CPTPP là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Mexico. (Nguồn: Reuters) |
Những tháng đầu năm mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico có sụt giảm nhưng theo các chuyên gia thương mại điều này không thật sự đáng lo. Bởi đây là thị trường lớn khoảng 130 triệu dân và có đầy đủ phân khúc khách hàng từ cao cấp đến thấp cấp.
Mặt khác, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% nên vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Hơn nữa, Việt Nam và Mexico đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên việc tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này chính là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Theo đó, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may.
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển, nhất là từ khi Hiệp định CPTPP được ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt, là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới; trong đó, có Việt Nam.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 575 triệu USD sang thị trường Mexico, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, riêng mặt hàng máy vi tính, linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico giảm đã kéo giảm đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Nguyên do bởi sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và Việt Nam không đủ nguyên liệu để cung cấp cho tất cả các thị trường, chỉ tập trung nguồn cung cho một số thị trường lớn như Mỹ.
Nhận định về vấn đề này, ông Lưu Vạn Khang - Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize) cho rằng, sau khi tình trạng thậm hụt chip điện tử được giải quyết thương mại Việt Nam - Mexico sẽ bật tăng trở lại.
Một số mặt hàng khác cũng nằm trong nhóm giảm kim ngạch như dệt may, giày dép, thủy sản. Theo lý giải, xuất phát từ quy luật thị trường phát triển theo hình sin; nhà nhập khẩu sợ các nhóm sản phẩm này cũng sẽ bị kiện chống bán phá giá như thép cán mạ, thép cán nguội của Việt Nam trong 2 năm trước.
Đặc biệt, mức thuế áp dụng với mặt hàng thép cán mạ đã được chính quyền Mexico giảm 1,6% so với phán quyết tạm thời, mức cao nhất chỉ hơn 10%.
Bên cạnh mặt hàng giảm vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, thậm chí tăng cao. Cụ thể, mặt hàng cà phê tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2022; điện thoại và linh kiện tăng 47,4%; máy móc và thiết bị phụ tùng tăng 17,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 42,9%.
Theo các chuyên gia thương mại, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh.
Đặc biệt, Mexico đang thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế, cùng với việc củng cố quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược, Mexico thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm các thị trường mới như Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào đối tác truyền thống.
Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ chính sách mở cửa, Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Hải quan như đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.
Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.
Cơ hội, tiềm năng là vậy, song để tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP mang lại, điều tiên quyết là tiếp cận thị trường doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, nghiên cứu các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn)…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.
Để mở rộng xuất khẩu, tăng thị phần hàng Việt Nam tại Mexico, các chuyên gia thương mại lưu ý nhà phân phối Mexico không nhập khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp mà họ cần sản phẩm đã được đăng ký và đang phân phối tại Mexico.
Do vậy, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này phải có đại lý phân phối ở nước sở tại. Đây là cơ hội dành cho các công ty thương mại, công ty lớn có thể mở chi nhánh đại diện tại Mexico sau đó đưa hàng hóa vào các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia hội chợ theo hình thức tập trung nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức đoàn và làm thành cả khu triển lãm hàng hóa Việt Nam. Qua đó, tạo dấu ấn và thu hút sự quan tâm, làm quen của người dân Mexico với sản phẩm của Việt Nam.
Nhằm tăng tính nhận diện của hàng hóa Việt tại Mexico, các chuyên gia thương mại đề xuất Bộ Công Thương xem xét 2 năm một lần tổ chức đoàn có quy mô 10-15 doanh nghiệp sang tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Mexico.
Mặt khác, các chuyên gia cũng đề xuất phía Mexico đưa các đoàn doanh nghiệp tương tự sang Việt Nam nhằm giúp hai bên tìm hiểu thông tin, kết nối và tìm cơ hội hợp tác để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.