Hiệp định Geneva: 60 năm nhận thức

Dương Trung Quốc *
Với một sự kiện thì thời gian 60 năm đủ để những người trong cuộc nếu như chưa từ giã cõi đời thì cũng chỉ còn là những nhân chứng của quá khứ, của một sự kiện đã lui vào dĩ vãng. Nhưng những bài học lịch sử rút ra từ sự kiện ấy thì lại luôn được nhận thức mới và sâu sắc hơn bởi tính "ngụ ngôn" của nó ứng với những thay đổi của thời cuộc.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Hiệp định Geneva: 60 năm nhận thức
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thượng khách của Chính phủ Pháp, đến sân bay Bourget, tháng 7/1946..

Ngay sau khi bản Hiệp định Geneva được ký kết vào rạng sáng ngày 21/7/1954 nhưng vẫn xác định thời điểm chính thức là ngày 20/7 thì hiệu ứng giành được sự quan tâm lớn nhất của nhân dân Việt Nam cũng như thế giới là một cuộc đình chiến và hy vọng vào một nền hoà bình, chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương giữa một thế giới đã phân cực đầy sự ngờ vực và thù địch của thời Chiến tranh Lạnh.

Vào thời điểm ấy, trong lời kêu gọi nhân sự kiện này (22/7/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to!". Thắng lợi ấy được xác định: "Chính phủ Pháp đã thừa nhận rằng độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp phải rút khỏi nước ta". Vào thời điểm ấy, người dân Việt Nam đều nhớ rất rõ: Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước toàn thế giới vào ngày 2/9/1945 rằng nước Việt Nam đã thực sự độc lập.

Vậy mà, trước những khó khăn của thời cuộc và cũng nhằm sớm thoát khỏi sự can thiệp của phương Bắc (lúc đó là Trung Hoa Dân Quốc đối với vận mệnh của Dân tộc Việt Nam), ngày 6/3/1946 người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập phải ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp trong đó chấp nhận nước Việt Nam sẽ là một "quốc gia tự do" trong Khối Liên hiệp Pháp. Để có được niềm tin của dân vào một nước cờ ngoại giao táo bạo này, trong một cuộc mít tinh lớn để giải thích cho việc ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tuyên bố với quốc dân đồng bào rằng mình "không bao giờ bán nước".

Hiệp định Geneva: 60 năm nhận thức
Các Trưởng đoàn sau khi ký Hiệp định Geneva tháng 7/1954.

Rồi để tránh một cuộc chiến tranh do các phần tử diều hâu trong chính giới Pháp âm mưu gây hấn, và để bảo vệ nhà nước Cộng hoà còn rất non trẻ, vị nguyên thủ của nước Việt Nam Mới lại quyết đi sang tận nước Pháp để vận động hoà bình. Cuộc vận động kéo dài cả đi lẫn về tới gần năm tháng (từ 31/5- 20/10/1946) để có được một bản Tạm ước được ký vào phút chót của chuyến đi nhằm tiếp tục duy trì các cuộc thương lượng. Nhưng rồi chiến tranh vẫn bùng nổ vì thực dân quyết bóp chết nền độc lập của Việt Nam và ngược lại, chúng ta cũng kiên quyết không chấp nhận sự chia cắt quốc gia và coi sự toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng và không thể thỏa hiệp.

Vì thế mà một hiệp định lần đầu tiên được xác lập tại một cuộc Hội nghị quốc tế ở Geneva, vốn ban đầu chỉ để các nước lớn bàn thảo về thời cuộc thế giới nay ghi nhận thành văn bản với sự cam kết của Việt Nam và Pháp cùng một số cường quốc trong đó trịnh trọng thừa nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam thì đúng là một thắng lợi cực kỳ to lớn.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc: "phải ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặng thống nhất nước nhà... phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự". Trong đoạn văn này những chữ "thống nhất" và "dân chủ thực sự" được nhấn mạnh bằng chữ in nghiêng.

