Hội nghị liên chính phủ thông qua Hiệp định trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ) ngày 16/9/2023. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) |
Dấu mốc lịch sử
Là khu vực nằm ngoài 200 hải lý, không thuộc quyền tài phán của bất cứ quốc gia nào, vùng biển quốc tế chiếm 2/3 diện tích biển, đại dương trên thế giới và bao phủ gần 50% bề mặt Trái đất. Tại nơi này, tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, gồm sinh vật và phi sinh vật, mang lại lợi ích to lớn cho con người.
Vùng biển quốc tế đóng vai trò quan trọng không chỉ trong giao thông, vận tải mà còn trong phát triển kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu, góp phần vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng ven biển.
Trong một dịp trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhận định: "Sự thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) năm ngoái đã chứng minh cộng đồng quốc tế có khả năng bổ sung thay vì làm suy yếu UNCLOS. Đó là một khác biệt quan trọng". |
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà đa số chưa được con người khám phá hết. Chỉ có số ít các quốc gia, tổ chức làm chủ về khoa học - công nghệ mới có năng lực tới khám phá thăm dò tại những vùng biển xa xôi và sâu thẳm đó.
Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), văn kiện được xem là Hiến pháp của biển và đại dương, đã đặt ra các quy định về quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá và tự do nghiên cứu khoa học trên biển ở các khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế... Tuy nhiên, UNCLOS không có điều khoản nào đề cập cụ thể việc tiếp cận, sử dụng và chia sẻ lợi ích từ các nguồn đa dạng sinh học biển nằm ngoài những vùng thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như chưa có cơ chế điều phối, kiểm soát các hoạt động trên biển nhằm bảo vệ các nguồn gene khỏi sự suy giảm, cạn kiệt.
Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa đạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, cộng đồng quốc tế nỗ lực có những hành động tập thể chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ làm suy thoái môi trường biển và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tới biển và đại dương.
Quá trình đàm phán văn kiện ràng buộc pháp lý về đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đã diễn ra trong gần 20 năm qua.
Ngày 4/3/2023, tại New York (Mỹ), Hội nghị liên chính phủ của LHQ đã hoàn thành quá trình đàm phán về văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học biển ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Tiếp đó, ngày 19/6/2023, Hội nghị liên chính phủ đã đồng thuận thông qua Hiệp định trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ).
Ngày 1/8/2023, Đại hội đồng LHQ họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết về Hiệp định BBNJ với sự ủng hộ của 150/193 quốc gia thành viên. Từ ngày 20/9/2023, Hiệp định được mở ký trong vòng hai năm và sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi được ít nhất 60 quốc gia thành viên nộp phê chuẩn, phê duyệt, chấp nhận hoặc gia nhập.
Đoàn liên ngành Việt Nam tham dự Hội nghị liên chính phủ thông qua BBNJ. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) |
Củng cố sức sống của chủ nghĩa đa phương
Hiệp định BBNJ là hiệp định thứ ba thực thi UNCLOS (sau Hiệp định về đàn cá di cư và Hiệp định nhằm thực thi Phần XI của UNCLOS), củng cố hơn nữa UNCLOS - khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, Hiệp định BBNJ còn góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương, là dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện thập kỷ LHQ về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững và thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres từng nhấn mạnh, quá trình đàm phán và thông qua BBNJ thể hiện sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, được xây dựng trên tinh thần của UNCLOS, thể hiện cam kết giải quyết các thach thức toàn cầu và đảm bảo sự bền vững tại các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Ngoài ra, BBNJ hứa hẹn mở ra những cánh cửa cơ hội mới cho hợp tác quốc tế trong những lĩnh vực đòi hỏi năng lực khoa học-công nghệ cao như nguồn gene biển, công cụ quản lý vùng, đánh giá tác động môi trường biển, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển.
Trong khuôn khổ Đối thoại Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức tại Cần Thơ (ngày 14/11), các học giả uy tín trong nước và quốc tế sẽ tập trung trao đổi và làm rõ các nội dung cơ bản của BBNJ; đồng thời thảo luận về cách thức Hiệp định này được áp dụng phù hợp với các công cụ pháp lý hiện hành khác. |
Nhiều quan chức các nước đã từng đưa ra đánh giá về ý nghĩa của hiệp định BBNJ. Trong đó, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh rằng, văn kiện này tượng trưng cho một chiến thắng nữa của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương khi được thông qua vào thời điểm thế giới chứa đựng nhiều vấn đề bất ổn. Thỏa thuận đạt được là một minh chứng về những gì các thành viên LHQ có thể đạt được khi hợp tác cùng nhau.
Bộ trưởng Ngoại giao Maldives Abdulla Shahid hoan nghênh cột mốc quan trọng trong nỗ lực tập thể để bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên biển vô giá tồn tại ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren khẳng định Chile sẵn sàng tham gia vào Ban thư ký của Hiệp định BBNJ với tinh thần xây dựng cao nhất, nhằm cùng thế giới đạt những tiến bộ lớn hơn nữa để bảo vệ đại dương.
Nếu có đủ 60 nước gia nhập, phê chuẩn, phê duyệt hoặc chấp thuận, Hiệp định BBNJ sẽ chính thức có hiệu lực. Trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Tổng thư ký LHQ sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên của hội nghị các nước thành viên của văn kiện này.
Việt Nam tham gia chủ động, có trách nhiệm
Là một quốc gia có biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình đàm phán BBNJ ngay từ những ngày đầu tiên; đưa ra các đề xuất, đóng góp thực chất và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết BBNJ ngay ngày đầu tiên Hiệp định được mở ký.
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ từng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn “trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn… tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương” (Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Do đó, theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Việt Nam có nhu cầu tận dụng các biện pháp xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ cũng như nguồn lực tài chính của quỹ chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia để “tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến”, “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao”, từ đó “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học”, như các mục tiêu mà Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về biển cũng như về hội nhập quốc tế, với phương châm “chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng”, “là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Việt Nam sẽ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, trong khu vực Đông Nam Á, cũng như những khu vực khác trên thế giới.
Hiệp định BBNJ, gồm Phần Mở đầu, 12 Phần với 76 điều cùng với hai Phụ lục kèm theo, hướng tới mục tiêu đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển cho hiện tại và trong dài hạn, thông qua việc thực thi hiệu quả các quy định của UNCLOS 1982 và tăng cường hợp tác quốc tế. Hiệp định BBNJ quy định 4 vấn đề quan trọng trong đảm bảo đa dạng sinh học biển gồm: nguồn gene biển; các biện pháp, công cụ quản lý dựa vào vùng (ABMT), bao gồm các khu vực bảo tồn biển (MPA); đánh giá tác động môi trường biển (EIA) và xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển. |