📞

Hezbollah trong xung đột Israel-Hamas: Tưởng vậy mà không phải vậy

Minh Vương 07:15 | 08/11/2023
Theo The Economist (Anh), bất chấp sự ủng hộ dành cho Hamas, các tuyên bố của Hezbollah cho thấy họ không muốn một cuộc xung đột toàn diện với Israel.
Đám đông theo dõi bài phát biểu trực tuyến của thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah tại Beirut, Lebanon ngày 3/11. (Nguồn: AFP)

Điều này thể hiện rõ nét trong tuyên bố ngày 3/11 của thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah. Đây là bài phát biểu chính thức đầu tiên của nhân vật này kể từ khi xung đột Israel-Hamas bắt đầu gần một tháng trước.

Kể từ đó, phong trào Hezbollah đã bắn nhiều đợt tên lửa, mới đây là các máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ, nhắm vào miền Bắc Israel. Đồng thời, lực lượng này từng cảnh báo căng thẳng sẽ leo thang nếu Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đổ bộ vào dải Gaza. Tuy nhiên, khi mà Nhà nước Do Thái đã “bước qua lằn ranh đỏ” này hồi tuần trước, mọi sự chú ý tại Lebanon đã đổ dồn về phong trào Hồi giáo do ông Nasrallah lãnh đạo.

Sự quan ngại bao trùm Lebanon. Nhiều người đã tích trữ lương thực và nhiên liệu. Số khác đã gói gém đồ đạc, chuẩn bị sẵn để tới sân bay di tản. Không phải Thủ tướng Najib Mikati, chính ông Nasrallah, người không nắm bất kỳ vị trí chính thức nào, mới quyết định xem quốc gia này có tham gia xung đột hay không.

Ba thông điệp

Kịch bản nhiều người Lebanon lo ngại đã không diễn ra. Như thường lệ, bài phát biểu 90 phút của ông Nasrallah dành phần lớn thời lượng để chỉ trích Israel và Mỹ và không đề cập bất cứ điều gì về leo thang căng thẳng. Thay vào đó, ông Nasrallah đã nêu lên ba thông điệp.

Đầu tiên, thủ lĩnh Hezbollah đã không được báo về chiến dịch tấn công của Hamas. Theo ông, thông tin được giữ kín với các phe khác tại Palestine và Iran. Washington, Tehran và Nhà nước Do Thái đều chia sẻ đánh giá này.

Tính đến nay, hơn 1.400 người, hầu hết là dân thường, đã thiệt mạng ở Israel kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, trong đó phong trào Hồi giáo này bắt hơn 240 người làm con tin. Đáp trả, Israel đã bắn phá Gaza và phát động chiến dịch trên bộ. Bộ Y tế của Hamas thông báo hơn 9.700 người đã thiệt mạng, phần lớn là dân thường, với 1,5 triệu người Palestine phải di tản để tránh cuộc xung đột.

Thứ hai, thủ lĩnh Hezbollah kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Đơn cử, ông đã hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo tối cao Iran, Ali Khamenei, khi tiếp tục yêu cầu khối Arab vùng Vịnh áp đặt lệnh cấm vận dầu Israel. Tuyên bố của thủ lĩnh Hezbollah đang “chĩa mũi dùi” vào các nước này, vốn không hưởng ứng tuyên bố của Tehran, đồng thời khẳng định: Hezbollah không chịu trách nhiệm kết thúc xung đột.

Thứ ba, các tuyên bố này hướng tới tự đề cao vai trò của lực lượng này. Ông Nasrallah khẳng định Israel hiện đang hứng chịu hỏa lực từ mọi phía - từ Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon và các lực lượng dân quân khác được Iran hậu thuẫn ở nơi khác, một tình huống “chưa từng có” từ năm 1948. Thủ lĩnh này cũng liệt kê ra một danh sách các đơn vị của IDF đã được triển khai tới biên giới Lebanon. Theo ông, chính hỏa lực hạn chế của Hezbollah đã góp phần đáng kể vào nỗ lực giảm thiểu xung đột hiện nay khi “trói chân” một phần của IDF.

Ông Nasrallah nêu rõ: “Nỗ lực của chúng ta ngày hôm nay là chưa đủ, và sẽ chưa kết thúc”. Tuy nhiên, ông Nasrallah lại không đề cập cụ thể những gì Hezbollah có thể làm với xung đột này thời gian tới.

IDF tiếp tục duy trì một phần lực lượng gần biên giới Lebanon để đáp trả các cuộc tấn công của Hezbollah vào lãnh thổ Nhà nước Do Thái. (Nguồn: AFP/Gety Images)

Áp lực bủa vây

Nhìn chung, bài phát biểu này cho thấy thủ lĩnh Hezbollah muốn giữ nguyên hiện trạng, và ông có nhiều lý do để duy trì lập trường đó. Chính quyền Mỹ đã cử hai nhóm tàu sân bay tới Địa Trung Hải để cảnh báo Hezbollah không leo thang căng thẳng. Trong khi đó, giới chức Iran coi lực lượng này là “quân bài” tối quan trọng để ngăn Israel tấn công trực tiếp. Hiện nước Cộng hòa Hồi giáo chưa sẵn sàng đánh đổi Hezbollah để duy trì Hamas.

Trong khi đó, lực lượng Hezbollah cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực nội bộ. Lebanon đã trải qua 4 năm khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Lạm phát hàng năm ở trên 100% trong 3 năm liên tiếp. Đồng nội địa mất tới 98% giá trị. Một cuộc xung đột trực tiếp nữa sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục. Khối vùng Vịnh từng cam kết hơn 1 tỷ USD để tái thiết Lebanon sau xung đột năm 2006, song họ đang dần mệt mỏi với tình trạng mất kiểm soát tại quốc gia Trung Đông này và có thể sẽ không hào phóng như trước nữa.

Một cuộc thăm dò do al-Akhbar, tờ báo thân Hezbollah công bố cho thấy, 68% người dân không ủng hộ một cuộc xung đột toàn diện với Israel. Ngay cả trong số những người Shi’ite ở Lebanon, lực lượng chính ủng hộ Hezbollah, cũng có nhiều ý kiến trái chiều: 51% ủng hộ xung đột, trong khi 49% còn lại phản đối.

Trong bối cảnh đó, Hezbollah hy vọng sự kiềm chế của mình sẽ được hồi đáp bằng các lợi ích chính trị. Kể từ tháng 10/2022, sau khi ông Michel Aoun kết thúc nhiệm kỳ, Lebanon đã không có Tổng thống. Quốc hội nhiều lần thất bại nhiều lần trong việc lựa chọn người kế nhiệm. Khi đó, Hezbollah muốn ông Suleiman Frangieh, đồng minh thân cận của lực lượng này và Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tiếp quản "ghế nóng". Việc kiềm chế tham gia xung đột có thể giúp họ đạt mục tiêu này, thậm chí cả các vị trí khác, bao gồm giám đốc cơ quan tình báo.

Tuy nhiên, sự kiềm chế ấy không đồng nghĩa rằng Hezbollah sẽ dừng các đợt tấn công hằng ngày vào Israel. Ở phía bên kia, chưa có dấu hiệu cho thấy Nhà nước Do Thái sẽ xem xét ngừng bắn. Xung đột sẽ tiếp tục kéo dài. Có lẽ, đây không phải lần cuối người dân Lebanon đợi chờ ông Nasrallah quyết định số phận của mình.