi chú gần đây, Oxford Economics lưu ý rằng, Eurozone đã đạt đến “giai đoạn giữa, nơi mà nguồn dữ liệu cứng (các yếu tố chính về tăng trưởng) vẫn còn yếu, nhưng các chỉ số hàng đầu cho thấy triển vọng đã được cải thiện”.
Trong tháng 1/2024, lạm phát của Eurozone ở mức 2,8%, giảm 0,1% so với mức của tháng cuối năm 2023. Trong điều kiện lạm phát tiếp tục giảm, môi trường hiện tại có vẻ khá an toàn để ECB bắt đầu giảm lãi suất.
Vậy khi nào việc cắt giảm sẽ xảy ra? Nhiều chuyên gia dự báo sẽ là tháng 6. Nhưng Capital Economics nói rằng không loại trừ khả năng là tháng 4.
Một lý do giải thích cho sự không chắc chắn về thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất đó là quan điểm khác biệt của các thống đốc ngân hàng trung ương thuộc các nước thành viên trong Hội đồng Điều hành ECB.
Trong số đó, tiếng nói của nhà kinh tế trưởng Philip Lane và nhà kinh tế học hàn lâm người Đức Isabel Schnabel được các nhà quan sát chú ý nhiều nhất.
Trong bài phát biểu ngày 8/2, ông Lane thừa nhận lạm phát đã tăng chậm lại nhanh hơn so với dự báo của ông và các đồng nghiệp, nhưng các nhà hoạch định vẫn đang theo dõi dữ liệu tăng lương, chính sách tài khóa và chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Ông chia sẻ ECB không muốn giữ lãi suất quá cao trong một khoảng thời gian dài, nhưng cũng không muốn hành động quá vội vã. Để đảm bảo lạm phát quay về mục tiêu 2%, châu Âu “cần phải tiến xa hơn nữa trong quá trình giảm phát”.
Tương tự, nhà kinh tế học Schnabel cho rằng: “Chặng đường cuối cùng vẫn là một mối lo ngại”.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, bà Schnabel nói: “Chúng tôi đang quan sát sự tiến triển chậm lại của giảm phát, điển hình ở chặng đường cuối. Điều này có mối liên hệ rất chặt chẽ với động lực tăng trưởng tiền lương, năng suất và lợi nhuận”.