Đại sứ, GS. TS Nguyễn Hồng Thao chủ trì một phiên thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 13 về ý nghĩa của BBNJ với các nước đang phát triển. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Trả lời phỏng vấn TG&VN trong khuôn khổ Đối thoại Biển lần thứ 13 vừa qua tại Cần Thơ, Đại sứ, GS. TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) Liên hợp quốc đã nhấn mạnh những khó khăn, thử thách trong việc thông qua BBNJ, tuy nhiên cũng khẳng định tầm quan trọng của hiệp ước quốc tế này với các cơ hội mở ra cho các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiệp định trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) trong bối cảnh rất khó để đạt được một hiệp ước đa phương cấp độ toàn cầu như hiện nay?
BBNJ là sự nối tiếp, kéo dài của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. UNCLOS đưa ra một quy định tổng thể về các hoạt động trên biển – được gọi là bản Hiến pháp của Đại dương. Tuy nhiên, Công ước cũng có những hạn chế, bao gồm việc không có quy định về quản lý các nguồn gen biển, đa dạng sinh học nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Vì vậy, việc thông qua BBNJ trên cơ sở tiếp tục các nguyên tắc của UNCLOS đã mang lại một trật tự pháp lý mới, công bằng hơn cho các nước đang phát triển. Trước kia, các nước phát triển chủ yếu khai thác nguồn gen biển ngoài khu vực biển cả và hầu như không có sự tham gia của nước đang phát triển. Các nước phát triển muốn áp dụng nguyên tắc tự do biển cả, tự do đánh bắt, nghiên cứu và không phải chia sẻ bất cứ lợi ích nào.
Trong khi đó BBNJ đưa ra các nguyên tắc tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với tất cả các nguồn gen biển, nằm ngoài vùng tài phán quốc gia và phân chia một cách công bằng giữa các nước.
BBNJ khởi đầu từ ý tưởng tới đàm phán là 12 năm, nhiều hơn thời gian đàm phán UNCLOS (chỉ có 9 năm), cho thấy độ phức tạp của BBNJ là rất lớn. Việc thăm dò và khai thác nguồn gen biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia rất xa bờ, do vậy, cần nguồn lực về tài chính, kỹ thuật, nhân lực, là những nhân tố mà các nước đang phát triển còn thiếu.
Xin Đại sứ chia sẻ những điểm nhấn nổi bật của BBNJ, tính "mới" của BBNJ so với các văn bản quốc tế hiện hành khác?
BBNJ thực chất bao gồm 4 vấn đề chính. Đó là nguồn gen biển, các nước phát triển đã đấu tranh đưa được nguyên tắc di sản chung của nhân loại cùng áp dụng với nguyên tắc tự do biển cả trong UCNLOS; BBNJ đưa ra một hệ thống quản trị theo vùng, thiết lập những vùng bảo vệ biển bên ngoài quyền tài phán quốc gia để các nước tham gia quản lý nguồn gen biển; BBNJ đưa ra cơ chế đánh giá tác động của môi trường, khác với UNCLOS, ở một tầm mức cao hơn, không chỉ trước khi có dự án mà kể cả sau khi có dự án triển khai – đánh giá kế thừa, tích lũy theo từng năm một, đây là một đòi hỏi có thể nói là khá cao của BBNJ; BBNJ nhấn mạnh đến sự cần thiết, nhu cầu của các nước đang phát triển cần có sự giúp đỡ của các nước phát triển để xây dựng năng lực biển cũng như chuyển gia công nghệ biển.
Bên cạnh đó, BBNJ bao gồm nhiều sáng kiến nhưng đòi hỏi các nước tham gia phải minh bạch thông tin liên quan đến nguồn gen biển, nằm ngoài vùng tài phán quốc gia. Đây là tài sản chung của nhân loại, do vậy, không có lý do phải mập mờ, che giấu mà cần công khai, chia sẻ.
Một phiên thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 13. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Ngay cả những công ước quốc tế như UNCLOS cũng đang gặp phải không ít thách thức trong việc thực thi. Đại sứ đánh giá như thế nào về tính khả thi của BBNJ, kể cả trong quá trình thông qua và đi vào có hiệu lực?
BBNJ đã khắc phục một trong những thiếu sót của UNCLOS là chưa quản lý nguồn gen biển, đa dạng sinh học ngoài quyền tài phán quốc gia. BBNJ tiếp tục phát triển từ UNCLOS, đó là thỏa thuận áp dụng phần I của Công ước về vấn đề nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản biển nằm trong vùng biển thuộc di sản chung của nhân loại. Cho đến nay đã có một số dự án thăm dò thuộc vùng biển này nhưng chưa có dự án nào đi đến được giai đoạn khai thác, chúng ta đã mất 30 năm chưa thực hiện được thỏa thuận này.
Ngay cả khi BBNJ có hiệu lực nhưng các nước phát triển không tham gia hoặc miễn cưỡng tham gia thì liệu các nước đang phát triển có đủ nguồn lực thăm dò và khai thác vùng biển này hay không? Rõ ràng, các nguồn tài nguyên biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là hoàn toàn thuộc về nhân loại.
Do vậy, BBNJ dù được thông qua là một thắng lợi ban đầu song phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để đạt được sự phân chia công bằng. Hiện nay trong 14 nước phê chuẩn BBNJ thì chưa có một cường quốc biển nào. Đây cũng thực sự là một thách thức.
Đối với Việt Nam, theo Đại sứ, BBNJ đảm bảo những quyền lợi và tạo ra những cơ hội hợp tác biển nào?
BBNJ cho phép chúng ta tham gia vào thăm dò, khai thác và phân chia tài nguyên gen biển nằm ngoài Biển Đông. Chúng ta có quyền tham gia cùng tất cả các nước khác để quản lý nguồn lợi đó. Đó là một thắng lợi của chúng ta. Biển Đông là một vấn đề vô cùng quan trọng, sát sườn đối với Việt Nam nhưng bên cạnh đó, để trở thành một cường quốc biển hạng trung, chúng ta cần mở rộng tầm nhìn ra ngoài Biển Đông để tham gia vào các hoạt động của thế giới tích cực hơn nữa.
Muốn được chia sẻ một cách công bằng, Việt Nam cũng phải có lực lượng chuyên gia, tham gia vào hội nghị các bên BBNJ để thiết lập luật chơi đối với các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ tối ưu… Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, hệ thống luật cũng cần có sự điều chỉnh nếu như muốn phê chuẩn BBNJ như việc điều chỉnh luật về khoa học kỹ thuật, đang dạng sinh học, nâng cao nhận thức trong người dân…
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!