Giải bài toán nhân lực chất lượng cao
GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ |
Là nhà khoa học giàu tâm huyết với quê hương, GS. VS. Nguyễn Quốc Sỹ (Đại học Năng lượng quốc gia Moscow, Nga), Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT khẳng định, thời gian qua Việt Nam đạt được kết quả nhất định trong việc thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến, trực tiếp tư vấn, đầu tư dự án trong nước của đội ngũ trí thức kiều bào.
Tuy nhiên, công tác này không dễ dàng khi lực lượng trí thức kiều bào phân bố trên khắp các quốc gia, châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau; không tập trung trong một hoặc một vài chuyên ngành khoa học mà hoạt động trong khắp các lĩnh vực; thường làm việc trong nhiều hệ thống khoa học, tổ chức quản lý, mô hình hoạt động và văn hóa khác nhau…
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng: “Khó khăn cũng phải làm, vì tác dụng và hiệu quả to lớn, vì trong đó có sự tham gia trực tiếp, làm cầu nối hợp tác của các trí thức kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
GS. VS. Nguyễn Quốc Sỹ thẳng thắn chỉ ra một số thiếu sót trong việc thu hút trí thức kiều bào như thiếu cơ chế chính sách cụ thể để có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ; thiếu bộ máy tổ chức triển khai hiệu quả tại chỗ trong các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương, trong các cơ quan nghiên cứu…; thiếu kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và làm việc, trang thiết bị và mô hình tổ chức quản lý hiệu quả cho triển khai các hoạt động khoa học công nghệ; ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều cấp có biểu hiện thiếu sự cầu thị đối với các trí thức kiều bào trong triển khai các dự án khoa học công nghệ...
GS. VS. Nguyễn Quốc Sỹ đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm tháo gỡ những khó khăn trên.
Trước tiên, “Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện mọi lúc, mọi nơi sự trân trọng, cầu thị, lắng nghe, tôn vinh trí thức kiều bào và ghi nhận những thành quả thiết thực mà họ đem lại cho xã hội và đất nước. Có như vậy, trí thức kiều bào mới sẵn sàng trở về làm việc, cống hiến, đem sức mình phục vụ nhân dân, Tổ quốc”.
Tiếp theo, việc tập trung mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu, không thể đầu tư một cách dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, cần cải tổ bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức kiều bào, theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn, thị trường, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động.
Cũng theo GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức kiều bào cần có những cá nhân xuất sắc, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công việc của mình.
Ông chia sẻ: “Những thủ lĩnh phải là người có đầy đủ yếu tố cần thiết, có tâm, có tầm, có tri thức, văn hóa và tuyệt đối trung thành với quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Chúng ta phải phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để xuất hiện những thủ lĩnh trí thức kiều bào làm nòng cốt cho kế hoạch thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước… Trong hợp tác với các nước phát triển, hết sức chú ý sử dụng vai trò cầu nối của lực lượng trí thức kiều bào”.
Khoa học cơ bản là nền tảng
GS. Trần Thanh Vân. |
Với GS. Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), khoa học cơ bản là nền tảng, không có nó thì không thể có khám phá, ứng dụng và phục vụ phát triển bền vũng.
Là người sáng lập Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam với mục đích kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam, GS. Trần Thanh Vân mong Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, từ đó đưa Việt Nam phát triển cùng với tiến triển của khoa học thế giới.
Trong gần 30 năm, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam của ông đã tổ chức 18 lần chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế “Gặp gỡ Việt Nam” làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế.
Hội đã xây dựng ICISE tại Bình Định và thành lập Viện nghiên cứu IFIRSE-viện nghiên cứu cơ bản tư nhân, hoạt động theo tinh thần và mô hình của các viện nghiên cứu trên thế giới.
GS. Trần Thanh Vân cho biết, thời gian tới, nhóm sẽ mở rộng số lượng thành viên và xây dựng phòng thí nghiệm cùng với các máy đo được đặt ở Trung tâm ICISE. Mục tiêu là trong vòng 5-10 năm, Việt Nam sẽ có một nhóm hoạt động độc lập, bao gồm các nhà vật lý trong nước và các nhà vật lý nước ngoài, tham gia các thí nghiệm lớn trên thế giới.