Nhưng ngay trong ngày kết thúc Hội nghị Geneva, Mỹ đã tuyên bố không ký vào văn bản hiệp định và người ta cũng đã chứng kiến một động thái dự báo một tương lai không sáng sủa cho việc thực hiện bản hiệp định vừa được ký. Người đứng đầu Đoàn Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Chu Ân Lai đã mời đến dự tiệc chiêu đãi tại trụ sở Đoàn mình không chỉ có người đứng đầu chính phủ Việt Nam DCCH mà còn có Ngô Đình Luyện của Quốc gia Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại. Nhân vật này là em ruột của Ngô Đình Diệm, người được Bảo Đại cử làm thủ tướng rồi chẳng bao lâu sau tiếm quyền lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, cũng có nghĩa là chuyển ảnh hưởng từ Pháp (quốc gia ký hiệp định) qua Mỹ (quốc gia không ký). Như thế, hai cường quốc quan trọng nhất là Mỹ và Trung Quốc đều có chung một ý đồ.

Sau việc đình chiến, Hiệp định Geneva còn có một điều khoản là tạm chia nước Việt Nam làm hai miền Bắc và Nam lấy vĩ tuyến 17 độ Bắc làm giới tuyến và khu phi quân sự để cách ly lực lượng quân sự và chính quyền hai bên. Hiệp định nói rõ sự chia cắt này chỉ tạm thời và không quá hai năm phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do thống nhất lại thành một nước Việt Nam có thể chế do dân chúng lựa chọn.

Ngay từ đầu, Mỹ công khai bày tỏ không chấp nhận cuộc tổng tuyển cử vì biết chắc rằng miền Bắc của Hồ Chí Minh sẽ thắng tuyệt đối. Trung Quốc thì thấy lợi ích của mình cùng "phe XHCN" là cần duy trì hiện trạng chia cắt làm hai giống như nước Đức sau Thế chiến II, như bán đảo Triều Tiên mới xác lập và Việt Nam tạo ra "vùng đệm" hay tiền đồn cho cuộc đối đầu thời Chiến tranh Lạnh giữa Đông và Tây. Riêng với Trung Quốc, do yếu tố địa lý, Việt Nam còn được coi không chỉ là "phên dậu" bảo vệ mà còn là "bàn đàm phán để đi đêm" với Mỹ.

Tại miền Bắc, thành công của công cuộc khôi phục kinh tế với sự giúp sức và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và "phe XHCN" cũng tạo ra một xu thế tả khuynh dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong thực hiện cải cách ruộng đất và trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật thì "vụ án Nhân văn Giai phẩm" đã tác động tiêu cực vào cuộc vận động tổng tuyển cử.

Tuy vậy, cũng nên nhắc đến một chi tiết lịch sử thú vị là cho đến tận tháng 8/1958, chính quyền miền Bắc vẫn gửi giấy mời chính quyền miền Nam cử đoàn bóng đá của mình ra thi đấu với đội bóng miền Bắc nhân khánh thành Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội và cũng sẵn sàng gửi đội cua-rơ miền Bắc vào Sài Gòn tham dự Giải đua xe đạp mang tên "Cộng hoà" do chính quyền miền Nam tổ chức. Lá thư mời viết những điều rất cảm động : "Phong trào thể dục, thể thao Bắc Nam cùng chung một lịch sử, cũng như nhân dân hai miền vốn chung một huyết thống dân tộc từ ngàn xưa"... Kết cục, ngày 24/8/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà lãnh đạo miền Bắc đến dự Lễ khánh thành sân Hàng Đẫy nhưng trận đấu bóng lại diễn ra giữa hai đội tuyển Hà Nội và Phnom Penh (Campuchia) vì lá thư mời không được hồi đáp.

Trong khi đó, tại miền Nam Việt Nam, sau chuyến đi thăm và gặp Tổng thống cùng Quốc hội Mỹ, Ngô Đình Diệm đã lật đổ Bảo Đại với chủ trương không những không tán thành tổ chức Tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Geneva mà còn hô hào "lấp sông Bến Hải" và Bưu chính Sài Gòn đã phát hành bộ tem "Toàn dân đoàn kết chuẩn bị Bắc tiến"...

