📞

Hiện tượng ‘thỏi nam châm’ thu hút FDI và những ưu thế vượt trội của Việt Nam

Hoàng Nam 08:15 | 26/03/2021
TGVN. Khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính sách ưu đãi và sự ổn định về chính trị khiến Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến an toàn, là ‘thỏi nam châm’ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhà máy Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Samsung hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam. (Nguồn: Samsung)

Trong những tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực trong thu hút FDI. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, "hiện tượng" dòng vốn FDI rót vào Việt Nam gần đây là điều dễ dự báo khi nhìn vào loạt báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được công bố gần đây.

Theo đó, Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố vào tháng 2 cho thấy, có gần 47% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng sản xuất - kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng và sản xuất hàng hóa thông dụng ở mức cao so với các quốc gia, khu vực khác (khoảng 50%). Ngoài ra, có 16,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới.

Trước đó, Báo cáo khảo sát tâm lý kinh doanh lần thứ 6 của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN công bố vào tháng 10/2020 cho thấy, mặc dù có sự sụt giảm về cảm nhận tích cực đối với môi trường kinh doanh tại ASEAN, song 72% doanh nghiệp EU khảo sát đang ở Việt Nam cho biết vẫn có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trong đó, sự hài lòng về cách thức ứng phó với Covid-19 của Chính phủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cộng đồng doanh nghiệp EU tự tin về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021, Ngân hàng Thế giới nhận định, sự phục hồi kinh tế trong nước đang đi đúng hướng khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng dương trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ ba.

Việc nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 mới vào cuối tháng 1 đã giúp duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2021.

Về vấn đề này, TG&VN có cuộc trao đổi với ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, đầu tư, thị trường vốn và có gần 14 năm làm việc tại Việt Nam.

Bất chấp đại dịch Covid-19 và sự khó khăn của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI. Vậy theo ông, lợi thế của Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực trong con mắt nhà đầu tư FDI là gì?

Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam càng trở thành điểm đến tin cậy của dòng vốn FDI. Đặc biệt, dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt và giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia, và Việt Nam trở thành điểm đến mới đầy tiềm năng.

Hơn nữa, với tình hình bất ổn chính trị ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á trong 2 năm qua, sự ổn định chính trị của Việt Nam rõ ràng là một lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, thể hiện khả năng phục hồi bất chấp đại dịch Covid-19 và là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng GDP dương 2,91% vào năm 2020.

Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi khác như lực lượng lao động trẻ dồi dào và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của chính phủ cũng khiến Việt Nam tiếp tục là quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam. (Ảnh: VK)

Với sự dịch chuyển của nhiều nhà sản xuất và đại gia công nghệ hàng đầu đến Việt Nam trong thời gian gần đây, ông đánh giá thế nào về vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay?

Trong 15 năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Dựa trên Chỉ số Hiệu suất Công nghiệp Cạnh tranh (CIP) của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), theo dõi sự tiến bộ của lĩnh vực sản xuất các nước, Việt Nam đã tăng đều đặn trong bảng xếp hạng, đạt mức cao thứ 38 trong năm 2018 từ vị trí 58 năm 2009, thu hẹp đáng kể khoảng cách với các nước đứng đầu khu vực là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Làn sóng chuyển dịch đầu tư của các nhà sản xuất hàng đầu và các “đại gia” công nghệ được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà sản xuất điện tử lớn tại Việt Nam sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng xuất khẩu và cải thiện chuỗi cung ứng hàng điện tử của Việt Nam.

Việc các công ty như Foxconn và Samsung mở rộng sản xuất tại Việt Nam làm tăng khả năng xuất hiện làn sóng các dự án công nghệ cao vào quốc gia Đông Nam Á trong những năm tới. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc chuyển giao kỹ năng và kiến ​​thức từ các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Tất cả những lợi thế trên phù hợp với tầm nhìn và kế hoạch của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực quan trọng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, ông nhận định gì về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay?

Đối với năm 2021, FDI vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Từ sự ổn định về kinh tế và chính trị, hiệu quả về chi phí như lương sản xuất có tay nghề thấp, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cũng như các hiệp định thương mại có hiệu lực gần đây giúp giảm chi phí xuất khẩu, Việt Nam có khả năng tiếp tục thu hút FDI từ nhiều lĩnh vực và các quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Trong những tháng đầu năm 2021, đã có nhiều dự án FDI lớn được đầu tư tại các địa phương của Việt Nam, nổi bật như:

- Hải Phòng: Dự án LG Display Hải Phòng với số vốn đầu tư 750 triệu USD

- Bắc Giang: 4 dự án lớn gồm dự án nhà máy Fukang Technology - 270 triệu USD; Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV VN - 210 triệu USD; Dự án nhà máy Risesun New Material VN - 75 triệu USD và Dự án nhà máy Kodi New Material VN - 6 triệu USD)

- Quảng Ninh: Dự án nhà máy Lioncore Việt Nam - 30 triệu USD

- Đồng Nai: Thu hút 11 dự án FDI trong 13 ngày đầu năm, với tổng số vốn hơn 226 triệu USD, cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua.