Các đại biểu tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực thực thi hiệu quả Quy tắc xuất xứ trong EVFTA”. (Ảnh: Q.Đ) |
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ của EU trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình ARISE+ tại Việt Nam” góp phần thúc đẩy thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA.
Tại sự kiện, có sự tham gia và chủ trì phiên thảo luận của bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và các chuyên gia xuất xứ hàng hoá. Ngoài ra, buổi hội thảo còn thu hút đông đảo sự quan tâm, trao đổi và ý kiến đóng góp của đại diện Tổng cục Hải quan, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tập huấn, cập nhật về cách hiểu các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, so sánh với hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), và trao đổi về quy trình, các thủ tục cấp C/O mẫu EUR.1.
Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ về quy tắc xuất xứ và tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA. Trong phiên thảo luận, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý giải đáp các vướng mắc và cung cấp một số lưu ý cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi EVFTA và sau khi GSP hết hiệu lực.
Phát biểu khai mạc, bà Đỗ Thị Thu Hương nhấn mạnh tới tầm quan trọng của EVFTA, khi cho rằng việc triển khai hiệp định này mang một ý nghĩa to lớn đối với cả hai phía Việt Nam và EU, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trên thế giới.
Đối với EU, Việt Nam là đối tác đang phát triển đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ FTA với EU, đồng thời là cầu nối quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa EU và khu vực Đông Nam Á. Với Việt Nam, EU là đối tác thương mại – đầu tư hết sức quan trọng và là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong giai đoạn 2 năm triển khai EVFTA (8/2020 - 7/2022) đạt 83,6 tỷ USD. Xét trên quy mô và cơ cấu ngành hàng, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, với cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên mang tính bổ sung cao.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm trước khi hiệp định này được đưa vào thực hiện (giày dép, thuỷ sản, máy ảnh, máy quay phim, linh kiện máy móc và thiết bị).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này còn chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan từ dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp Việt gặp phải không ít những khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường EU và thực thi các quy định tại EVFTA.
Một trong những khó khăn lớn nhất họ gặp phải chính là việc áp dụng Quy tắc xuất xứ (Rules of Origin – ROO), được quy định cụ thể trong Nghị định thư số 1 của EVFTA và đã được Bộ Công thương hướng dẫn qua Thông tư 11/2020/TT-BCT ban hành ngày 15/6/2020.
Từ góc độ doanh nghiệp, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải chú ý đến các quy định về xuất xứ. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía ‘bạn hàng’ châu Âu, trong khi dư địa thị trường EU rất lớn, với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm
Đồng phát biểu tại Hội thảo, ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng của Dự án ARISE+ Việt Nam đề xuất các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam cần tiếp tục đánh giá thực chất tình hình triển khai EVFTA, cùng làm rõ các khó khăn vướng mắc, từ đó đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao tiêu chuẩn về lao động, môi trường, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan đại diện với các hiệp hội và doanh nghiệp.
Ông Bernhardt cũng bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ EU, thông qua dự án ARISE+ Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý và hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến và đồng hành cùng doanh nghiệp tận dụng hiệu quả lợi ích của hiệp định EVFTA, hướng tới triển khai chiến lược hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích và thực tế. Các đại biểu tham dự đánh giá việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa hết sức thiết thực với các hiệp hội và doanh nghiệp, coi đây là cơ hội tốt để nắm bắt thông tin, chia sẻ khó khăn và nêu ra đề xuất.
Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý và dự án tiếp tục hỗ trợ và tăng cường tổ chức các hội thảo tương tự để doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt và cập nhật thông tin cũng như có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU.
| Hội nhập quốc tế, cơ hội-thách thức, quyền lợi-trách nhiệm của doanh nghiệp luôn song hành Chủ trương của Việt Nam hiện nay là hội nhập toàn diện với 3 trụ cột: Hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập ... |
| Tọa đàm Hiệp định EVFTA - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam-Czech Đại sứ Thái Xuân Dũng khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam-Czech thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu ... |
| Đại sứ Nguyễn Văn Thảo dự lễ tưởng niệm cựu Trưởng đoàn đàm phán EVFTA Ngày 11/10, tại Trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) đã diễn ra lễ tưởng niệm ông Mauro Petriccione, cựu Tổng Vụ trưởng Vụ Hành ... |
| Thu hút FDI: Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội 'hiếm có khó tìm' trong bối cảnh thế giới đầy biến động Sáng 25/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và ... |
| Thưởng thức thực phẩm và đồ uống đa dạng đến từ 27 quốc gia thành viên EU Trong bối cảnh chiến dịch “Thực phẩm châu Âu & Việt Nam: Sự kết hợp hoàn hảo!” do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức ... |