Mười năm sau ngày ký kết Hiệp định Geneva (7/1964), chiến tranh đã mở rộng tại miền Nam Việt Nam với sự có mặt trực tiếp của quân Mỹ và chỉ vài tuần sau đó đã xảy ra sự kiện "Vịnh Bắc Bộ" để lấy cớ cho Tổng thống Johnson phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ trực tiếp đánh ra miền Bắc nước ta (5/8/1964).

Chính dựa trên ý chí được thể hiện trong Hiệp định Geneva về sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một nước Việt Nam độc lập mà nhân dân Việt Nam thực hiện mục tiêu "bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" với những phương thức sáng tạo gắn với sự ra đời và phối hợp kháng chiến của các thiết chế chính trị và lực lượng vũ trang hai miền Nam Bắc cũng như triển khai phương thức "vừa đánh vừa đàm" để sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968), Hội nghị Paris được triệu tập.

Trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, chúng ta luôn bám sát thành tựu của Hiệp định Geneva để khẳng định tính hợp pháp và quyền hành động của công cuộc kháng chiến với mục tiêu cao nhất là đánh đuổi sự can thiệp của nước ngoài, bảo vệ nền độc lập, thực hiện thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hai mươi năm sau Hiệp định Geneva (7/1974), Mỹ đã ký kết Hiệp định Paris và rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam (1973). Như vậy là sau gần hai thập kỷ kể từ khi tham dự mà không ký vào văn bản cuối cùng của Hiệp định Geneva (20/7/1954), Mỹ đã chính thức ký vào văn bản Hiệp định Paris (27/1/1973). Và cũng giống như Pháp, Mỹ "cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam" và rút toàn bộ quân đội ra khỏi Việt Nam... Nói cách khác, những điều khoản cơ bản trong Hiệp định Geneva đã được Mỹ cam kết tại Hiệp định Paris.

Trong lúc nhân dân Việt Nam đang hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc với một xu thế không thể đảo ngược trên đất liền, thì việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa ngoài Biển Đông (17/1/1974) lúc này do chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang quản lý, báo hiệu một hình thái vi phạm những giá trị thiêng liêng được các hiệp định quốc tế ghi nhận.

Sau này, các nhà bình luận quốc tế thường nói đến sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Việt Nam DCCH trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (với Pháp) là nấc thang để quốc gia mới xác lập quyền lực từ năm 1949 này bước vào vũ đài ngoại giao quốc tế từ cánh cửa Geneva; tiếp đó chủ trương "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng" để đạt tới bản Thông cáo chung ở Thượng Hải (1972) xoay chuyển chiến lược của Trung Quốc liên minh với Mỹ để đối phó với người đồng minh cũ của mình là Liên Xô.

Thế rồi đứng trước tình thế không thể đảo ngược được dẫn tới sự hình thành một nước Việt Nam thống nhất và độc lập sau năm 1975 thì Trung Quốc kiên trì thực hiện một chiến lược lâu dài nhằm vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong đó có Biển Đông. Từ việc xúi giục Tập đoàn Polpot mở cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam đến việc trực tiếp điều 60 vạn quân đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (1979)...

Ba mươi năm sau Hiệp định Geneva (7/1984), Việt Nam đứng trước khó khăn to lớn vừa đối phó với sức ép của Trung Quốc vừa gồng mình cùng nhân dân Campuchia tiêu diệt tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ. Đó cũng là thời điểm Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ nước ta cả trên bộ và ngoài biển đặc biệt nghiêm trọng là trận đánh chiếm Gạc Ma và một số bãi cạn trên quần đảo Trường Sa (1988) nhằm gây dựng những căn cứ tiền tiêu cho mưu đồ toàn chiếm Biển Đông sau này.

