📞

Hiệu ứng domino tích cực sẽ giúp thế giới 'hàn gắn' chuỗi cung toàn cầu

14:44 | 16/04/2020
TGVN. Kinh tế toàn cầu giống như trò chơi domino, khi một mắt xích di chuyển sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tình hình kinh tế chung.
Thế giới cần xây dựng một cơ chế đồng vận phức hợp khẩn cấp cho chuỗi cung toàn cầu; bảo đảm môi trường thương mại, đầu tư tự do, công bằng, minh bạch, ổn định. (Nguồn: SCMP)

Với toàn cầu hóa, các công đoạn sản xuất một thành phẩm có thể được thực hiện bởi nhiều doanh nghiệp tại nhiều nước khác nhau, hình thành chuỗi cung toàn cầu, giúp tạo nhiều việc làm hơn và làm tăng thu nhập. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia không thể vươn lên hay suy vong một cách đơn lẻ.

Trung Quốc đã hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm của chuỗi sản xuất châu Á. Do đó, lỗ hổng năng lực của Trung Quốc do đại dịch sẽ tác động tới cả hệ thống sản xuất toàn cầu. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị gia tăng của ngành chế tạo Trung Quốc đóng góp 28,6% tổng giá trị của ngành chế tạo toàn cầu trong năm 2018.

Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, Trung Quốc chiếm 20% thương mại toàn cầu về các sản phẩm trung gian. Với chỉ số PMI (chỉ số Quản lý thu mua) của Trung Quốc giảm xuống 37,5% trong tháng 2, chuỗi cung của Trung Quốc làm cho sản lượng toàn cầu giảm mất 50 tỷ USD. Không chỉ là nước xuất khẩu lớn, Trung Quốc còn là nước nhập khẩu nhiều sản phẩm trung gian như hàng công nghệ cao từ Mỹ, linh kiện ô tô từ Đức, động cơ từ Pháp, dụng cụ quang học từ Nhật và sản phẩm bán dẫn từ Hàn Quốc...

Trong những năm gần đây, một số tập đoàn đa quốc gia tiến hành các biện pháp phân tán rủi ro trên mạng lưới chuỗi cung để đối phó với thảm họa thiên nhiên, xung đột thương mại và chi phí lao động gia tăng. Đại dịch Covid- 19 sẽ đẩy nhanh sự điều chỉnh của chuỗi cung toàn cầu này, thiết lập các chuỗi cung mới. Hàn Quốc tuyên bố sẽ nội địa hóa việc sản xuất các cấu phần công nghiệp do Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Mỹ khuyến khích đầu tư vào các nhà cung cấp nguyên liệu tân dược nội địa để điều chỉnh chuỗi cung tân dược, giúp giảm lệ thuộc vào các nguyên liệu do Trung Quốc sản xuất.

Dù các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đối mặt với các thách thức khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khách hàng nước ngoài nỗ lực tìm giải pháp thay thế, nhưng Trung Quốc hiện vẫn giữ vai trò mắt xích đầu tiên trong chuỗi domino, sở hữu chuỗi sản xuất công nghiệp hoàn thiện và năng lực ứng phó nhanh với tình huống khẩn cấp để vượt qua các rủi ro. Dịch bệnh cũng tạo cơ hội để nền kinh tế thứ hai thế giới tiến hành nâng cấp chuỗi cung thông qua mở rộng chuỗi sản xuất và tìm các giải pháp thay thế. Không ít doanh nghiệp nước ngoài vẫn giữ lòng tin vào thị trường Trung Quốc, như Tập đoàn Starbucks của Mỹ lên kế hoạch đầu tư một công viên sáng tạo cà phê ở phía Đông Trung Quốc, Tập đoàn Toyota của Nhật Bản dự kiến đầu tư một nhà máy sản xuất xe điện mới ở Thiên Tân.

Lãnh đạo Trung Quốc hiện đang nhấn mạnh việc tăng cường nỗ lực giúp vận hành trơn tru các chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm các hoạt động kinh tế, thương mại diễn ra bình thường. Trên đà phục hồi sản xuất hiện nay, Trung Quốc đặt kế hoạch tập trung thúc đẩy khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp hướng vào xuất khẩu để hạ thấp rủi ro của việc di chuyển chuỗi công nghiệp và giành lại các đơn đặt hàng; nỗ lực tìm giải pháp thay thế cho các hàng hóa trung gian để hóa giải tác động của sự đứt gãy chuỗi cung toàn cầu, nhất là các công cụ điện máy, sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp hàng không. Việc phát triển hệ điều hành mới HarmonyOS cho các thiết bị của Huawei là một ví dụ.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần xây dựng một cơ chế đồng vận phức hợp khẩn cấp cho chuỗi cung toàn cầu; bảo đảm môi trường thương mại, đầu tư tự do, công bằng, minh bạch, ổn định. Đó là cách mà "trò chơi" domino sẽ đem lại kết quả tất cả cùng thắng.

(theo Beijing Review)