Hiện nay, ICISE bước đầu thiết lập được một phòng thí nghiệm với các thiết bị do các giáo sư Nhật Bản tặng và tự trang bị để có thể bắt đầu làm được một số thí nghí nghiệm nhỏ về Neutrino tại Quy Nhơn. Các sự kiện khoa học tổ chức tại Trung tâm ICISE đã thu hút được hàng nghìn nhà khoa học quốc tế danh tiếng và uy tín đến thành phố Quy Nhơn; quy tụ lãnh đạo nhiều tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tới Bình Định (như CERN, Fermilab, INRA, CNRS, IRD, SOLVAY, AIRBUS, SANOFI…).
Về giải pháp nhân lực, GS. Trần Thành Vân cho biết cần đẩy mạnh và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Quỹ khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED để tăng cường sức mạnh của các nghiên cứu sinh đầy nhiệt huyết muốn cống hiến cho khoa học Việt Nam. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao của người Việt Nam ở nước ngoài trở về chung tay đóng góp cho khoa học nước nhà.
Cần loại bỏ tư tưởng e ngại
TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm. |
Ngay từ khi mới học tập và làm việc tại Đức, TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm (Viện trường Đại học Y Charité Berlin) luôn thường trực ước mơ được đem những kiến thức tiên tiến về để phát triển lĩnh vực y tế tại Việt Nam.
Từ năm 2017, chị kết nối Đại học Y Charité Berlin và Đại học Y Hà Nội, được chính phủ Đức tài trợ trong Chương trình toàn cầu hợp tác bệnh viện, cũng như nhận được tài trợ của Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) để xây dựng chương trình hợp tác giữa hai trường.
Mục tiêu hàng đầu của chương trình hợp tác đó là phát triển nguồn nhân lực như giảng dạy cho sinh viên, học viên sau đại học, đào tạo bác sĩ chuyên khoa và đào tạo tiến sĩ, tăng cường nghiên cứu khoa học và góp phần hiện đại hóa ngành tâm thần tại Việt Nam.
Chia sẻ suy nghĩ về nhân lực trí thức người Việt ở nước ngoài, TS.BS. Tạ Thị Minh Tâm khẳng định đây là nguồn trí thức quý giá góp phần đẩy nhanh sự phát triển cho quê hương. Bởi vì, kiều bào không chỉ đóng góp chuyên môn mà còn có sợi dây tình cảm gắn bó với đất nước, hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, con người cũng như bối cảnh xã hội tại Việt Nam.
Theo chị Tâm, phần lớn kiều bào đều mong có cơ hội đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng đất nước, nhưng họ vẫn e dè do chưa có những chính sách lâu dài, ổn định. Để loại bỏ tư tưởng e ngại này, cần tiếp tục kết nối, tổ chức gặp gỡ thường xuyên, xây dựng mạng lưới, lập danh sách các lĩnh vực chuyên môn của từng người.
Chị chia sẻ: “Cần xây dựng chính sách lâu dài toàn diện cho trí thức Việt kiều về làm việc tại Việt Nam, bao gồm chính sách tiền lương, môi trường làm việc, tạo điều kiện cho gia đình họ có thể cùng học tập, làm việc cũng như hòa nhập với cuộc sống nếu có nguyện vọng sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam”.
| Những ‘bông hồng Việt’ ở nước ngoài Sinh sống tại khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phụ nữ Việt Nam như những bông hoa tỏa hương, ngày ... |
| Trí thức người Việt hiến kế làm nông nghiệp thông minh Với nhiều góc nhìn từ chuyên gia, trí thức người Việt trong và ngoài nước, bức tranh về quy trình sản xuất và phát triển ... |
| Ngày Doanh nhân Việt Nam: Kết nối mạng lưới các hội doanh nhân kiều bào toàn cầu Tối 12/10, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu tổ ... |
| Bàn giải pháp thu hút và tập hợp đội ngũ trí thức kiều bào Ngày 30/11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đồng chủ trì Hội thảo "Thu hút, ... |
| Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam: Những nỗ lực không thể phủ nhận Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, ... |