Ba mươi năm tiếp theo, cùng với công cuộc Đổi mới, quan hệ Việt - Trung được bình thường hoá và từng bước được cải thiện. Biên giới trên bộ và việc phân định ranh giới vùng Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, cùng với việc Việt Nam tham gia Công ước của LHQ về Luật Biển (1982) và thông qua Luật Biển (2012) là những nỗ lực to lớn để củng cố thành quả của công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như các hiệp định quốc tế đã xác nhận.

Hiệp định Geneva: 60 năm nhận thức
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Tuy nhiên, tạo ra những vấn đề tranh chấp chủ quyền với Việt Nam vẫn luôn là ý đồ của Trung Quốc khi "quốc gia đang trỗi dậy" này ngang ngược đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" coi đó là lợi ích cốt lõi của mình để toàn chiếm Biển Đông. Sự kiện bất chấp luật pháp quốc tế, cam kết với ASEAN (DOC) và những cam kết cấp cao với Việt Nam, từ đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam và gần đây nhất lại thêm giàn khoan Nam Hải 9 đặt trong vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc Bộ càng cho thấy mưu đồ lâu dài của Trung Quốc là không cần tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước khác. Với Việt Nam, cũng có nghĩa là chà đạp lên bản Hiệp định Geneva mà chính Trung Quốc đã ký 60 năm trước.

60 năm sau Hiệp định Geneva và hơn 40 năm sau Hiệp định Paris, những diễn biến của thời cuộc càng làm chúng ta hiểu được thấu đáo cái giá trị được khẳng định trong các cam kết quốc tế về sự thừa nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và dân tộc Việt Nam là vô cùng thiêng liêng và nhận thức thêm sâu sắc nghĩa vụ phải bảo vệ những giá trị ấy như thành quả đổi bằng xương máu của biết bao nhiêu thế hệ nhân dân ta mới có được.

Hà Nội, tháng 7/2014

(*) Nhà sử học Dương Trung Quốc sinh năm 1947, quê gốc Bến Tre, sống tại Hà Nội. Ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.

Dương Trung Quốc *

Xem nhiều

Đọc thêm

C asean Vietnam tổ chức thành công Buổi chia sẻ 'Việt Nam trong ASEAN'

C asean Vietnam tổ chức thành công Buổi chia sẻ 'Việt Nam trong ASEAN'

Sự kiện diễn ra vào ngày 20/12 có sự tham dự và chia sẻ của các diễn giả đã và đang công tác tại Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, ...
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm Quốc phòng giúp người dân tin tưởng vào sức mạnh Quân đội

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm Quốc phòng giúp người dân tin tưởng vào sức mạnh Quân đội

Thông qua Triển lãm Quốc phòng, người dân có thêm hiểu biết về nền công nghiệp quốc phòng quốc gia, tin tưởng vào sức mạnh của Quân đội.
Giá tiêu hôm nay 23/12/2024: Tiếp đà giảm, thị trường bị ảnh hưởng bởi đồng USD và dòng tiền đổ về cà phê

Giá tiêu hôm nay 23/12/2024: Tiếp đà giảm, thị trường bị ảnh hưởng bởi đồng USD và dòng tiền đổ về cà phê

Giá tiêu hôm nay 23/12/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 144.000 - 145.500 đồng/kg.
Giá vàng hôm nay 23/12/2024: Giá vàng 'chao đảo', kim loại quý chuẩn bị vào đợt tăng mới, thận trọng với 'điểm rơi' của giá Bitcoin trong năm 2025?

Giá vàng hôm nay 23/12/2024: Giá vàng 'chao đảo', kim loại quý chuẩn bị vào đợt tăng mới, thận trọng với 'điểm rơi' của giá Bitcoin trong năm 2025?

Giá vàng hôm nay 23/12/2024: Giá vàng 'chao đảo', kim loại quý chuẩn bị vào đợt tăng mới, 'điểm rơi' của Bitcoin là năm 2025?
Ấn tượng Trung Nguyên E-Coffee tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Ấn tượng Trung Nguyên E-Coffee tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (19 – 23/12/2024), duy nhất mô hình Trung Nguyên E-Coffee – Cộng đồng 3 nền văn minh cà ...
Tổng thống Putin đe dọa sẽ hủy diệt Ukraine, khẳng định Nga sẽ 'luôn đáp trả mọi thách thức' đến từ phương Tây

Tổng thống Putin đe dọa sẽ hủy diệt Ukraine, khẳng định Nga sẽ 'luôn đáp trả mọi thách thức' đến từ phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 đã tuyên bố sẽ mang tới Ukraine nhiều 'sự hủy diệt' hơn nữa.
Những con bài nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ

Những con bài nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyến thăm của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tới Ankara là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm ảnh hưởng và mở thêm cơ hội gia nhập EU.
Nga-Ấn Độ: Chiều sâu của quan hệ đối tác

Nga-Ấn Độ: Chiều sâu của quan hệ đối tác

Chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ một lần nữa cho thấy chiều sâu của mối quan hệ đối tác quân sự truyền thống giữa New Dehli và Moscow.
Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Con đường dài hòa giải

Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Con đường dài hòa giải

Việc Israel và Hezbollah chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn làm dấy lên hy vọng có thể tạo hiệu ứng hòa giải cho các 'điểm nóng' xung đột dai dẳng khác.
Xung đột Nga-Ukraine: Tình thế 'bên miệng hố chiến tranh', nguy cơ Thế chiến III và kịch bản đàm phán

Xung đột Nga-Ukraine: Tình thế 'bên miệng hố chiến tranh', nguy cơ Thế chiến III và kịch bản đàm phán

Những ngày gần đây, xung đột Nga-Ukraine có bước leo thang mới khó lường, cuộc chiến tên lửa căng thẳng, rộ lên cảnh báo nguy cơ Thế chiến III.
Bắc Âu-Baltic: Nỗ lực hợp tác hay chia rẽ?

Bắc Âu-Baltic: Nỗ lực hợp tác hay chia rẽ?

Tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước láng giềng trong khu vực là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh các nước Bắc Âu và Baltic...
Kiến tạo lòng tin, thúc đẩy đối thoại

Kiến tạo lòng tin, thúc đẩy đối thoại

ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò là nền tảng cho hợp tác trên thực tế và có ý nghĩa giữa ASEAN với các nước bên ngoài khu vực trong lĩnh vực an ninh.
Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.
Ukraine tăng gia sản xuất vũ khí tầm xa 'cây nhà lá vườn' để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Ukraine tăng gia sản xuất vũ khí tầm xa 'cây nhà lá vườn' để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Để giảm phụ thuộc viện trợ quân sự phương Tây và tăng khả năng phản công, Ukraine đang mở rộng kho vũ khí tầm xa có thể tấn công lãnh thổ Nga.
Ấn Độ-Indonesia: Làm sâu sắc nền tảng của tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ấn Độ-Indonesia: Làm sâu sắc nền tảng của tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi lên như tâm chấn địa chính trị của thế kỷ XXI, Ấn Độ và Indonesia thúc đẩy quan hệ đối tác hàng hải chiến lược.
Nga và 'biến cố' Syria: Chấp nhận tổn thất lớn, bước lùi tạm thời vì đại cục

Nga và 'biến cố' Syria: Chấp nhận tổn thất lớn, bước lùi tạm thời vì đại cục

Mặc dù sự sụp đổ của chính quyền đồng minh ở Syria là tổn thất khó bù đắp đối với Nga nhưng Moscow có thể không còn lựa chọn nào khác.
Bất định đối thoại hạt nhân Iran dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0

Bất định đối thoại hạt nhân Iran dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0

Với màn “tái xuất” của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ mới, quan hệ Mỹ-Iran sẽ chứng kiến nhiều biến động trong đối thoại hạt nhân, góp phần định hình nên tác động lâu dài ...
Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Những toan tính về Syria chưa khi nào nguôi trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Cân đối tình hình, Ankara có những hành động táo bạo hơn.
Phiên bản di động