TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh (Ảnh: NVCC) |
Việc học phải bắt nguồn từ chính người học
Từ năm 1987, Neil Flemming đã đưa ra mô hình phong cách học tập VARK, dựa trên những thế mạnh của người học, trong đó ông phân chia 4 kiểu phong cách học tập: V (học kiểu nhìn), A (học kiểu nghe), R (học kiểu đọc viết), K (học kiểu vận động). Mô hình này của Flemming được ứng dụng rất rộng rãi trong dạy học.
Người học kiểu nhìn thích quan sát tranh ảnh, sơ đồ, đồ thị, mô hình, xem video, thích sử dụng màu sắc, hình ảnh trong ghi chép, ghi nhớ tốt hơn bằng cách biến mọi thông tin thành các poster, bảng biểu với màu sắc bắt mắt, ấn tượng.
Người học kiểu nghe thích học bằng cách giao tiếp, học qua audio, thích đọc to lên trong lúc học, có thể học tập trung ngay cả trong môi trường ồn ào, thích vừa nghe nhạc vừa học.
Người học theo kiểu đọc viết thích ghi chép bài giảng, thích đọc sách, thậm chí có thể ngồi để đọc sách cả ngày. Trong khi đó, người học theo kiểu vận động cảm thấy rất khó khăn trong việc phải ngồi im một chỗ, thường học bằng cách sờ, nặn, làm, chạy nhảy. Họ cảm thấy thích các hoạt động như vẽ, nấu ăn, chế tác, sửa chữa…
Bằng quan sát, cha mẹ có thể nhận ra con mình thuộc loại phong cách học tập nào, từ đó tạo lập môi trường học tập, hướng dẫn con sử dụng các công cụ, phương tiện học tập phù hợp.
Với các bạn nhỏ có thiên hướng học tập bằng hình ảnh, thay vì bắt con giữ vở sạch chữ đẹp, làm bài tập, cha mẹ hãy biến việc học tập của con vào mùa hè trở thành một niềm vui. Thay vì ghi chép theo cách thông thường, cha mẹ có thể hướng dẫn con dùng các loại sơ đồ, bảng biểu để tóm tắt thông tin, sử dụng các loại flash card, bút đánh dấu để gia tăng khả năng ghi nhớ…
Nếu chọn sách cho con, hãy chọn những cuốn sách có nhiều tranh ảnh, màu sắc phong phú, bắt mắt để hỗ trợ việc học tập. Bố mẹ nên khuyến khích con học qua các kênh video, cho bé tới tham quan các bảo tàng, triển lãm, ra ngoài trời, quan sát thiên nhiên và cuộc sống.
Qua kênh nghe, cha mẹ có thể đọc sách cho con. Họ cũng có thể giảng giải cho con các tri thức về cuộc sống khi đang trên bàn ăn, đi du lịch, trên đường đi học về nhà. Đồng thời, khuyến khích con đặt câu hỏi và cố gắng trả lời các câu hỏi của con, cho con tiếp xúc và chuyện trò với những người hiểu biết.
Cha mẹ hãy cùng tham gia các trò chơi để hiểu thế mạnh của con. (Ảnh: Ngọc Minh) |
Với những trẻ có phong cách học tập bằng vận động, thay vì bắt con đọc sách, ghi chép, làm bài tập, hãy mua cho con những dụng cụ, vật dụng. Qua đó, tạo cơ hội cho con có thể biến những ý tưởng, kiến thức mà con đọc được trong sách thành những thí nghiệm, những sản phẩm sáng tạo. Hãy cho con cơ hội được cảm nhận tri thức bằng xúc giác, cho phép con được làm việc thay vì chỉ ngồi yên bất động ở một góc nào đó trong nhà, bởi vì việc đó quả thật là một cực hình.
Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng chỉ phù hợp với một phong cách học tập duy nhất. Vì thế, cần tạo nên một môi trường học tập đa dạng, cho phép con được tự do lựa chọn các phương pháp, dụng cụ, phương tiện học tập riêng. Việc của cha mẹ là tạo môi trường, tạo động lực học tập, quan sát để nhận ra phong cách của con, hỗ trợ khi con cảm thấy bối rối.
Thực tế, việc học phải bắt nguồn từ chính người học. Việc học chỉ thực sự hiệu quả khi người học được là chính mình, được học theo cách mình muốn và tự do tìm tòi những câu hỏi của bản thân về cuộc sống. Cảm giác được là chính mình sẽ đem lại niềm vui học tập, sẽ đánh thức những tiềm năng học tập ẩn giấu trong mỗi đứa trẻ, thúc đẩy đứa trẻ không ngừng học tập và khám phá.
Thiên tài ở sẵn trong mỗi đứa trẻ
Kể từ khi một đứa trẻ bắt đầu biết đặt ra những câu hỏi tại sao đầu tiên, chúng đã có sẵn sự ham hiểu biết và tò mò về thế giới. Nghĩa là, trong mỗi đứa trẻ đã có sẵn tiềm năng học tập.
Tiếc thay, tiềm năng đó bị “thui chột” theo thời gian bởi những kiểu học mang đầy sự trấn áp, bắt nguồn từ sự độc đoán và phần nào là thiếu hiểu biết của người lớn. Không ít người bắt trẻ phải học tập theo một cách duy nhất với những mệnh lệnh: “con phải tập trung lắng nghe”, “con phải làm bài tập”, “con phải học để đi thi”, “con phải ngồi im trong góc học tập”, “con phải ghi chép vở sạch chữ đẹp”, “con phải đem nhiều điểm 10 về”… Có thể nói, đó là một trong những nguyên nhân giết chết niềm say mê học tập tự nhiên trong mỗi đứa trẻ.
Trẻ sẽ trưởng thành hơn từ những trò chơi. (Ảnh: Ngọc Minh) |
Mùa hè đem lại cho các cha mẹ và các con cơ hội để khám phá và trải nghiệm phong cách học tập của chính mình, để bù lấp những thiếu hụt trong trường học. Đồng thời, mùa hè cũng là cơ hội để con được học tập theo cách phù hợp nhất với bản thân, để cân bằng lại những cảm giác căng thẳng sau cả một năm học ở trường. Đây là lúc cha mẹ có thể lùi lại phía sau chỉ để quan sát và trở thành một người hỗ trợ cho con.
Rõ ràng, mỗi đứa trẻ có một phong cách học tập khác nhau. Vì thế, trẻ cần môi trường cũng như phương tiện, phương pháp khác nhau để học tập. Nếu không hiểu được một cách sâu sắc phong cách học tập cá nhân của từng đứa trẻ, cha mẹ và thầy cô có thể vô tình “thủ tiêu” tiềm năng học tập, cũng như động lực học tập tự nhiên bên trong một đứa trẻ. Không phải đứa trẻ nào cũng cảm thấy dễ chịu khi ngồi mải miết bên bàn học, trong một góc yên tĩnh, ngăn nắp như chúng ta thường nghĩ.
Học tập không đơn thuần chỉ là việc theo đuổi hết lớp học này đến lớp học khác, dưới một mệnh lệnh của ai đó. Học tập có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả mọi thời điểm trong cuộc đời, chỉ là để thỏa mãn niềm khát khao được biết, niềm vui được phát hiện. Đó là lý do tại sao Edison, Steve Jobs, Bill Gates tuy không theo đuổi việc học tập ở trường nhưng vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Thậm chí, họ chia sẻ rằng đã học được nhiều nhất khi rời khỏi ghế nhà trường. Hiểu theo nghĩa đó, hẳn việc học tập về bản chất phải là quá trình tự học. Thiên tài ở sẵn trong đứa trẻ, tôi nghĩ việc của bạn là giúp con đánh thức nó!